Công nghệ thông tin

“Bầu” Kiên phủ nhận mọi tội trạng

Trong khi bị cáo Nguyễn Đức Kiên giữ nguyên nội dung kháng cáo đối với cả 4 tội danh, nhiều bị cáo còn lại xin giảm nhẹ hình phạt

Ngày 28-11, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên), nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và 5 đồng phạm về tội “Kinh doanh trái phép”, “Trốn thuế”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa phúc thẩm. (Ảnh chụp qua tivi)
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa phúc thẩm. (Ảnh chụp qua tivi)

Trong phần thủ tục, sau khi các luật sư và bị cáo Kiên đưa ra đề nghị, HĐXX quyết định chỉ chấp thuận cho các luật sư được tiếp xúc với bị cáo vào những thời điểm thích hợp. Cho phép luật sư mang điện thoại, máy tính vào phòng xử án nhưng phải được kiểm tra an ninh. Tòa từ chối cho phép người nhà được gặp bị cáo Kiên trong giờ giải lao tại phiên xử. Đối với yêu cầu triệu tập thêm một số cá nhân và đại diện một số cơ quan nhà nước, tòa khẳng định đã triệu tập và trong trường hợp cần thiết sẽ tiếp tục yêu cầu những người này đến phiên tòa. Đồng thời, tòa bác yêu cầu triệu tập một số nhân viên của VietinBank.

Bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội xác định từ tháng 5-2007 đến tháng 8-2012, Nguyễn Đức Kiên đã thành lập 6 công ty do mình làm chủ tịch HĐQT/HĐTV để kinh doanh tài chính và vàng trạng thái trái phép với tổng số tiền lên tới hơn 21.490 tỉ đồng.

Về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với tư cách là chủ tịch HĐQT của Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI), Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên kế toán trưởng ACBI) và Trần Ngọc Thanh (giám đốc ACBI) lập hợp đồng bán 20 triệu cổ phần của Công ty CP Thép Hòa Phát. Việc bán số cổ phần này (trong khi đang thế chấp tại ACB) là hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 264 tỉ đồng của Công ty Hòa Phát.

Về hành vi trốn thuế, Nguyễn Đức Kiên bị cáo buộc đã chỉ đạo cho vợ là Đặng Ngọc Lan (đại diện Công ty B&B) ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với bà Nguyễn Thúy Hương (em gái Nguyễn Đức Kiên). Trong năm 2009, Công ty B&B thực hiện các lệnh ủy thác cho ACB mua bán vàng trạng thái, thu lãi hơn 100 tỉ đồng. Bằng việc ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính và phụ lục hợp đồng với bà Nguyễn Thúy Hương, Công ty B&B đã chuyển toàn bộ lợi nhuận từ việc kinh doanh trạng thái vàng của công ty sang cho bà Hương thụ hưởng để không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 25 tỉ đồng.

Về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Nguyễn Đức Kiên cùng các bị cáo nguyên là lãnh đạo ACB đã gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 1.400 tỉ đồng.

Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Kiên khẳng định giữ nguyên nội dung kháng cáo đối với cả 4 tội danh, đồng thời cho rằng không phạm bất kỳ tội danh nào mà cấp tòa sơ thẩm đã quy kết. Bị cáo Lý Xuân Hải (cựu tổng giám đốc ACB) đề nghị xem xét toàn bộ nội dung bản án và hình phạt là quá cao. Đáng chú ý, bị cáo Phạm Trung Cang (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT) và bị cáo Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên HĐQT ACB) đã có kháng cáo kêu oan nhưng tại phiên phúc thẩm lại xin thay đổi nội dung kháng cáo, xin giảm hình phạt, mong được nhận án treo. Các bị cáo còn lại cũng xin giảm nhẹ hình phạt.

Cuối giờ chiều, HĐXX bước đầu thẩm vấn những người liên quan xoay quanh hành vi kinh doanh trái phép của bị cáo Kiên.

Ngày 1-12, phiên tòa tiếp tục diễn ra với phần thẩm vấn. 

Người lao động

      © 2021 FAP
        3,325,007       339