Euro 2016

Kiều hối tăng mạnh, chuyển dòng

Kiều bào và lao động xuất khẩu đông đảo, cộng với nhiều chính sách thông thoáng đã giúp lượng kiều hối đổ về Việt Nam tăng mạnh liên tục

Với 11 tỉ USD kiều hối chuyển về nước trong năm 2013, Việt Nam tiếp tục trụ hạng ở tốp 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới, bất chấp những khó khăn của kinh tế toàn cầu.

Ảnh tư liệu

Ảnh tư liệu

Những lý do tăng kiều hối

Đặc điểm của dòng kiều hối năm 2013 là không chỉ tăng nhanh về số lượng mà còn mở rộng ở nhiều thị trường mới do sự đóng góp của lực lượng xuất khẩu lao động.

Số liệu thống kê cho thấy nếu năm 2010, lượng kiều hối đổ về Việt Nam đạt mức 8,26 tỉ USD thì đến năm 2011 đã tăng 9 tỉ USD. Năm 2012, con số này cán mức 10 tỉ USD, đưa Việt Nam lọt vào danh sách 10 nước nhận kiều hối cao nhất thế giới. Đến năm 2013, Việt Nam tiếp tục đón dòng kiều hối lên đến 11 tỉ USD, cao hơn so với mức dự báo 10,6 tỉ USD của Ngân hàng Thế giới (WB) và tiếp tục đứng trong danh sách 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.

Bên cạnh những thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Canada, Úc, dòng kiều hối chuyển về đang có sự đóng góp ngày càng đáng kể của các thị trường có lực lượng xuất khẩu lao động Việt Nam như Đài Loan, Nhật Bản. Hiện nay, kiều hối chuyển về Việt Nam qua kênh Western Union đã lên đến 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các địa phương nhận kiều hối cũng được mở rộng đến nhiều tỉnh nhỏ và khu vực nông thôn như Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An…, do tập trung đông đảo người đi xuất khẩu lao động.

Theo một chuyên gia ngành ngân hàng, có nhiều lý do để kiều hối chuyển về Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong năm 2013. Lượng người Việt Nam ở nước ngoài khá đông, gồm 4,5 triệu người định cư tại khoảng 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và khoảng nửa triệu lao động xuất khẩu đang làm ăn, sinh sống ở nước ngoài.

Về chính sách, nhà nước có chủ trương khuyến khích kiều bào về nước đầu tư. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cho phép gửi và nhận kiều hối bằng ngoại tệ, không bắt buộc phải gửi tiết kiệm vào ngân hàng hoặc bán cho ngân hàng. Một yếu tố khác mang tính chất hỗ trợ là dịch vụ chuyển tiền kiều hối qua kênh chính thức rất phát triển với sự tham gia của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp với tính chất cạnh tranh rất cao.

Theo đánh giá của WB, kiều hối chuyển về Việt Nam chịu phí dịch vụ khá thấp, bằng 0,05% khoản tiền gửi và tối đa không quá 200 USD. Ngoài ra, chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và ngoại tệ ở Việt Nam cũng là yếu tố thu hút ngoại tệ gửi về.

Hết tập trung vào bất động sản

Đáng lưu ý là kiều hối không còn tập trung vào lĩnh vực bất động sản (BĐS). Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã thực hiện khảo sát 4.000 hộ nhận kiều hối năm 2011, kết quả cho thấy 52% lượng kiều hối được đầu tư vào lĩnh vực BĐS, các ưu tiên tiếp theo là gửi tiết kiệm và tiêu dùng. Trong đó, phân khúc được tập trung nhiều nhất là BĐS nghỉ dưỡng.

Sang năm 2013, thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho thấy kiều hối trên địa bàn chảy vào BĐS 10 tháng cuối năm chỉ còn 21%, giảm mạnh so với mức 52% của năm 2011 và mức 23% của năm 2012. Trong khi đó, gần 70% kiều hối được đầu tư vào sản xuất kinh doanh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể.

Báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô năm 2014 của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển cũng nhận định kiều hối đang có sự dịch chuyển tích cực vào các hoạt động sản xuất kinh doanh thay vì đổ vào thị trường BĐS. Xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2014 khi dòng kiều hối tiếp tục tăng thêm 10%.

Ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, cho rằng xu hướng lãnh kiều hối bằng VNĐ đang ngày càng phổ biến do tỉ giá ổn định, giá trị đồng nội tệ từng bước được nâng cao. Năm 2013, lượng kiều hối chuyển đổi sang VNĐ tại ngân hàng này đạt mức 25%, cao nhất từ trước đến nay.

Người lao động

bất động sản, gửi tiết kiệm, kiều bào, kiều hối, ngân hàng thế giới, thị trường việt nam, Xuất khẩu lao động Việt Nam


      © 2021 FAP
        159,801       678