Euro 2016

Người nước ngoài được sở hữu nhà

Quốc hội ngày 25-11 đã biểu quyết thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) với đa số phiếu tán thành. Cả 2 luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015

Nội dung quan trọng của Luật Nhà ở (sửa đổi) được xem là một trong những lối ra của thị trường bất động sản là quy định “cho phép người nước ngoài được mua nhà ở thương mại tại Việt Nam trong vòng 50 năm”.

Kết hôn với người Việt: Được sở hữu nhà lâu dài

Để bảo đảm an ninh, quốc phòng, luật đã có các quy định chặt chẽ. Cụ thể, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài; quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam.

Tuy nhiên, chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư. Nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà.

Trường hợp trong một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường mà có nhiều nhà chung cư hoặc đối với nhà ở riêng lẻ trên một tuyến phố thì Chính phủ quy định cụ thể số lượng căn hộ, số lượng nhà ở riêng lẻ mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu.

Luật Nhà ở (sửa đổi) tạo nhiều điều kiện người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Trong ảnh: Người nước ngoài cư trú khá nhiều tại khu Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Luật Nhà ở (sửa đổi) tạo nhiều điều kiện người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Trong ảnh: Người nước ngoài cư trú khá nhiều tại khu Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Các cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định của Chính phủ nếu có nhu cầu; thời hạn sở hữu nhà ở phải được ghi rõ trong giấy chứng nhận.

Cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài và có các quyền sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam.

Không trả nhà công vụ sẽ bị cưỡng chế

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH), ông Phan Trung Lý, cho biết tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu QH, Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua đã thu hẹp đối tượng được thuê nhà ở công vụ. Cụ thể, nếu là cán bộ, công chức ở trung ương thì giữ chức vụ từ cấp tổng cục trưởng và tương đương trở lên; nếu ở địa phương thì từ cấp chủ tịch huyện, giám đốc sở và tương đương trở lên mới được xét thuê nhà công vụ. Các công chức trên phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại nơi đến công tác và một số điều kiện khác.

Đối với các đối tượng cán bộ, công chức khác, nếu được điều động, luân chuyển đến công tác tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo thì mới được bố trí thuê nhà ở công vụ.

Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm và thời hạn  cưỡng chế thu hồi nhà ở công vụ. Theo đó, người đang thuê, thuê mua nhà ở thuộc diện bị thu hồi phải bàn giao nhà ở cho đơn vị được giao quản lý nhà ở. Trường hợp không bàn giao, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở thực hiện cưỡng chế thu hồi, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức cưỡng chế thu hồi trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi.

20 tỉ đồng được kinh doanh địa ốc

Luật Kinh doanh bất động sản quy định mức vốn pháp định tối thiểu 20 tỉ đồng là điều kiện cần khi thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Còn khi thực hiện dự án cụ thể thì chủ đầu tư phải có vốn thuộc sở hữu của mình không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha và không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên theo quy định của pháp luật về đất đai.

Luật cũng quy định cụ thể việc bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai. Luật này cũng quy định lần đầu chủ đầu tư chỉ được thu không quá 30% giá trị hợp đồng và không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà, không quá 95% giá trị hợp đồng khi bên mua, thuê mua chưa được cấp giấy chứng nhận…  

Chi tiêu ngân sách, bí mật đời tư: Chưa rõ

Cùng ngày, QH đã thảo luận về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và dự án Bộ Luật Dân sự (sửa đổi).

Đại biểu (ĐB) Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị ban soạn thảo bổ sung các quy định nhằm tăng tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan liên quan trong Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Theo ĐB Khánh, ngay cả ĐBQH cũng rất khó biết được việc sử dụng tiền thuế thu của dân, tiền vay viện trợ nước ngoài như thế nào, hiệu quả ra sao.

ĐB Lê Văn Tân (Hà Nam) cho rằng dự thảo quy định 6 hình thức công khai ngân sách nhà nước nhưng thực chất chỉ công khai tại kỳ họp thường niên của QH. Do đó, cần quy định công khai cả tình hình thực hiện dự toán, quyết toán ngân sách; không áp dụng cơ chế báo cáo mật đối với dự toán, quyết toán khi trình ra cơ quan dân cử.

Về dự án Bộ Luật Dân sự (sửa đổi), ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) nhận xét dự thảo luật chưa đưa ra khái niệm thống nhất về quyền riêng tư và bí mật cá nhân. Các văn bản pháp luật hiện hành đều quy định về bảo vệ bí mật cá nhân, thư tín nhưng chưa có văn bản nào quy định khái niệm về bí mật cá nhân và quyền riêng tư. Nếu không có khái niệm để luận giải sẽ dẫn tới cách hiểu khác nhau và sự tùy tiện trong áp dụng và thực hiện pháp luật.

T.Hà - T.Kha

Người lao động

bất động sản, thị trường bất động sản, vốn đầu tư, ngân sách nhà nước, Phú Mỹ Hưng, giám đốc sở, người nước ngoài, đầu tư nước ngoài, kinh doanh bấ


      © 2021 FAP
        159,800       651