Công nghệ thông tin

Thủy tùng đang “ngộp thở”

Nhiều cây thủy tùng đang chết dần chết mòn nhưng vẫn phải chờ nghiên cứu thêm

Thủy tùng hay còn gọi là thông nước có tên khoa học Glyptostrobus pensilis, được xem như hóa thạch sống của ngành hạt trần, xuất hiện cách đây khoảng 10 triệu năm. Loài cây này không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn giá trị kinh tế do gỗ có mùi thơm, hoa vân, màu sắc rất đẹp, được dùng để làm các đồ thủ công mỹ nghệ. Với những lý do đó, 162 cây thủy tùng ở Đắk Lắk đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Đây cũng là quần thể thủy tùng tự nhiên quý hiếm còn sót lại trên thế giới và được khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt.

Giảm cả chất lẫn lượng

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, huyện Krông Năng và Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk được xem là thủ phủ của loài cây thủy tùng. Ở những khu vực đầm lầy, loài cây này nhiều vô kể. Thậm chí, người ta sẵn sàng đốn hạ, vùi lấp hàng chục ha thủy tùng để làm đập thủy lợi Ea Ral (xã Ea Ral, huyện Ea H’leo). Điều này cũng dễ hiểu vì thời gian đó, thủy tùng được xếp vào loại gỗ tạp. Năm 2008, nhiều người đồn đoán loài cây này có khả năng chữa bệnh ung thư, mang lại sinh khí cho ngôi nhà nên mỗi ngày có hàng trăm người chen nhau đào bới tìm kiếm thủy tùng bị vùi lấp dưới đập thủy lợi Ea Ral. Đầu nậu gỗ khắp nơi kéo về để mua gỗ thủy tùng, đẩy giá lên rất cao khiến loài cây này bị săn lùng ráo riết.

Mực nước quá cao trong đầm lầy khiến thủy tùng bị “ngộp thở”

Mực nước quá cao trong đầm lầy khiến thủy tùng bị “ngộp thở”

Trước thực trạng trên, năm 2010, Trường Đại học Tây Nguyên lập dự án điều tra hiện trạng để làm cơ sở cho công tác bảo tồn thủy tùng. Qua công tác kiểm đếm, vào thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 256 cây, trong đó quần thể ở Ea Ral có 219 cây, quần thể xã Trấp K’sor (huyện Krông Năng) có 31 cây, 5 cây ở xã Cư Né (huyện Krông Búk) và 1 cây ở huyện Buôn Đôn. Tháng 1-2011, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án bảo tồn loài sinh cảnh thông nước và thành lập khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước Đắk Lắk. Tuy lực lượng chức năng tích cực bảo vệ trong những năm qua nhưng thủy tùng đã chết hoặc bị kẻ gian chặt hạ 94 cây, hiện chỉ còn lại 162 cây. TS Trần Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho biết quần thể thủy tùng ở xã Ea Ral, số cây có chất lượng loại A chiếm 39,7%, số cây loại B chiếm 42,5% và loại C là 17,8%. Tại xã Trấp K’sor, số cây loại A chỉ chiếm 20%, loại B chiếm 46,7% và loại C là 33,3%. Còn các cây đơn lẻ khác chủ yếu là loại C. Như vậy, số thủy tùng còn sót lại trên địa bàn của tỉnh Đắk Lắk không những bị hạn chế về mặt số lượng mà còn giảm sút về mặt chất lượng.

Thông nước chết vì...nước

Quần thể thủy tùng xã Trấp K’sor hiện còn 21 cây, nhỏ nhất có đường kính 30 cm, lớn nhất từ 3-4 người ôm, nhiều cây có tuổi thọ từ 500-600 năm. Năm 2012, tỉnh Đắk Lắk đã dựng một con đập dài 300 m tại khu đầm lầy để giữ nước cho cây thủy tùng sinh trưởng, phát triển và phục vụ nước tưới sản xuất cho người dân trong vùng. Tuy nhiên, khi thiết kế xây dựng đập, chủ đầu tư không tính toán lưu lượng nước và các biện pháp xả nước nên mực nước trong vùng đầm lầy luôn ở mức rất cao trong thời gian dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển của cây.

TS Trần Vinh ghép thành công nhiều cây thủy tùng con
TS Trần Vinh ghép thành công nhiều cây thủy tùng con

Theo PGS-TS Bảo Huy, Trường Đại học Tây Nguyên, thủy tùng là loài cây phát triển tốt ở khu vực đầm lầy, nước cạn. Tuy nhiên, cũng như bao loài cây ngập nước khác, thủy tùng chỉ phát triển được khi rễ thở không bị ngập nước để lấy ôxy. Khảo sát cho thấy quần thể thủy tùng ở xã Trấp K’sor có bộ phận rễ thở mọc cách gốc từ 20-50 cm tùy theo tuổi thọ của cây, trong khi mực nước tại khu đầm lầy Trấp K’sor luôn cao từ 80 đến 90 cm. Vào mùa mưa, mực nước cao hơn 1 m khiến rễ thở của cây bị “ngộp”. Theo khảo sát nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, nguyên nhân chính khiến thủy tùng chết, vàng lá, rụng lá trong thời gian qua là do ngập nước. Cùng chung số phận, 84 cây con được trồng thử nghiệm tại trạm Trấp K’sor cũng chết do nước dâng cao, ngập hết rễ. Tuy nhiên, ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Khu Bảo tồn loài sinh cảnh thông nước Đắk Lắk, cho biết cần tiến hành thêm một cuộc khảo sát nữa mới có thể khẳng định thủy tùng chết do ngập nước hay do già cỗi, sau đó mới tìm biện pháp cứu cây!

Những năm qua, để bảo tồn loài thực vật quý hiếm, các nhà khoa học đã nghiên cứu nhiều phương pháp nhân giống. Một trong những phương pháp bước đầu cho tỉ lệ sống cao là dùng nhánh của thủy tùng ghép vào gốc của cây bụt mọc (một loài cây cùng họ với thủy tùng). Tuy nhiên, khi đưa 260 cây con vào trồng thử nghiệm ở 2 quần thể thủy tùng Ea Ral và Trấp K’sor thì kết quả không như mong đợi. Theo ông Phước, mặc dù đã trồng được 2 năm nhưng gần 300 cây thủy tùng ghép phát triển rất chậm, nhiều cây héo dần rồi chết. PGS-TS Bảo Huy cho biết thủy tùng là loài cổ thực vật, xuất hiện cách đây hàng triệu năm, những cây cùng thời với thủy tùng đa số đã bị tuyệt chủng. Do đó, xét theo góc độ quy luật tiến hóa tự nhiên thì việc thủy tùng biến mất cũng là điều bình thường. Riêng về nghiên cứu ghép thủy tùng vào cây bụt mọc, bước đầu tuy cho kết quả khả quan nhưng cần phải có thời gian để xem cây có phát triển được không. Xét về nguồn gien, một khi đã ghép thủy tùng trên gốc cây mẹ, cho dù cùng họ, cây phát triển tốt thì đó vẫn không phải là thủy tùng đích thực. “Vấn đề nan giải nhất hiện nay là sinh cảnh nơi thủy tùng sống đã thay đổi, nếu thành công trong việc lai tạo giống cũng chưa chắc đã bảo tồn được loài cây này” - PGS-TS Bảo Huy lo ngại.

Thuê người dân bảo vệ

Theo ông Trần Xuân Phước, ngoài 2 quần thể thủy tùng tập trung ở 2 xã Ea Ral và Trấp K’sor, hiện còn có 3 cây khác nằm rải rác trong vườn của người dân. Để bảo tồn tuyệt đối loài cây này, Khu Bảo tồn loài sinh cảnh thông nước Đắk Lắk đã thuê 3 hộ dân bảo vệ với giá 1 triệu đồng/cây/tháng.

Người lao động

thủy tùng, thông nước, đồ thủ công mỹ nghệ, đập thủy lợi, chữa bệnh ung thư, thủy tùng chữa bệnh ung thư, ngành hạt trần, khu bảo tồn, Đại học Tây Ngu


      © 2021 FAP
        3,321,719       599