Euro 2016

Nữ trang Trung Quốc độc hại tái xuất

Sau một thời gian ít được dư luận chú ý, các mặt hàng nữ trang xi mạ (hàng mỹ ký) của Trung Quốc có chứa chất cực độc lại tiếp tục tung hoành trên thị trường

Ngày 14-3, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP HCM đã công bố kết quả kiểm nghiệm 3 mẫu dây chuyền trang sức xi mạ bị thu giữ tại 3 cửa hàng trên đường An Bình (phường 5, quận 5) do không có hóa đơn chứng từ, là hàng nhập lậu từ Trung Quốc.

Chứa chất cực độc

Kết quả do Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Quatest 3) tiến hành kiểm nghiệm, cả 3 mẫu đều nhiễm chì từ 0,003% đến 0,015% (tương đương 30 mg/kg đến 150 mg/kg) và cadimi (một kim loại nặng được xếp hàng thứ 7 trong 275 chất cực độc) với hàm lượng nhỏ hơn 0,001%. Ba mẫu kiểm nghiệm trên nằm trong lô hàng bị phát hiện lên đến gần 12.000 đơn vị sản phẩm, tương đương 145,5 kg. Cơ quan QLTT đã ra quyết định xử phạt hành chính 3 hộ kinh doanh này số tiền 21 triệu đồng, đồng thời tịch thu tiêu hủy toàn bộ tang vật.

Nữ trang Trung Quốc độc hại tái xuất
Các mẫu trang sức xi mạ nhiễm chì và cadimi bị tạm giữ chờ tiêu hủy
Các mẫu trang sức xi mạ nhiễm chì và cadimi bị tạm giữ chờ tiêu hủy

Ngoài ra, còn một vụ cơ quan QLTT đang chờ kết quả kiểm nghiệm từ Quatest 3 cho lô hàng gồm 4.700 sợi dây chuyền các loại, trọng lượng 16 kg do vi phạm tương tự.

Quan sát trên các mẫu tang vật thấy có in bằng chữ Trung Quốc cỡ lớn và một số có kèm tiếng Anh mang các nhãn hiệu Stainless Steel Jewelry, Xuping Jewelry, Loe Jewelry có in dòng “Made in China” nhưng không hề có thông tin về nơi sản xuất. Có loại sản phẩm kèm dòng cảnh báo “children don’t touch” (tránh xa tầm tay trẻ em) nhưng nhiều mặt hàng không hề có nhãn mác. Nhiều loại trang sức mỹ ký này có màu vàng, trắng với các thiết kế đẹp long lanh bắt mắt.

Bán tràn lan

Cùng ngày, khảo sát thị trường, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy các mặt hàng tương tự đang được bán khắp nơi, nhất là trên những tuyến đường gần các chợ sỉ như:  Bình Tây (quận 6), An Đông (quận 5), khu trường học và các khu bán đồ lưu niệm hoặc nơi bán các đồ làm đẹp cho giới bình dân. Nếu như tại chợ, các sợi dây chuyền, lắc tay, nhẫn được để thành chùm thì tại các cửa hàng lưu niệm chúng được bày biện riêng biệt, sang trọng. Tại cửa hàng B.B trên đường Nguyễn Trãi (quận 5), các sợi dây chuyền vàng xi đều niêm yết giá cao ngất ngưởng từ 120.000-250.000 đồng/sợi, lắc tay cũng trên 100.000 đồng/cái, nhẫn từ 70.000-80.000 đồng/cái. Nhân viên tại đây cho biết đây là hàng xi xịn của Thái Lan, dùng ít nhất một tuần mới phai màu. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng y hệt lô hàng bị bắt giữ nhưng nhãn mác đã bị thay thành “Made in Vietnam” hoặc “Made in Korea” nhưng không có thông tin về địa chỉ nhà sản xuất, rất có thể đã bị thay đổi nhãn mác trước khi đưa đến cửa hàng.

Tương tự, cửa hàng T.F, cũng trên đường Nguyễn Trãi, chuyên về trang sức xi mạ, giá niêm yết cũng không hề rẻ, một mặt dây chuyền bé bằng ngón tay có giá 50.000 đồng/cái. Bà chủ cửa hàng cho biết khách hàng chủ yếu là giới trẻ và cả trẻ em.

Ông Phan Hoàn Kiếm, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP HCM, cho biết việc gửi mẫu đi kiểm nghiệm trên xuất phát từ việc trước đây (năm 2010) đã từng có phát hiện vi phạm tương tự. Nay thị trường lại xuất hiện mặt hàng này nên gửi mẫu đi kiểm nghiệm để cảnh báo cho người tiêu dùng biết không sử dụng cũng như đối với người bán, không kinh doanh mặt hàng này nữa. “Sắp tới, lực lượng QLTT sẽ tiếp tục kiểm tra mặt hàng này để ngăn chặn hàng lậu và bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng” - ông Kiếm nhấn mạnh. 

Nhờ cảnh báo từ Mỹ

Tuy không phải là đồ chơi trẻ em nhưng nữ trang xi mạ lại được trẻ em yêu thích do có màu sắc bắt mắt, giá lại rẻ hơn nhiều so với đồ thật. Do đó, không loại trừ khả năng trẻ em sẽ cầm nắm, ngậm các loại nữ trang này và nhiễm độc. Vì thế, năm 2010, một trường ĐH tại Mỹ đã kiểm nghiệm độc tố cadimi trên các loại đồ trang sức bằng kim loại rẻ tiền từ Trung Quốc và cảnh báo không nên mua và sử dụng các sản phẩm này.

Từ thông tin trên, đầu năm 2010, Chi cục QLTT TP HCM đã kiểm tra rầm rộ và thu giữ hàng chục ngàn đơn vị nữ trang xi mạ nhập lậu từ Trung Quốc. Sau một thời gian tạm lắng, đến nay mặt hàng này lại “tái xuất”.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP HCM, cho biết đối với các loại hàng xi hay còn gọi là nữ trang giả thì trong chế tác đương nhiên phải có chì! Đây cũng là chất trẻ em phải hạn chế tiếp xúc.

Người lao động

      © 2021 FAP
        160,759       290