Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ vào đầu tuần này, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín cho biết Dự án Đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành – Suối Tiên chỉ có thể hoàn thành vào năm 2019 và đưa vào khai thác vận hành toàn công trình vào năm 2020, tức là chậm 2 năm so với mốc tiến độ từng được điều chỉnh năm 2011.
Là công trình đường sắt đô thị duy nhất ở khu vực phía Nam đang triển khai thi công, tuyến Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7 km (với 2,6 km đi ngầm) đi qua địa bàn quận 1, quận Bình Thạnh, quận 2, quận Thủ Đức, quận 9 (TP HCM) và có một phần cuối tuyến thuộc tỉnh Bình Dương (huyện Dĩ An)...
Trước đó, từ tháng 8-2012, đoạn đi trên cao của Dự án đã được khởi công xây dựng. Theo thiết kế, tốc độ chạy tàu tối đa là 80 km/h trong đường hầm và 110 km/h trên cầu. Dự kiến, tuyến Bến Thành - Suối Tiên sẽ được hoàn thành đưa vào chạy thử năm 2019, sau đó sẽ khai thác chính thức vào năm 2020.
Cần phải nói thêm rằng thông tin về việc dự án metro có quy mô vốn lớn nhất Việt Nam bị vỡ tiến độ là không mới, nhưng đây là lần đầu tiên, chủ đầu tư Dự án chính thức báo cáo vụ việc lên Thủ tướng Chính phủ.
Theo lý giải của TP HCM, trong quá trình triển khai thực hiện, Dự án đã phát sinh yêu cầu cần thiết phải đầu tư xây dựng Nhà ga Trung tâm Bến Thành tích hợp cho các tuyến đường sắt đô thị Thành phố (gồm tuyến số 1, 2, 3a và 4) dẫn đến việc phải phân chia lại Gói thầu số 1 “Xây dựng ngầm” thành 2 gói thầu nhỏ: Gói thầu số 1a - xây dựng đoạn ngầm, lý trình từ Km 0+132 - Km 0+615 và Gói thầu số 1b - xây dựng đoạn ngầm, lý trình từ Km 0+615 - Km 2+360.
“Việc phân chia này cùng với quá trình triển khai lập lại thiết kế tích hợp của Nhà ga Trung tâm Bến Thành đã ngốn nhiều thời gian để thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ chung của Dự án” - ông Tín cho biết.
Sở dĩ UBND TP HCM phải xin “nới đai” tiến độ hoàn thành công trình là “để có đủ cơ sở pháp lý để triển khai công tác lựa chọn nhà thầu cho Gói thầu 1a - hạng mục xây lắp duy nhất hiện đang còn nằm trên giấy”.
Ngoài việc điều chỉnh thời gian xây dựng, cách đây hơn 2 tháng, Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị TP HCM cũng đã ban hành Quyết định số 178/QĐ – BQLDA ĐSĐT phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh của Dự án metro tuyến Bến Thành - Suối Tiên.
Tại lần điều chỉnh vừa được thực hiện, trong khi tổng mức đầu tư tính bằng đồng yên Nhật không thay đổi, thì tổng mức đầu tư quy đổi bằng tiền đồng của Dự án lại tăng đáng kể, từ 47.325 tỉ đồng lên 54.006 tỉ đồng. Trong cơ cấu tổng mức đầu tư mới, phần vốn vay ODA từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phục vụ các gói thầu xây lắp tăng từ 41.325,2 tỉ đồng lên 48.515 tỉ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách Thành phố phục vụ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý vẫn được giữ ở mức 5.492 tỉ đồng.
Mặc dù, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM cho rằng giá trị tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh đối với cấu phần tiền đồng “chỉ nhằm mục đích tham khảo, không dùng để thanh toán” nhưng nhiều chuyên gia đã cho rằng, đây lại là tham số quan trọng phản ánh giá trị thực của công trình.
Theo tính toán của chính chủ đầu tư, sau khi điều chỉnh tổng mức đầu tư, suất đầu tư của Dự án đã lên tới 93,929 triệu USD/km nếu quy đổi bằng đồng ngoại tệ, nhưng vọt lên hơn 2.741 tỉ đồng/km nếu tính bằng đồng nội tệ.
Ngoài những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình lựa chọn nhà thầu Gói thầu 1a, chủ đầu tư đang phải đối diện với những khó khăn có thể làm chậm thêm tiến độ thi công Dự án, trong đó nổi cộm là việc bàn giao mặt bằng cho Gói thầu số 2 do Liên danh Sumitomo (Nhật Bản) – Cienco 6 thi công.
“Nếu các địa phương không bàn giao mặt bằng đúng cam kết, ngoài việc chậm tiến độ, nguy cơ chủ đầu tư bị nhà thầu khiếu nại dẫn tới phát sinh chi chí là hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM lo ngại.
chủ đầu tư, Thủ tướng Chính phủ, giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư dự án, UBND TP HCM, quận Bình Thạnh, đường sắt đô thị, ban quản lý dự án, dự án đường