Euro 2016

Bấp bênh cây cacao

Việc phát triển cây cacao tại Việt Nam có cả dự án phát triển của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, giá cacao không ổn định nên người trồng chặt bỏ cây cacao cho dù đã trồng 4-5 năm tuổi đang cho thu hoạch

Hai thủ phủ trồng cây cacao lớn nhất là Bến Tre và Đắk Lắk đang cố gắng vực dậy loại cây trồng này, vì thời gian qua người trồng đã chặt bỏ với diện tích hơn 50%. Chẳng hạn, tại Bến Tre, trước đây có gần 10.000 ha cacao thì này giảm còn 5.000 ha, còn tại Đắk Lắk trước đây diện tích loại cây trồng này lên đến 6.000 ha thì nay giảm mạnh còn khoảng 2.000 ha.

Không cạnh tranh được cây trồng khác

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bến Tre, cho biết dự án trồng cây cacao tại tỉnh đã có từ năm 2004-2006, với diện tích trồng 1.000 ha phục vụ cho xuất khẩu. Đến năm 2007 phát triển mạnh lên 10.000 ha. Tuy nhiên, đến năm 2009 thì chựng lai, cuối năm 2012 và đầu năm 2013, người dân chặt bỏ cây cacao khá nhiều. Nguyên nhân theo ông Đức, thời điểm này giá cacao xuống thấp chỉ còn khoảng 2.000 đồng/kg trái tươi. Trong khi các loại cây trồng khác như bưởi da xanh, chôm chôm, chanh lại có giá cao nên nhiều vườn cacao bị chặt bỏ để trồng cây khác có giá trị hơn.

Nhiều nông dân còn e ngại khi đầu tư trồng cây cacao
Nhiều nông dân còn e ngại khi đầu tư trồng cây cacao

Tương tự, tại Đắk Lắk năm 2003-2005 có dự án quy hoạch phát triển cây cacao,  định hướng đến năm 2020 là 10.000 ha. Tuy nhiên, loại cây này cũng chỉ ngấp nghé 6.000 ha, sau đó giảm mạnh chỉ còn 2.000 ha. Ông Huỳnh Ngọc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, cho biết cho dù hiện nay hiện tượng đốn bỏ cây cacao đã chựng lại nhưng vẫn còn rải rác. Mới đây, một doanh nghiệp trên địa bàn còn gửi đơn kiến nghị xin đốn bỏ 30 ha cacao để chuyển sang trồng cà phê nhưng sở không đồng ý. Theo ông Thích, cây cacao rất khó cạnh tranh với cây cà phê, tiêu trên địa bàn.

Ông Ysăn, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Lắk (Đắk Lắk), cho biết trước đây huyện phát triển được 600 ha cacao, nhưng nay giảm còn 200-270 ha. Theo ông Ysăn huyện cũng đã cảnh báo đến người dân đây là vùng đất xấu chỉ phù hợp cho cây cacao phát triển nhưng người dân vẫn chặt bỏ để trồng cà phê.

Cần thay đổi cách nhìn

Được biết dự án hợp tác công tư phát triển bền vững cây cacao Việt Nam là nhằm mục đích hỗ trợ người nghèo. Theo đó, mỗi hộ trồng từ 150-200 cây cacao, với cách trồng xen các loại cây khác (cây cacao cần cây trồng khác che bóng mát). Chẳng hạn tại Bến Tre cây cacao có thể trồng xen trong vườn dừa, chôm chôm, sầu riêng. Còn tại Đắk Lắk có thể trồng xen trong vườn điều, cà phê. Tuy nhiên, đến thời điểm này nhiều người trong ngành cho rằng muốn phát triển cây cacao thì phải đầu tư, người nghèo không thể tự họ phát triển được. Một hộ cần phải trồng từ 500 cây trở lên mới đạt được hiệu quả.

Ông Ysăn cho biết trên địa bàn hầu hết là người dân tộc, mỗi hộ được hỗ trợ trồng từ 100-150 gốc nên thu hoạch rất thấp. Mỗi ngày họ hái chỉ được từ 2-10 trái, giá bán 1 kg trái tươi vào thời điểm cuối năm 2012, đầu năm 2013 chỉ khoảng 2.000 đồng/kg (13 kg tươi mới được 1 kg hạt khô sau khi lên men với giá bán chưa tới 40.000 đồng/kg). Một cây cacao trồng đến năm thứ ba thì cho thu hoạch khoảng 600 g hạt/cây/năm và đến năm thứ 6 sẽ tăng lên 2,5 kg hạt. Như vậy, một cây cacao cho 600 g hạt nhân, 100 cây sẽ cho 60 kg hạt. Nếu tính giá 40.000 đồng/kg thì được 2,4 triệu đồng/năm, nông dân không thể nào đầu tư vào loại cây trồng này.

Ông Thích cho rằng để người dân tiếp tục trồng cây cacao cần phải đánh giá lại cây cacao, nghiên cứu nhu cầu thị trường. Doanh nghiệp phải có giá thu mua tốt và ổn định,  có cam kết gắn kết với nông dân lâu dài. Hỗ trợ vốn đầu tư cho nông dân phát triển cây cacao tối thiểu từ 500 gốc trở lên. Còn theo ông Đức, cần phải xây dựng được chuỗi sản xuất, liên kết nông dân với doanh nghiệp chế biến. Lập câu lạc bộ, tổ hợp tác những người trồng cacao để hỗ trợ về kỹ thuật, chăm sóc. Xây dựng mô hình trồng mới, chọn điểm cơ sở, tư vấn. Không nên phát triển ồ ạt mà cần phát triển vững chắc, đồng bộ, chuyển giao kỹ thuật rõ ràng.

Giá cacao trái tươi hiện nay khoảng 5.000-5.500 đồng/kg (giảm 500 đồng/kg so với tháng trước), giá hạt cacao khô sau khi lên men từ 55.000-58.000 đồng/kg (giảm 5.000 đồng/kg). Theo người trồng, với mức giá hiện nay đã mang lại thu nhập khá tốt. Nếu mức giá này ổn định sẽ kích thích người trồng tăng diện tích.

Người lao động

      © 2021 FAP
        159,834       80