Euro 2016

Cách học ở xứ người

Không dừng lại ở việc lạ lẫm với môi trường sống mới từ thời tiết, thức ăn đến sinh hoạt…, du học sinh còn gặp trở ngại lớn với cách học hoàn toàn khác

“Tuy tiếng Anh không tệ nhưng mình luôn mất tự tin khi phải nói trước lớp và thường lúng túng khi tham gia thảo luận. Phong cách học đòi hỏi sinh viên phải có khả năng phản biện cũng gây không ít khó khăn cho mình”. Nguyễn Thị Bảo Loan - thạc sĩ ngành học về sức khỏe ĐH Massachusetts, Mỹ - tâm sự như vậy về những ngày đầu đặt chân vào giảng đường ĐH Mỹ. Không riêng gì Bảo Loan, hầu hết du học sinh Việt Nam ở các nước tiên tiến khác đều bị sốc trong những ngày đầu tiếp cận phương pháp học hoàn toàn xa lạ so với 12 năm học phổ thông của mình.

Đòi hỏi sự chủ động

Bảo Loan kể: Phong cách học ở Mỹ rất khác, giáo sư đòi hỏi sinh viên phải tự nghiên cứu sau đó trình bày bằng PowerPoint, phần lớn là đọc sách và thảo luận trên lớp. Để làm tốt được thảo luận, sinh viên phải có kiến thức chuyên sâu về các đề tài. Trần Hoàng Kim Ngân - thạc sĩ marketing và quản lý AUT, New Zealand - cũng cho biết: Cách học ở đây khác so với Việt Nam, thời gian lên lớp không nhiều mà đòi hỏi sự tự học là chính. Số lượng kiến thức và bài vở rất nhiều. Nếu bạn không siêng năng học tập thì sẽ rất dễ mất phương hướng và gặp nhiều khó khăn từ những ngày đầu vì số lượng bài vở rất nhiều trong khi phải học bằng ngôn ngữ thứ hai.

Học sinh tìm hiểu kinh nghiệm học tập tại một hội thảo du học Ảnh: Quốc Quang
Học sinh tìm hiểu kinh nghiệm học tập tại một hội thảo du học Ảnh: Quốc Quang

Điều khá sốc với nhiều du học sinh là cách học “thoải mái chia sẻ ý kiến”. Hoàng Lan Anh - thạc sĩ ngành nghiên cứu phát triển ĐH East Anglia, Anh - nói: “Khác hẳn với hệ thống giáo dục ở Việt Nam, ở đây sinh viên luôn được khuyến khích đưa ra ý kiến cá nhân bởi quan điểm giáo dục là không ý kiến nào sai cả. Điều quan trọng nhất là sinh viên có khả năng phát biểu, biết tự thể hiện mình và phân tích, đánh giá các ý kiến và lý lẽ cá nhân”. Nguyễn Thị Thu Trang - thạc sĩ thương mại ĐH Sydney, Úc - cũng nhận xét:  “Thầy cô đánh giá cao, đặc biệt là sinh viên quốc tế tích cực đặt câu hỏi và chia sẻ ý kiến trong giờ học. Cách học chủ động này khuyến khích sinh viên tự tìm kiếm thông tin và trao đổi qua các bài tập”. Thu Trang cho rằng nếu chủ động và biết cách sắp xếp thời gian hợp lý, bạn có thể dễ dàng lập nhóm để ôn tập, trao đổi bài vở và có thêm bạn bè.

Tận dụng phương tiện hỗ trợ

Du học sinh còn phải có những kiến thức cơ bản để sử dụng phương tiện học tập tiên tiến tạo thuận lợi trong quá trình học. Phạm Bửu Nhân - cử nhân kinh tế ĐH Queensland, Úc - nói: Mọi việc từ đăng ký thẻ học sinh, đăng ký lớp, môn học, ghi chú trên giảng đường, bài tập về nhà cũng như các bài kiểm tra... đều được làm trên máy tính và internet. Điều này rất tiện lợi cho sinh viên nhưng cũng đòi hỏi sinh viên phải có kiến thức cơ bản về vi tính, internet, bất kể dù học ngành gì. Giáo viên sẽ yêu cầu bạn truy cập vào máy tính để học. Một số giáo viên còn đăng bài giảng của họ cho sinh viên lên internet. Do đó, sinh viên cũng phải có kiến thức ít nhiều về internet để thuận lợi trong việc tìm kiếm thông tin.

Có những kỹ năng sử dụng máy tính cơ bản còn giúp sinh viên tìm kiếm những tài liệu trong thư viện bao la. Các kỹ năng sử dụng máy tính thông dụng mà sinh viên cần trang bị là email, internet, Word, Excel, PowerPoint…

Theo IDP, chìa khóa để du học thành công là: Chủ động trong việc học, mạnh dạn đặt câu hỏi, yêu cầu sự trợ giúp từ các nhân viên, kể cả nhân viên thư viện và bạn học, tăng cường thời gian tự nghiên cứu, tự học và ôn tập tại thư viện, ở nhà trong các học kỳ.

“Các bạn nên nhớ kỹ du học là đi ra ngoài để học hỏi, vì thế không nên tự ti về vốn tiếng Anh hoặc cách học. Bạn hãy thoải mái trao đổi và học hỏi các bạn học khác cũng như dành thời gian để tìm hiểu những tiện ích trong thư viện để bảo đảm không bỏ qua công cụ hỗ trợ học tập nào” - Trần Hoàng Kim Ngân khuyên.

Người lao động

      © 2021 FAP
        159,266       481