Euro 2016

Sờ gáy “xe hồi hương”

Lợi dụng chính sách ưu đãi dành cho ô tô nhập khẩu theo diện di chuyển tài sản của Việt kiều hồi hương, nhiều đối tượng đã đưa một lượng không nhỏ xe về nước bán kiếm lời

Theo quy định hiện hành, ô tô nhập khẩu theo diện di chuyển tài sản của Việt kiều hồi hương sẽ được miễn thuế GTGT và thuế nhập khẩu, chỉ phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo trị giá ban đầu.

Dấu hiệu bất thường

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy trong 3 năm trở lại đây, lượng ô tô, mô tô nhập về Việt Nam theo chế độ tài sản di chuyển của Việt kiều có sự gia tăng đột biến, từ 200 chiếc năm 2010-2011 lên 1.142 chiếc năm 2012. Đáng lưu ý, đa phần xe nhập khẩu theo diện này đều là xe sang, xe mới hoặc xe của các hãng chưa có đại diện tại Việt Nam như Rolls Royce, Bentley hay Lexus. Các nhãn hiệu Porsche, Audi, Mercedes-Benz hay BMW cũng được Việt kiều hồi hương đưa về nhưng không nhiều.

Xe nhập khẩu đang bị lưu giữ tại cảng Hải Phòng chờ kiểm tra					   Ảnh: TRỌNG ĐỨC
Xe nhập khẩu đang bị lưu giữ tại cảng Hải Phòng chờ kiểm tra Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Tổng cục Hải quan cho biết qua theo dõi tình hình và trao đổi thông tin nghiệp vụ với các đơn vị chức năng, cơ quan này nhận thấy tình trạng ô tô nhập khẩu theo Việt kiều hồi hương có nhiều dấu hiệu vi phạm, gây thất thu lớn cho ngân sách. Xe nhập theo diện này được miễn thuế nhập khẩu và thuế GTGT, còn thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ phải tính theo trị giá của xe nên một số Việt kiều đã lợi dụng để nhập xe về bán lại. Theo tính toán của giới buôn xe, nếu xe nhập khẩu không đi qua đường Việt kiều hồi hương thì số thuế phải nộp có thể lớn gấp 3 lần; trong khi đi theo diện này, các Việt kiều buôn xe có thể bỏ túi từ vài trăm triệu đồng đến hơn 1 tỉ đồng nếu tuồn được một xe về nước.

Do đó, Tổng cục Hải quan đã giao Cục Điều tra chống buôn lậu lập chuyên đề thanh tra, rà soát, cập nhật thông tin gần 1.400 bộ hồ sơ cấp phép nhập khẩu ô tô theo diện tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương trong 2 năm 2011 và 2012. Đến nay, đã nhận được 148 bộ hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu ô tô, xe máy 2 bánh từ 20 cục hải quan các tỉnh, thành. Sau khi nghiên cứu, xem xét đã có 28 trường hợp bị từ chối cấp phép. Tổng cục cũng chỉ đạo khởi tố 4 vụ buôn lậu xảy ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang đối với các hành vi giả mạo hồ sơ xin cấp giấy phép nhập khẩu xe theo diện tài sản di chuyển của Việt kiều để trốn thuế. Chuyên đề thanh tra này vẫn đang tiếp tục điều tra, mở rộng với quy mô rất lớn, liên quan đến nhiều địa bàn, nhiều đối tượng.

Giới buôn xe lo lắng

Anh Nguyễn Tiến Đ., chủ một doanh nghiệp (DN) chuyên mua xe của Việt kiều hồi hương rồi bán lại, tỏ ra rất bức xúc bởi thực chất các DN như anh bị thiệt hại rất nhiều. Anh Đ. cho biết phải mua xe của các Việt kiều hồi hương với giá đã bao gồm các loại thuế như nhập khẩu xe về theo con đường thông thường nên giá bán ra cho người tiêu dùng cũng không thể rẻ được. “Hơn nữa, nếu như cơ quan quản lý phát hiện bất thường khi các xe đó chưa đăng ký mà đã chuyển nhượng thì số thuế bị truy thu sẽ do DN hoặc cá nhân trong nước gánh chịu vì họ chính là người trực tiếp đi đăng ký” - anh Đ. nói. Cũng theo anh Đ., tuy xe về theo đường này không dễ tiêu thụ như các loại xe bình dân khác vào thời điểm này nhưng vẫn có lượng khách hàng nhất định thuộc phân khúc cao cấp, chấp nhận giá cao miễn là được sở hữu một chiếc xế hộp ưng ý nên giới Việt kiều ngày càng tuồn nhiều xe về nước.

Thực tế, ngay từ tháng 9-2013, Bộ Tài chính đã có Công văn 12216/BTC-TCHQ đề nghị Thủ tướng Chính phủ và được chấp thuận cho phép tiến hành truy thu các loại thuế nhập khẩu, thuế GTGT theo quy định của pháp luật hiện hành với ô tô và mô tô thuộc dạng tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương chưa làm thủ tục đăng ký, lưu hành xe mà đã bán ngay cho các cá nhân và tổ chức khác. Đối tượng truy thu được đề nghị là các Việt kiều bán xe khi chưa đăng ký. Tuy nhiên, giới buôn xe vẫn khá băn khoăn khi nhiều trường hợp Việt kiều đứng tên nhập khẩu xe sau khi chuyển nhượng đã cao chạy xa bay, còn thiệt hại sẽ thuộc về DN trong nước và người tiêu dùng, đồng thời cũng gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Một giải pháp ứng phó mạnh tay hơn được Tổng cục Hải quan đề xuất là buộc tái xuất hoặc tịch thu xe nếu vi phạm và sẽ siết chặt hơn về các điều kiện chuyển nhượng, biếu tặng của Việt kiều để tránh tình trạng mang xe về nước buôn bán chứ không phục vụ nhu cầu thật. Thông tin từ Bộ Tài chính cũng cho biết lượng xe nhập khẩu của Việt kiều hồi hương đang tồn đọng tại các cảng khá nhiều, đến ngày 13-8-2013 còn 208 ô tô, 11 xe máy. Nếu giải pháp này được thực hiện thì nhiều khả năng số xe đang “nằm phơi nắng” tại cảng sẽ buộc phải tái xuất.

Trốn được 2/3 thuế

Theo tính toán của giới buôn xe, với một chiếc ô tô có giá ban đầu để tính thuế là 80.000 USD thì sau khi nhập khẩu theo đường thông thường, giá sẽ lên khoảng 200.000 USD. Trong khi đó, nếu nhập khẩu theo diện ưu tiên cho Việt kiều hồi hương thì giá chỉ là 120.000 USD. Việt kiều đưa xe hồi hương sẽ bỏ túi khoảng 2/3 tiền thuế của nhà nước.

Người lao động

      © 2021 FAP
        151,005       465