Các hãng hàng không đang đề xuất Bộ Giao thông Vận tải về việc bán hàng miễn thuế trên máy bay. Hành khách sẽ có thêm sự lựa chọn mua hàng miễn thuế: trên máy bay và tại cửa hàng bên trong nhà ga quốc tế
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Võ Huy Cường, cho biết đề xuất bán hàng miễn thuế trên máy bay của Vietnam Airlines (VNA) phù hợp với thông lệ quốc tế bởi hiện các hãng hàng không nước ngoài có đường bay đi - đến Việt Nam đều đang triển khai dịch vụ này.
Thêm doanh thu, tăng lợi thế cạnh tranh
Theo VNA, bán hàng miễn thuế trên máy bay là một trong các dịch vụ cung cấp cho khách hàng bên cạnh mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Hầu hết các hãng hàng không quốc tế đã triển khai dịch vụ này. Ngay các hãng hàng không nước ngoài ở Việt Nam cũng đang thực hiện bán hàng miễn thuế trên các chuyến bay đi và đến Việt Nam nên có lợi thế cạnh tranh hơn so với VNA. Trong khi đó, dù cơ quan quản lý đã có văn bản bổ sung, sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng kinh doanh bán hàng miễn thuế nhưng vẫn giới hạn trong các chuyến bay xuất cảnh, chưa mở rộng trên các chuyến bay nhập cảnh.
Ông Trần Thành Hải, một doanh nhân thường xuyên đi công tác nước ngoài, cho biết trên chuyến bay của các hãng hàng không quốc tế đều phục vụ bán hàng miễn thuế, từ nước hoa, nữ trang, mỹ phẩm, thuốc lá, rượu… Tại chỗ ngồi của khách thường có cuốn sách giới thiệu từng sản phẩm, giá bán để khách lựa chọn. “Mua hàng trên máy bay phải trả bằng thẻ tín dụng. Giá sản phẩm không rẻ hơn trên thị trường bao nhiêu nhưng bán đúng giá niêm yết và có thể yên tâm về chất lượng” - ông Hải nói.
Đại diện VNA cho biết với những chuyến bay dài nhiều giờ, hành khách có thời gian “ngắm nghía” danh mục sản phẩm bán trên máy bay và đặt mua. Với người bận rộn, ít thời gian mua sắm, mua hàng trên máy bay càng tiện lợi hơn. Tuy nhiên, tại Nghị định 183/NĐ-CP tháng 11-2013 của Chính phủ về điều lệ tổ chức và hoạt động của VNA, hãng được bán hàng miễn thuế tại nhà ga hàng không và các tỉnh, thành phố nhưng không đề cập chức năng bán hàng miễn thuế trên máy bay. “Chính sách cho phép bán hàng miễn thuế trên chuyến bay quốc tế trong thời gian tới là cần thiết để nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời là nguồn thu bổ sung cho tổng công ty” - đại diện VNA nói.
Chẳng hạn, trên chuyến bay của VNA từ Việt Nam đi Pháp có 250 hành khách, nếu một nửa số hành khách (125-130 người) mỗi người mang theo 1 chai rượu (từ 750 ml đến 1 lít, tương đương khoảng 1 kg), VNA sẽ phải “cõng” thêm số hành lý rất lớn. Trong khi nếu bán trên máy bay, hãng vừa có doanh thu lại đỡ vận chuyển…
Lãnh đạo hãng hàng không VietJet Air cho biết hãng cũng đã đề xuất xin bán hàng miễn thuế trên máy bay. Dịch vụ này hàng không các nước đã làm nên sớm muộn gì Việt Nam cũng áp dụng để có lợi thế cạnh tranh. Hiện VietJet Air đang làm việc với các cơ quan chức năng để hoàn tất thủ tục sau đó mới triển khai, nhất là khi các đường bay quốc tế của hãng mở rộng.
Mở lại cửa hàng miễn thuế
Giữa tháng 1-2013, Công ty TNHH MTV Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) đã mở cửa trở lại cửa hàng miễn thuế tại sân bay Tân Sơn Nhất theo Quyết định 44 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế về kinh doanh bán hàng miễn thuế. Theo Sasco, bán hàng miễn thuế nhập cảnh là dịch vụ phi hàng không được nhiều cảng hàng không quốc tế như Changi, Hồng Kông, Bangkok, Suvarnabhumi… đầu tư, khai thác hiệu quả nhưng từ tháng 7-2009 trở về trước, dịch vụ này bị cấm ở Việt Nam.
Theo ông Võ Huy Cường, việc cấm bán hàng miễn thuế tại các cảng hàng không trước đây do xảy ra tình trạng buôn lậu hàng miễn thuế. Tuy nhiên, điều này khiến Việt Nam không xuất khẩu được tại chỗ để thu ngoại tệ, các cảng thất thu mà còn kém cạnh tranh so với những sân bay quốc tế khác. “Đây là dịch vụ nhiều hãng hàng không quốc tế đang triển khai, vừa đáp ứng nhu cầu mua sắm của hành khách vừa tăng nguồn thu ngoại tệ cho các hãng và cạnh tranh so với các nước” - ông Cường nhận xét.
Đa dạng kiểu bán hàng miễn thuế trên máy bay
Rất nhiều hãng hàng không trên thế giới nói chung và ở khu vực châu Á nói riêng đang thực hiện việc bán hàng miễn thuế trên máy bay với cách thức tương đối giống nhau.
ThaiAirWays (Thái Lan) cung cấp cho hành khách trên tất cả chuyến bay quốc tế mọi mặt hàng miễn thuế. Hành khách có thể chọn lựa hàng để mua ngay tại chỗ và trả tiền cho nhân viên buồng lái.
Trong khi đó, Dragonair (Hồng Kông) còn có chương trình khuyến mãi cho hành khách mua hàng trên máy bay. Trong tháng 1 này, hành khách được giảm giá 10% khi mua bất cứ món hàng nào - trong số hơn 200 mặt hàng miễn thuế - trị giá từ 1.000 đô-la Hồng Kông trở lên trên chuyến bay của Dragonair hay sử dụng dịch vụ giao hàng tại nhà. Họ sẽ được giảm 15% khi mua hàng từ 2.000 đô-la Hồng Kông trở lên.
Hành khách trên chuyến bay của Qatar Airways cũng có thể chọn lựa mặt hàng muốn mua ngay tại chỗ ngồi. Điểm đặc biệt là chương trình bán hàng miễn thuế trên máy bay của Qatar Airways chấp nhận mọi loại tiền tệ chủ yếu và thẻ tín dụng... Ngô Sinh