Đó là nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam tại buổi sơ kết xuất khẩu gạo tháng 2-2014 và triển khai các chương trình của hiệp hội vừa được tổ chức tại TP HCM
Theo báo cáo từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kết quả xuất khẩu (XK) gạo tháng 1-2014 là 307.255 tấn, trị giá FOB 127,554 triệu USD, trị giá CIF 154,155 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân FOB đạt 415,14 USD/tấn (so với cùng kỳ năm 2013 số lượng giảm 24,11%, trị giá FOB giảm 30,52%, trị giá CIF giảm 16,42%, giá bình quân tăng 38,28 USD/tấn). Trong tháng 1 chủ yếu là giao hàng đi Philippines theo hợp đồng tập trung, giao hàng đi Trung Quốc và châu Phi lại giảm mạnh.
Giá gạo xuất khẩu ổn định
Thị trường XK trong tháng đầu năm chưa được định hình, thiếu vắng nhu cầu từ các thị trường truyền thống tập trung ở Đông Nam Á, trong khi các thị trường thương mại lớn như Trung Quốc, châu Phi còn chờ thu hoạch vụ đông xuân sắp đến. Riêng xuất khẩu biên giới Trung Quốc đã khôi phục tiến độ sau khi nghỉ Tết. Chất lượng gạo XK chủ yếu là gạo cấp thấp 25% giao hàng đi Philippines, gạo 15% tấm đi Trung Quốc và gạo thơm vẫn duy trì tỉ trọng đáng kể.
Giá gạo XK giao dịch ổn định trong khoảng 405-410 USD/tấn loại 5% tấm, tương đương giá gạo Ấn Độ nhưng cao hơn gạo Thái Lan và Pakistan, do cung cấp hạn chế. Giá chào hiện nay còn 395 USD/tấn loại 5% tấm nhưng đang trong xu hướng giảm khi thu hoạch vụ đông xuân đến gần.
Giá lúa gạo trong nước ổn định ở mức cao từ cuối năm 2013 do cung cấp hạn chế mặc dù có thời gian nghỉ Tết, thiếu các hoạt động mua bán nhưng giá lúa gạo cũng không thay đổi nhiều. Giá lúa sau Tết giảm nhẹ nhưng giá gạo XK vẫn ổn định. Giá lúa khô tại ruộng loại hạt dài từ 5.300-6.050 đồng/kg, lúa thường từ 5.000-5.850 đồng/kg. Giá lúa khô tại kho doanh nghiệp loại hạt dài từ 5.400-6.150 đồng/kg, lúa thường từ 5.200-5.950 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm XK không bao bì giao tại mạn tàu loại 5% tấm từ 8.100-8.600 đồng/kg.
Áp lực từ tồn kho ở Thái Lan
Tình hình thị trường gạo châu Á đang trầm lắng, trong đó có ảnh hưởng từ việc bầu cử tại Thái Lan và khả năng tiếp cận, sử dụng tồn kho chính phủ của các nhà XK gạo. Cung cấp tồn kho gạo cũ của chính phủ Thái Lan bị gián đoạn, ảnh hưởng đến thực hiện giao hàng đã cam kết của các nhà XK. Nước này cần có phương thức mới để giải phóng tồn kho. Thương vụ bán 1,2 triệu tấn gạo cũng bị hủy, do đó nước này phải bán đấu giá 400.000 tấn gạo để có tiền trả cho nông dân theo chương trình cam kết. Thực tế, dù tình hình chính trị thế nào, Thái Lan cũng sẽ tìm mọi cách tăng cường bán ra từ tồn kho quá lớn, để thu hồi ngân sách và có nguồn chi trả tiếp cho nông dân từ chương trình cam kết, do đó sẽ tác động đến giá thị trường.
Theo nhận định của Hiệp hội Các nhà XK gạo Thái Lan, giá gạo 5% của Thái Lan có thể xuống mức 370 USD/tấn trong quý I này và mức tồn kho chính phủ sẽ tăng lên 20 triệu tấn (phải mất 5 năm để tiêu thụ số lượng này, nếu chính phủ bán ra ở mức giá thấp và cắt giảm nguồn cung cấp mới).
Còn Ấn Độ mặc dù tồn kho lớn nhưng chủ yếu là dự trữ cho tiêu dùng và được vận dụng hợp lý, khác với mục tiêu và phương thức của Thái Lan, nên có thể giữ giá ổn định ở các thị trường đặc thù, nhất là gạo basmati. Đối với Pakistan cũng đang đối diện với thử thách trên thị trường XK vì phải cạnh tranh với Thái Lan và Việt Nam sắp tới, nhất là với thị trường Trung Quốc và châu Phi.
Tạm trữ để giữ giá lúa
Theo Cục Trồng trọt, khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống vụ đông xuân 2013-2014 gần 1,6 triệu ha diện tích kế hoạch, hiện đã thu hoạch trên 200.000 ha, năng suất khoảng 6,1 tấn/ha, sản lượng gần 1,3 triệu tấn lúa. VFA cho biết vụ đông xuân đang vào mùa thu hoạch (thu hoạch rộ trong tháng 3 tới) nên cần có cơ chế mua tạm trữ để giữ giá và tiêu thụ kịp thời lúa gạo hàng hóa của dân.