Sau khi mở ra rầm rộ, 2-3 năm trở lại đây, nhiều siêu thị, cửa hàng điện máy tại các thành phố lớn lần lượt đóng cửa, phá sản
Thời hoàng kim, mỗi lần siêu thị điện máy khuyến mãi là khách hàng đua nhau mua sắm đến nỗi tắc đường ở khu vực xung quanh. Còn mấy năm gần đây, các trung tâm điện máy tại TP HCM khuyến mãi quanh năm với đủ chiêu thức nhưng người tiêu dùng vẫn thờ ơ. Bên trong các siêu thị, cửa hàng điện máy luôn trong cảnh người bán nhiều hơn người mua, bãi giữ xe chỉ lèo tèo vài chiếc.
Sàng lọc tất yếu
. Cuối năm 2013, chuỗi 3 siêu thị điện máy HomeOne tại TP HCM phải đóng cửa vì thua lỗ. Cũng trong năm 2013, Ebest đóng cửa 2 siêu thị điện máy ở TP HCM và Đà Nẵng. Một số cửa hàng điện máy ở các khu vực ngoại thành TP HCM như Hóc Môn, Gò Vấp cũng âm thầm biến mất. Còn trước đó, Best Carering, Wonderbuy đã lần lượt rời thị trường.
Ngay đầu tháng 3-2014, điện máy Pico trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP HCM) ngưng kinh doanh với lý do “sửa chữa và nâng cấp mặt bằng kinh doanh...”. Đại diện Pico phát biểu trên báo chí là đang trong quá trình đàm phán để tiến tới hợp tác lâu dài trong lĩnh vực bán lẻ điện máy với Lotte (tập đoàn bán lẻ của Hàn Quốc). Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Lotte khẳng định không có ý định chuyên sâu về điện máy mà chỉ xem điện máy là một trong những ngành hàng thông thường của một siêu thị tiêu chuẩn được cấp phép. “Thương vụ với Pico đơn thuần là thuê lại mặt bằng để kinh doanh siêu thị và sắp tới Lotte cũng không có kế hoạch hợp tác hay mua lại chuỗi siêu thị điện máy” - vị này nói rõ. Thông tin này càng xác thực hơn khả năng rời thị trường TP HCM của Pico như nhiều người am hiểu về điện máy đã dự đoán.
Điện máy Pico trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP HCM) ngưng kinh doanh với lý do “sửa chữa và nâng cấp mặt bằng” Ảnh: HỒNG THÚY
Đại diện Trung tâm Mua sắm Nguyễn Kim cho biết bán lẻ điện máy tại Việt Nam có rất nhiều điểm đặc thù. “Các doanh nghiệp (DN) có thể hình dung chưa hết nghiệp vụ kinh doanh của nhóm sản phẩm điện máy. Đặc biệt là đòi hỏi cao về công tác hậu mãi: cần đầu tư tốn kém cũng như kinh nghiệm quản lý sự phức tạp của hậu mãi như giao nhận, lắp đặt, bảo trì, bảo hành,... nhưng mức lãi gộp trung bình của ngành chỉ khoảng 10% thì các chi phí này là bài toán khó giải!” - ông này phân tích.
Cạnh tranh không chỉ bằng khuyến mãi
Tuy nhiên, tình trạng rút lui của một số DN trong ngành không phản ánh được thực tế bởi với mức tăng trưởng 22%/ năm như hiện nay (theo số liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường GFK), không thể nói ngành điện máy đang suy thoái. Bằng chứng là các thương hiệu như Thiên Hòa, Nguyễn Kim, Chợ Lớn... vẫn trụ vững và trên đà phát triển. Chỉ những DN khi bước vào lĩnh vực này không làm chủ được tình hình nên phải chuyển giao, sáp nhập với DN khác và chắc chắn thị trường sẽ được chia đều cho các nhà bán lẻ khác trong ngành.
Theo ông Trần Tấn Hoàng Hậu, Giám đốc marketing hệ thống Siêu thị Điện máy Thiên Hòa, mục đích cuối cùng của khuyến mãi, cạnh tranh khuyến mãi là để người tiêu dùng phải “móc túi” mua sắm chứ không phải DN cạnh tranh để “tiêu diệt” lẫn nhau. Cạnh tranh là điều khó tránh khỏi trong nền kinh tế thị trường và việc tung các chương trình khuyến mãi là chiêu thức hiện nay vẫn mang lại nhiều hiệu quả cho các nhà bán lẻ. Tuy nhiên, cuộc đua này chắc chắn sẽ không dừng lại chỉ ở các chiêu bài khuyến mãi. Với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, nhà bán lẻ còn phải tạo thêm nhiều tiện ích, dịch vụ và giá trị gia tăng lớn cho khách hàng như hệ thống chăm sóc khách hàng, dịch vụ bảo trì, bảo hành, bảo hiểm sản phẩm, các dịch vụ gia tăng như tích điểm, tặng quà... hay là những hình thức thanh toán linh hoạt, mua bán hàng online, mua trả góp...
Trong khi đó, sau giai đoạn phát triển mạnh mẽ về chiều rộng, hiện nay “ông lớn” Nguyễn Kim từng bước tập trung đầu tư mở thêm nhiều ngành hàng mới, đầu tư mạnh mẽ vào chính sách phục vụ các ngành hàng truyền thống. Trước đó, nhiều khách hàng đã rất ngạc nhiên khi phát hiện Trung tâm Mua sắm Nguyễn Kim tại quận Gò Vấp có bán cả đồ chơi trẻ em! Nhiều người nghĩ ngay đến việc “đại gia” này mở rộng mặt hàng để giải quyết khó khăn trong kinh doanh điện máy. Tuy nhiên, đại diện Nguyễn Kim cho biết đơn vị đã chủ động quy hoạch hệ thống các trung tâm mua sắm hiện nay theo hướng trung tâm thương mại phức hợp, tích hợp nhiều dịch vụ tiện ích.
Một số nhà bán lẻ điện máy mới gia nhập thị trường thì không mở điểm bán ở những mặt bằng đắc địa, giá thuê cao mà tìm mọi cách giảm thiểu tối đa chi phí trung gian để khách hàng tiếp cận mức giá sản phẩm thấp nhất. Như Công ty TNHH Best... (quận Tân Bình) thì lại xây dựng website để khách hàng có thể tham khảo giá cả các siêu thị điện máy lớn để quyết định mua hàng. Trên trang chủ của website này còn chạy quảng cáo: “Best... hả? Cái máy lạnh Panasonic ở bên đó bán rẻ hơn Nguyễn Kim bao nhiêu???”!
Đẩy mạnh kênh bán hàng online
Theo các DN điện máy, bán hàng online sẽ là kênh chủ lực của các nhà bán lẻ điện máy trong thời gian tới bởi tiềm năng của nó rất lớn. Với sự cạnh tranh mạnh mẽ như hiện nay, bán hàng online sẽ giúp DN tiếp cận dễ hơn với khách hàng, tiết kiệm được nhiều chi phí như nhân viên, mặt bằng, quản lý.... nên sẽ có chính sách bán hàng tốt hơn...
Nguyễn Kim, Lotte, Thiên Hòa, hàng điện máy, Pico, HomeOne, Ebest, Wonderbuy, Best Carering