Euro 2016

Xây nền móng để phát triển

Năm 2013, cả nước có gần 70.000 doanh nghiệp phải phá sản hoặc tạm thời đóng cửa do ảnh hưởng suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, bằng cách đi riêng, vẫn có nhiều doanh nghiệp tạm vượt qua khó khăn, chuẩn bị chiến lược lâu dài để phát triển trong tương lai

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit:

“Con thỏ cõng con rùa”

Vinamit là công ty duy nhất đại diện Việt Nam vừa nhận được giải thưởng Doanh nghiệp (DN) ưu tú ASEAN thâm nhập thị trường Trung Quốc năm 2013. Đây là giải thưởng dành cho DN trong nhóm ASEAN + 1 có chiến lược gắn bó lâu dài tại Trung Quốc, nắm bắt thị trường một cách chặt chẽ.

Dù kinh tế khó khăn nhưng năm 2013, Công ty Vissan vẫn đạt doanh thu 4.700 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 136 tỉ đồng, nộp ngân sách 271,07 tỉ đồng Ảnh: Hồng Thúy
Dù kinh tế khó khăn nhưng năm 2013, Công ty Vissan vẫn đạt doanh thu 4.700 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 136 tỉ đồng, nộp ngân sách 271,07 tỉ đồng Ảnh: Hồng Thúy

Năm 2013 mới là năm bản lề trong chính sách hợp tác phát triển kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cơ hội để năm 2014 và 2015 khởi sắc là rất lớn và cũng là cơ hội cho DN Việt muốn thâm nhập vào thị trường đông dân nhất thế giới này. Ngay từ năm 2012, Vinamit bắt đầu thâm nhập thị trường Myanmar, Trung Quốc và phải tự mình đặt viên gạch xây “căn cứ địa” để đầu tư ra nước ngoài. Bởi chúng tôi tự hiểu có nền móng mới có cơ hội phát triển được.

Năm qua, doanh thu của Vinamit tăng trưởng cao hơn 15% trong ngành thực phẩm, ăn uống. Tuy nhiên, người tiêu dùng bắt đầu muốn an toàn nên chọn kênh mua sắm từ siêu thị nhiều hơn. Nhưng các DN đang vấp phải thách thức khi đưa hàng vào siêu thị chính là cạnh tranh với sản phẩm từ nhãn hàng riêng của siêu thị. Với phương pháp “con thỏ cõng con rùa”, Vinamit sẽ trưng bày hàng giá rẻ để được cái lớn hơn. Hàng giá rẻ là nhờ DN tiết kiệm được chi phí quảng cáo, marketing, phân phối… qua kênh siêu thị. Phải hiểu bước đi của mình, phải có thương hiệu của mình ở phía sau, nếu không, DN sẽ bị mất dần thương hiệu. Tôi cho rằng việc hợp tác với các siêu thị làm nhãn hàng riêng cũng là một cơ hội. Muốn trở thành DN 1 tỉ USD cần phải có những sự tương tác, biết tận dụng sức mạnh từ các thị trường để quảng bá thương hiệu của mình.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan:

Đầu tư quản trị, công nghệ mới

Năm 2013, Công ty Vissan đã hoàn chỉnh tái cấu trúc bao gồm tái cấu trúc quản trị, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, tổ chức lại bộ máy phù hợp và tăng cường cán bộ trẻ. Song song đó, công ty thực hiện củng cố hoàn thiện hệ thống phân phối: chuyển đổi 1.000 đại lý thành 100 trung tâm phân phối, đủ sức chi phối 3.000 điểm bán hàng trên toàn quốc; xây dựng nhà máy ở KCN Bắc Ninh (dự kiến quý II/2014 sẽ đi vào hoạt động, cung cấp thêm một số sản phẩm mới cho thị trường miền Bắc), khánh thành siêu thị Đà Nẵng... Tổng kết năm 2013, Vissan đạt doanh thu 4.700 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 136 tỉ đồng, nộp ngân sách 271,07 tỉ đồng. Năm 2014, Vissan chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 5% và tiếp tục đi vào tái cấu trúc chiều sâu, triển khai các dự án và chuẩn bị chiến lược lâu dài để phát triển trong tương lai.

Qua 5 năm khó khăn, DN muốn tồn tại và phát triển bền vững phải đầu tư cho quản trị, công nghệ mới, tái cấu trúc và tự đề kháng theo cách riêng của mình. Những DN còn “sống” đến hết năm 2013 nghĩa là có đủ sức khỏe, chờ cơ hội để phát triển. Riêng với DN ngành nông nghiệp nói chung, nếu năm 2014 Việt Nam đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), sẽ phải đương đầu với thách thức mới. Đó là mở cửa thị trường cho sản phẩm các nước TPP vào với thuế suất tiến về 0%, nền nông nghiệp Việt Nam vốn mỏng manh sẽ gặp nhiều bất lợi, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi. Ở lĩnh vực chế biến, Vissan cũng như những DN khác sẽ bị thiệt nhưng tôi tin là đủ sức vượt qua. Trong cuộc chơi chung này, DN làm hết sức mình nhưng để hạn chế rủi ro từ TPP đòi hỏi phải có chiến lược quốc gia.

Ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc Khối vận hành Công ty Ocean Retail (quản lý chuỗi siêu thị Ocean Mart):

Định hướng tiêu dùng cho khách hàng

Hiện nay, niềm tin về chất lượng hàng hóa đang bị suy giảm. Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, chúng tôi tập trung quan tâm đến chất lượng và nguồn gốc hàng hóa - tiêu chí được người tiêu dùng hiện đại quan tâm trước khi lựa chọn hàng. Việt Nam đang học hỏi nước ngoài cách tạo ra xu hướng tiêu dùng, nhất là đồ ăn nhanh, mua sắm… Do đó, định hướng khách hàng sử dụng dịch vụ theo xu hướng tiêu dùng cũng là một trong những chiến lược Ocean Retail đang nắm bắt và chủ động.

Tình hình kinh tế năm 2013 gặp nhiều khó khăn song với chiến lược rõ ràng và kế hoạch kinh doanh bám sát chiến lược, Ocean Mart vẫn đạt được những thành công nhất định.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã và đang nghiên cứu, gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam. Trong nước, không riêng Ocean Retail, các DN Việt cũng tiếp tục bước chân vào thị trường này. Với Ocean Retail, trong kế hoạch năm nay, chúng tôi sẽ mở ra hàng loạt siêu thị. Đặc biệt, chúng tôi đưa thêm các mô hình bán hàng hiện đại vào siêu thị, bên cạnh đó tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, kiểm soát chất lượng sản phẩm và bảo đảm mức giá luôn cạnh tranh.

Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc Vinatex:

Cải thiện tỉ lệ nội địa hóa ngành dệt may

Năm 2014, nhiệm vụ chiến lược quan trọng nhất của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) là tiến hành IPO vào nửa đầu năm để thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tái cấu trúc. Dự kiến đây cũng là năm Vinatex có bước đổi mới toàn diện từ mô hình quản lý DN nhà nước sang mô hình tập đoàn cổ phần, đổi mới tầm nhìn và giải pháp chiến lược để vững vàng trước cơ hội mà TPP và FTA mang lại.

Trong thời gian chuẩn bị cho TPP, Vinatex đã đẩy mạnh thực hiện chiến lược cải thiện tỉ lệ nội địa hóa, nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao năng suất lao động và vị thế cạnh tranh để đón đầu yêu cầu mới của TPP. Xuất khẩu của Vinatex vào Mỹ những năm gần đây tăng khoảng 12%-13%/năm, chứng tỏ thị phần của dệt may Việt Nam luôn được cải thiện tại thị trường này. Nếu TPP được ký kết sớm sẽ tạo cú hích để tăng trưởng xuất khẩu của Vinatex vào Mỹ.

Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DOANH NGHIỆP vừa và nhỏ Việt Nam:

Chính sách linh hoạt “sát cánh” cùng DN

Năm 2013, nền kinh tế tiếp nối nhiều khó khăn từ năm 2012. Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp nhưng nhìn chung chưa kịp thời. Về cuối năm, các giải pháp dần phát huy, giúp DN đỡ khó khăn hơn. Nền kinh tế dần xuất hiện những điểm sáng. Bằng chứng là một số DN bắt đầu trở lại thị trường sau một thời gian dài rút lui. Rõ ràng, ngoài nỗ lực vượt khó của từng DN, rất cần những chính sách linh hoạt ở tầm vĩ mô để sát cánh cùng DN trong thời điểm khó khăn.

Bên cạnh những khó khăn, đã xuất hiện nhiều yếu tố thuận lợi. Cụ thể là các chương trình hỗ trợ DN đã phát huy hiệu quả. Cả Chính phủ và DN có nhiều kinh nghiệm hơn trong điều hành; Chính phủ đi vào triển khai các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn thông qua việc cụ thể hóa những thông điệp, thể chế mới của Chính phủ. Trong đó, trọng tâm của đổi mới thể chế là tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính cho DN, gỡ vướng cho DN trong hồ sơ thủ tục giải thể, sáp nhập. Song song đó, lạm phát trong năm 2013 đã kiểm soát được, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2014, lạm phát vẫn có nguy cơ quay trở lại. Tuy nhiên nhìn chung, yếu tố về tổng cầu, sức mua chỉ tương đối nên sức ép lạm phát không lớn.

Có thể thấy những chuyển biến tích cực ngày càng rõ hơn nhưng sẽ khó có khả năng tăng trưởng đột phá mà đang trên đà ổn định và hy vọng sẽ ổn định hơn trong năm 2014.

Người lao động

      © 2021 FAP
        151,022       525