Euro 2016

Chủ tịch BIDV: Lãnh đạo tập đoàn khó sống với lương 36 triệu

Ông Trần Bắc Hà cho rằng mức lương đối với lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước hiện nay được xây dựng thiếu cơ sở và cần sớm được thay đổi theo cơ chế thị trường.

Phát biểu tại hội nghị Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước ngày 18-2, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng lãnh đạo nhiều tập đoàn, tổng công ty hiện rất "khó sống" với mức lương tối đa được quy định là 36 triệu đồng một tháng.

“Không sống được cũng phải cố sống bởi dẫu sao cũng cao hơn lương của công chức Nhà nước” - vị lãnh đạo ngân hàng này nói.

tran-bac-ha-0-9326-1392741149.jpg

Chủ tịch BIDV cho rằng tiền lương tại doanh nghiệp Nhà nước phải theo cơ chế thị trường.

Theo Nghị định 50 và 51 của Chính phủ, thù lao cao nhất cho Chủ tịch Hội đồng thành viên một doanh nghiệp Nhà nước là 36 triệu đồng một tháng, tương đương 432 triệu đồng một năm. Trong trường hợp đơn vị làm ăn tốt, lãnh đạo có thể được thưởng thêm song tối đa không quá 1,5 lần mức lương nêu trên.

Câu chuyện lương thưởng tại doanh nghiệp Nhà nước nói chung và lãnh đạo các đơn vị này đã được đặt ra từ lâu. Vấn đề thực sự làm nóng dư luận khi giữa năm 2013, khi kết quả thanh tra cho thấy lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích tại TP HCM nhận lương tiền tỷ . Trước đó, một tập đoàn lớn cũng được đã trả lương cho vị trí chủ tịch số tiền 600 triệu đồng một năm...

Bên cạnh những ý kiến đánh giá cao thấp, nhiều quan điểm lại đặt ra vấn đề lương thưởng tại khối doanh nghiệp Nhà nước hiện chưa được gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nêu lại vấn đề này tại hội nghị tái cơ cấu, Chủ tịch BIDV cho rằng trong khi nền kinh tế đã có nhiều hoạt động theo thị trường, riêng lương thưởng vẫn còn lạc nhịp.

“Anh phải được trả công dựa trên hiệu quả, năng suất, chất lượng công việc. Đó là nguyên tắc tối thượng. Thế nhưng mức lương hiện nay còn chưa rõ được xây dựng trên cơ sở nào, thì nói gì cao hay thấp?” - ông Hà đặt câu hỏi, đồng thời đề xuất cần sớm có mức lương theo nguyên tắc thị trường để tạo động lực làm việc cho lãnh đạo doanh nghiệp.

Từng chia sẻ trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối năm 2013, đồng chủ tịch diễn đàn Alain Cany cho biết ông không khỏi sửng sốt khi chứng kiến nhiều người Việt, với đồng lương công chức hoặc làm cho doanh nghiệp Nhà nước có thể “mua biệt thự, chạy xe Porsche Cayene”. Những biểu hiện như vậy khiến vị chuyên gia có nhiều năm gắn bó với Việt Nam cho rằng chính sách lương tại khu vực Nhà nước đang rất có vấn đề.

“Cải cách tiền lương là một trong những mấu chốt của cải cách kinh tế. Nhiều nước đã phải làm từ hàng chục năm trước. Việt Nam cũng có thể mất nhiều thời gian nên nếu không bắt đầu bây giờ, sẽ rất lâu nữa nền kinh tế mới nhận được kết quả” - ông Alain Cany nhận định.

Chia sẻ tại hội nghị xung quanh câu chuyện lương “khủng” tại các doanh nghiệp công ích thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP HCM - Lê Mạnh Hà cho biết sai phạm về lương tại các đơn vị này rất lớn. “Theo chúng tôi tính toán, trong khi lương tối thiếu của người lao động là 1,5 triệu đồng một tháng thì có công ty, lương trung bình toàn đơn vị lên tới 40 triệu đồng”. Trong khi đó, số lao động này có rất nhiều người chỉ được ký hợp đồng ngắn hạn, thời vụ nên lương thấp, lại thiếu các chế độ bảo hiểm, thưởng…

“Khi thành phố nói sẽ xây dựng lương tối thiểu chung theo quy định của Bộ Lao động thì có doanh nghiệp lại phản ứng vì lo lương nhân viên giảm đi. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định làm như vậy sẽ không thấp hơn thu nhập năm trước, ngân sách lại được tiết kiệm hơn” - Phó chủ tịch Lê Mạnh Hà thông tin.

Người lao động

lương khủng, lãnh đạo tập đoàn


      © 2021 FAP
        151,002       310