Euro 2016

Ngành ô tô “tung cờ trắng”!

Chính sách đối với ngành ô tô đã được nói đi nói lại rất nhiều lần nhưng chẳng mấy cải thiện. Hậu quả là từ kỳ vọng xây dựng cho được một ngành công nghiệp ô tô đúng nghĩa, Việt Nam đang dần trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm này cho bên ngoài

Trong lúc chính sách về thuế, phí đối với ô tô không kịp xây dựng để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (đang diễn ra) thì những chuyển động bên ngoài được đẩy nhanh liên tục, càng bỏ xa ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vốn dĩ non trẻ và lạc hậu: Trung Quốc tuyên bố lượng ô tô nguyên chiếc bán sang Việt Nam đang tăng trưởng ở mức cao nhất, Hyundai (Hàn Quốc) chọn Malaysia làm địa bàn chiến lược, Mazda (Nhật) hướng sang Thái Lan...

Nhập ồ ạt vì giá xe nội địa cao

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2014, số lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu đạt khoảng 51.000 chiếc, tổng trị giá 1,12 tỉ USD; tăng 76,1% về lượng và 93% về giá so với cùng kỳ năm 2013.

Lắp ráp ô tô ở nhà máy của Công ty Ford Việt Nam - thương hiệu đang hướng sang Thái Lan, Philippines Ảnh: TẤN THẠNH
Lắp ráp ô tô ở nhà máy của Công ty Ford Việt Nam - thương hiệu đang hướng sang Thái Lan, Philippines Ảnh: TẤN THẠNH

Trong đó, thị trường Trung Quốc có mức tăng trưởng ấn tượng với tổng lượng xe bán sang nước ta trong 9 tháng đạt 8.388 chiếc, giá trị gần 328 triệu USD, tăng đến khoảng 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài Trung Quốc, Việt Nam còn là thị trường tiêu thụ của Hàn Quốc (11.635 chiếc, tương ứng hơn 197 triệu USD), Thái Lan (lũy kế 9 tháng 8.660 xe, tổng trị giá đạt gần 146 triệu USD)...

“Nguyên nhân là do quy định siết tải trọng vận chuyển hàng hóa khiến nhu cầu mua xe tải đáp ứng khả năng chuyên chở tăng cao. Trong khi xe tải Trung Quốc lại có ưu thế giá rẻ nên được các doanh nghiệp lựa chọn nhằm nhanh khấu hao, bớt tốn kém” - giám đốc một doanh nghiệp vận tải ở Hải Phòng cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thạc, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nam Định, cũng nói xe tải nguồn gốc Trung Quốc chỉ bằng 2/3 so với một số xe từ quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. “Với giá đó, tuy chất lượng thua kém nhưng doanh nghiệp vẫn lựa chọn để phục vụ hoạt động kinh doanh. Còn xe tải của Việt Nam đến nay có rất ít sự lựa chọn, giá cũng không rẻ. Đối với xe cá nhân, rõ ràng, giá sản phẩm sản xuất, lắp ráp trong nước cao hơn các nước cùng khu vực khoảng 20%” - ông Thạc nhận xét.

Đi buôn thay vì sản xuất, lắp ráp

Điểm then chốt tạo động lực cho ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển chính là dòng đầu tư từ các tên tuổi lớn của nước ngoài. Tuy vậy, do vẫn loay hoay với việc định hình cơ chế, chính sách ổn định và hấp dẫn nên Việt Nam đã bị “mất điểm” trong mắt nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Gần đây nhất, Tập đoàn Ô tô Mazda đã tuyên bố chọn Thái Lan làm cơ sở sản xuất quy mô lớn để cung cấp sản phẩm cho khu vực Đông Nam Á. Hyundai - thương hiệu ô tô lớn thứ tư thế giới - cũng cho biết sẽ tập trung sản xuất tại Malaysia để chuyển xe nguyên chiếc sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Trước đó, đầu năm 2014, Nissan (Nhật Bản) mở rộng quy mô đầu tư tại Indonesia, Ford (Mỹ) hướng sang Thái Lan và Philippines…

Trong khi đó, tại Việt Nam, mặc dù “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” đã được công bố; các quy định về thuế, phí cho ngành ô tô đã được Bộ Công Thương hoàn thành nhưng mới ở giai đoạn lấy ý kiến.

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công Thương, cho biết dự thảo về chính sách thuế, phí cho ngành ô tô sẽ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt của các dòng xe dung tích xi-lanh 1,5L trở xuống giảm 20%-25%, dung tích 1,6L-3,0L giữ nguyên, dung tích trên 3,0L tăng thuế thêm 10%.

“Chúng tôi đã gửi dự thảo đi lấy ý kiến các bộ, ngành nhưng đến nay mới có Bộ Giao thông Vận tải cho ý kiến, trong đó có điểm đồng tình, có điểm không nên chúng tôi phải tập hợp và xem xét lại. Riêng cơ quan quan trọng nhất là Bộ Tài chính thì đến nay vẫn chưa có ý kiến gì” - ông Quân phân trần.

Theo một nhà sản xuất ô tô trong nước, việc chậm cải thiện chính sách sẽ khiến cơ hội phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam khó khăn hơn khi thiếu sự đầu tư của các tập đoàn nước ngoài.

Vấn đề chính sách của Việt Nam đã được nói đi nói lại nhưng cải thiện không nhiều trong khi các nhà đầu tư đòi hỏi chính sách hoàn chỉnh, tạo được lòng tin lâu dài.

Việc họ rời bỏ Việt Nam cộng với lộ trình giảm thuế theo thỏa thuận về Khu vực mậu dịch tự do Đông Nam Á (AFTA) sẽ khiến làn sóng bỏ sản xuất chuyển sang đi buôn ô tô của các doanh nghiệp trong nước được cảnh báo từ 2 năm nay sẽ không còn là dự đoán mà trở thành sự thật.

Mục tiêu khó đạt

Ông Nguyễn Mạnh Quân cũng tỏ ra lo ngại khi tiến độ cho ý kiến chậm sẽ khiến mục tiêu ban hành và thực hiện các chính sách cụ thể về ngành ô tô vào đầu năm 2015 khó hoàn thành. Theo nguyên tắc, chính sách thuế ô tô sau khi tiếp thu và tổng hợp ý kiến các bộ, ngành sẽ được trình Chính phủ trước khi đưa ra thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII. Trong khi đó, kỳ họp này chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc nên có khả năng sẽ không kịp trình Quốc hội.

Người lao động

Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, doanh nghiệp vận tải, công nghiệp ô tô, chiến lược phát triển, công nghiệp ô tô Việt Nam, Hyund


      © 2021 FAP
        160,474       98