Hiện đang có làn sóng các doanh nghiệp Nhật Bản dịch chuyển đầu tư từ các nước khác sang Việt Nam, là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước hợp tác phát triển ngành công nghiệp phụ trợ
Ngày 14-2, hội nghị họp mặt doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đã được Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM (Hepza), Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) tổ chức. Đây là dịp để UBND TP HCM, các sở, ngành lắng nghe ý kiến của DN Nhật đang đầu tư tại TP nhằm duy trì và phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh, định hướng cho chiến lược phát triển của các KCX-KCN.
Lập khu kỹ nghệ Việt - Nhật
Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân cho biết năm 2014, TP sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Các hoạt động cải cách hành chính, môi trường đầu tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không ngừng được cải thiện… “Để đạt mục tiêu trên, lãnh đạo TP rất quan tâm, lắng nghe và sẽ trao đổi về những khó khăn DN đang gặp phải nhằm đáp ứng tốt hơn, nhất là về chất lượng phục vụ hạ tầng của các KCX-KCN” - ông Lê Hoàng Quân gợi mở.
Theo ông Vũ Văn Hòa, Trưởng Ban Quản lý Hepza, đến nay TP có 504 dự án FDI, trong đó có 112 dự án của Nhật. Hiện TP đang kêu gọi DN Nhật tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực hóa chất, cơ khí, lương thực - thực phẩm, nhất là các ngành công nghiệp phụ trợ có công nghệ cao, sạch, tiết kiệm năng lượng…, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ngày 17-2 tới, khu kỹ nghệ Việt - Nhật rộng 100 ha sẽ được khởi công xây dựng tại KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) nhằm thu hút ngành công nghiệp hỗ trợ của Nhật, tạo môi trường thuận lợi nhất để nhà đầu tư tập trung nguồn lực cho sản xuất - kinh doanh. “Khu kỹ nghệ sẽ cung ứng dịch vụ “trọn gói” từ nhà xưởng theo tiêu chuẩn Nhật đến thủ tục pháp lý theo yêu cầu của DN, có đội ngũ nhân sự biết tiếng Nhật, am hiểu văn hóa Nhật” - ông Hòa nói và cho biết giai đoạn thử nghiệm sẽ xây dựng trên diện tích 13 ha, hiện đã có 25 DN Nhật đăng ký lấp kín KCN này.
Ông Yasuzumi Hirotaka, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO), cho biết nghiên cứu của JETRO về môi trường đầu tư tại 19 quốc gia cho thấy Việt Nam chỉ cải thiện hơn Myanmar về chính sách thuế và đứng đầu trong vấn đề chưa rõ ràng về chính sách pháp lý liên quan đến lưu trú, tiện lợi cho sinh hoạt của DN… Tại khảo sát này, 21 DN gặp khó khăn về nhân sự cho biết rất khó tuyển dụng quản lý, kỹ sư, lao động nói tiếng Nhật. “Quan trọng nhất là tìm kiếm đối tác gia công, cung cấp nguyên liệu cho DN Nhật rất khó, cộng thêm thông tin về DN Việt nghèo nàn gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của DN Nhật” - ông Yasuzumi Hirotaka nói.
Phải đột phá phát triển công nghiệp phụ trợ
Khó khăn mà nhiều DN đề cập chính là điểm yếu của ngành công nghiệp phụ trợ. Quá ít DN nội địa đáp ứng yêu cầu về cung cấp nguyên phụ liệu cho hoạt động sản xuất của DN Nhật khiến họ phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, chi phí sản xuất tăng cao.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nissei Electric, ông Naoki Ota, cho biết Nissei Electric thành lập và hoạt động ở Việt Nam 14 năm, chuyên sản xuất dây điện, điện gia dụng, cáp quang… nhưng trong thời gian dài phần lớn nguyên phụ liệu công ty phải nhập khẩu. “Hy vọng sắp tới có thêm nhiều đơn vị cung cấp, cải tiến kỹ thuật có thể cung cấp cho chúng tôi để mở rộng chuỗi cung ứng, lắp ráp hoàn thiện sản phẩm” - ông Naoki Ota mong muốn.
Thống kê hằng năm của JETRO về giá, chi phí sản xuất cho thấy chi phí nguyên vật liệu chiếm 62,4% tổng chi phí hoạt động. Trong khi điều tra về khả năng cung ứng nguyên vật liệu tại chỗ của các DN phía Nam Việt Nam là 27,9%, chỉ bằng 1/2 so với Thái Lan, Trung Quốc. Ông Yasuzumi Hirotaka nhận xét: Phát triển công nghiệp phụ trợ của TP HCM có liên quan đến sự phát triển của DN nước ngoài. Nếu ngành công nghiệp phụ trợ chỉ có sự tham gia của DN FDI thì sẽ không thể cắt giảm chi phí hoạt động của DN Nhật. Gần đây, do chi phí nhân công tại một số nước trong khu vực ngày một tăng nên đang có làn sóng dịch chuyển đầu tư của DN Nhật sang Việt Nam. Đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam thu hút dòng vốn từ Nhật. Có điều, hiện những DN Nhật có rất ít thông tin về môi trường đầu tư của Việt Nam nên cần tranh thủ cơ hội quảng bá, thu hút làn sóng dịch chuyển đầu tư này.
“Công nghiệp phụ trợ chỉ phát triển khi có thị trường đủ lớn, làm sao liên kết được chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện có những DN FDI trong ngành công nghiệp phụ trợ là nền tảng tốt để DN Việt hợp tác và nâng cao kỹ thuật của mình. Đồng thời, DN Việt cần liên kết với Thái Lan có vị trí địa lý gần và đang có nhiều DN Nhật đang hoạt động tại đây để đẩy mạnh ngành công nghiệp phụ trợ” - ông Yasuzumi Hirotaka khuyên.
Nhiều dự án hợp tác Việt - Nhật
Tại TP HCM, trong năm 2013 đã có gần 20 sự kiện diễn ra, phản ánh mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp của Việt Nam - Nhật Bản trong chặng đường 40 năm qua. TP HCM hiện có 600 DN và cộng đồng hơn 4.000 người Nhật sinh sống, làm việc. Nhật Bản là quốc gia cung cấp vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam. Nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của TP đã và đang đầu tư được Nhật hỗ trợ vốn ODA như đại lộ Võ Văn Kiệt - hầm vượt sông Sài Gòn; hệ thống cải tạo môi trường nước TP; tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên...