Euro 2016

Rau quả vừa bán vừa cho

Thu hoạch sợ lỗ thêm tiền thuê nhân công, nhiều hộ nông dân trồng dưa hấu, bắp cải, hành lá ở ĐBSCL bỏ mặc ngoài ruộng hoặc cho các cơ sở từ thiện đến nhổ miễn phí mang về sử dụng

Hằng năm, thời điểm sau Tết Nguyên đán, giá rau quả, đặc biệt là các mặt hàng dưa hấu, bắp cải, hành lá, thường tăng cao do hiếm hàng. Từ thực tế đó, năm nay, nhiều hộ nông dân ở ĐBSCL đã đầu tư trồng các mặt hàng này để đón đầu thị trường. Tuy nhiên, do quá nhiều người trồng, hàng bị dội chợ, mất giá nên nhiều hộ bị lỗ nặng.

Giá ngày càng giảm

Trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ở Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang…, hiện dưa hấu được bày bán với giá chỉ 5.000-6.000 đồng/kg. Trong khi cùng thời điểm năm ngoái, giá dưa hấu có khi “leo” lên mức 15.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Nghĩa - một hộ trồng dưa hấu ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang - than: “Thương lái mua dưa giá 3.000-4.000 đồng/kg là dưa to, nhìn đẹp mắt. Còn dưa nhỏ, dưa dạt thì chỉ có nước mang ra lề đường bán với giá 2.000-3.000 đồng/kg”. Ông Nghĩa cho biết hơn 4 công đất trồng dưa hấu đón giá cao sau Tết của ông coi như cầm chắc lỗ cả chục triệu đồng.

Dưa hấu đang được bày bán trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ở Vĩnh Long với giá chỉ từ 5.000-6.000 đồng/kg  Ảnh: NHẬT THANH
Dưa hấu đang được bày bán trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ở Vĩnh Long với giá chỉ từ 5.000-6.000 đồng/kg Ảnh: NHẬT THANH

Không chỉ dưa hấu mà mặt hàng bắp cải thời gian qua cũng được bày hàng đống ra lề đường bán tháo. Tệ hơn, nhiều hộ còn nhổ bỏ để trồng thứ khác vì thương lái vào ruộng mua với giá chỉ 1.000 đồng/kg. “Nếu trồng bán dịp Tết còn có lời vì thương lái mua ở mức 5.000 đồng/kg. Còn mức giá 1.000 đồng/kg mà nhổ lên bán thì phải bù thêm tiền thuê người nhổ!” - ông Lê Thành Nhân (ngụ huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) xót xa nhìn ruộng bắp cải của mình đang bị bỏ mặc cho sâu ăn.

Khác với ông Nhân, một số hộ trồng bắp cải ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long vớt vát bằng cách kêu người của các bếp ăn từ thiện, nhà nuôi dạy trẻ mồ côi đến nhổ miễn phí về dùng.

Nhiều mặt hàng rau củ quả khác hiện cũng rớt giá thê thảm. Củ cải trắng, củ cải đỏ giá bán chỉ từ 3.000-5.000 đồng/kg, thấp hơn nửa giá so với trước Tết. Khổ qua, cà chua, hành lá chỉ còn từ 2.000-3.000 đồng/kg. Mặc dù giá bán hiện nay đã rẻ như bèo nhưng nhiều bạn hàng nhận định giá còn có thể rớt thêm vì đây là thời điểm các hộ trồng vụ “đón giá cao sau Tết” thu hoạch rộ.

Ông Lê Văn Trung, Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Thành Lợi (huyện Bình Tân), phân tích: Giá rau quả rớt thê thảm là do có quá nhiều hộ trồng và thu hoạch cùng lúc nên dẫn đến thảm cảnh dội chợ. “Không chỉ ở Vĩnh Long, nhiều địa phương khác ở ĐBSCL, các nhà vườn hạn chế trồng rau, củ bán dịp Tết, dành đất trồng bán sau Tết vì nghĩ sẽ được giá cao. Tuy nhiên, thực tế ngược lại” - ông Trung nói.

TP HCM cũng dội chợ

Thông lệ hằng năm tại TP HCM, giá rau củ quả trong tháng giêng vẫn tiếp tục cao và phải sang tháng 2 âm lịch mới trở lại bình thường. Tuy nhiên, năm nay giá các loại rau quả đều rớt mạnh. Bà Nguyễn Thị Ngọc (ngụ gần chợ Rạch Ông, quận 8) cho biết hiện đi chợ rất khỏe vì giá các mặt hàng rau xanh cho bữa cơm hằng ngày đều xuống. Khảo sát tại các chợ truyền thống, nhiều mặt hàng quen thuộc như dưa leo giá bán chỉ 6.000-7.000 đồng/kg, cà chua 7.000-8.000 đồng/kg, rau sống các loại từ 15.000-20.000 đồng/kg. Giá trái cây cũng rẻ bất ngờ, nhiều loại chỉ bằng một nửa so với trước, như mãng cầu loại ngon chỉ có 25.000 đồng/kg (3 quả), vú sữa 10.000 đồng/kg, xoài xanh từ 10.000-12.000 đồng/kg...

Theo đại diện chợ đầu mối Bình Điền (quận 8), hiện nay lượng rau củ quả về chợ hằng đêm khoảng 1.900 tấn, gần bằng mức ngày thường nhưng giá ở mức thấp, thị trường diễn biến khác với thông lệ hằng năm. “Đây là hậu quả kéo dài của tình trạng hàng Tết dội chợ, phải tiêu thụ ra sau Tết trong khi hàng mới lại tiếp tục thu hoạch nên cung vượt cầu” - đại diện này giải thích.

Ông Bùi Xuân Quỳnh, Phó Chủ nhiệm HTX Rau Phú Lộc, cho biết rau của HTX được bao tiêu tại các kênh phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi) và sản lượng hiện đang dư khoảng 20% nên phải chạy chương trình khuyến mãi. Với các hộ trồng rau mùa vụ bên ngoài, do không đoán được thị trường, khi thấy giá rẻ không chăm sóc khiến chất lượng sản phẩm thấp, giá càng rẻ, càng khó bán.

Hà Nội: Chưa hạ nhiệt

Ngày 21-2, mặc dù thời tiết đã ấm lên nhưng giá rau củ ở Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt so với các ngày rét đậm trước. Ghi nhận trong khoảng 4 ngày gần đây, rau xanh ở các chợ dân sinh tại Hà Nội đều tăng giá mạnh, có loại tăng đến 3-4 lần so với thời điểm kết thúc nghỉ Tết. Tại chợ Nam Đồng (quận Đống Đa), các loại cải xanh, cải thảo, cải chíp... đều tăng giá ít nhất 10.000 đồng/kg, bắp cải tăng từ 3.000 đồng/kg lên 6.000 đồng/kg, bí xanh tăng từ 9.000 đồng/kg lên 12.000 đồng/kg. Tương tự, tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), giá cải xoong tăng từ 5.000 đồng/mớ lên 8.000 đồng/mớ, rau cần tăng từ 8.000 đồng/mớ lên 15.000 đồng/mớ, súp lơ trắng tăng từ 8.000 đồng/cái lên 15.000 đồng/cái... Giải thích về nguyên nhân tăng giá rau, một tiểu thương chợ Nam Đồng cho biết do đang trong thời điểm giao vụ nên rau củ mùa đông ít dần, trong khi các loại rau mùa hè chưa có. Hơn nữa, gặp đợt rét đậm nên nhiều loại rau lá bị ảnh hưởng khiến năng suất giảm.

Tại các vườn rau khu vực Linh Đàm (quận Hoàng Mai) và địa bàn huyện Thanh Trì, các hộ trồng rau cho biết giá rau tăng mạnh do khan hiếm nguồn cung. “Năm nay, thời tiết nóng kéo dài trong dịp Tết, giá rau rẻ như cho nên nhiều ruộng rau bị dỡ bỏ. Đến khi thời tiết chuyển rét 2 đợt liền nhau thì không còn hàng để bán” - chị Hoàng Thị Lý, chủ vườn rau ở huyện Thanh Trì, nói. Th.Dương

Người lao động

      © 2021 FAP
        159,266       1,351