Công nghệ thông tin

Giám đốc công an tỉnh chỉ hàm đại tá

Cần làm rõ trách nhiệm của người ký ban hành văn bản sai, gây thiệt hại. Chưa thông qua được đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp

Sáng 27-11, Quốc hội đã thông qua Luật Công an Nhân dân (sửa đổi) và Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam (sửa đổi).

Theo Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam (sửa đổi) được QH thông qua với 83,9% đại biểu (ĐB) đồng ý, tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam và chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có trần quân hàm đại tướng như bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ngoài ra, trần quân hàm của tư lệnh, chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và tư lệnh, chính ủy Bộ Tư lệnh TP HCM là trung tướng; giám đốc, chính ủy học viện quốc phòng là thượng tướng; chỉ huy trưởng, chính trị viên ban chỉ huy quân sự quận, huyện thuộc Bộ Tư lệnh TP HCM là thượng tá.

Luật Công an Nhân dân (sửa đổi) được thông qua với 83,7% ĐB đồng ý không quy định thêm 1 đại tướng ở Bộ Công an. Theo Ủy ban Thường vụ QH, để thống nhất trong bộ máy Đảng và nhà nước, phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị, thứ trưởng - phó bí thư Đảng ủy Công an trung ương có trần quân hàm là thượng tướng như hiện nay; hàm cao nhất của giám đốc Công an Hà Nội và TP HCM sẽ là trung tướng; cao nhất của trưởng công an quận ở TP Hà Nội và TP HCM là thượng tá. Theo Ủy ban Thường vụ QH, giám đốc công an cấp tỉnh có trần cấp bậc hàm đại tá để bảo đảm tương quan với chỉ huy trưởng, chính ủy bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đứng) đề nghị nhanh chóng đào tạo đội ngũ chuyên soạn thảo văn bản pháp luật Ảnh: HOÀNG NGỌC
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đứng) đề nghị nhanh chóng đào tạo đội ngũ chuyên soạn thảo văn bản pháp luật Ảnh: HOÀNG NGỌC

l Thảo luận về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vào sáng cùng ngày, ĐB Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, phản ánh các bộ, ngành vẫn là cơ quan soạn thảo pháp luật chủ yếu. Tuy nhiên, quy trình soạn thảo cho thấy rõ những bất cập về chất lượng văn bản pháp luật khi các bộ, ngành vừa là cơ quan đề xuất, soạn thảo vừa ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện quản lý nhà nước. “Có một xu hướng tự nhiên là nhiều chính sách đã dành thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, đẩy khó khăn cho các đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản nhưng không có một cơ chế nào hạn chế hệ quả của việc này” - ĐB Lộc nói.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị nhanh chóng đào tạo, xây dựng đội ngũ chuyên về soạn thảo văn bản pháp luật và xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm. Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Huệ (Đắk Lắk) đề xuất bổ sung quy định theo hướng làm rõ trách nhiệm cuối cùng về nội dung văn bản được ban hành. “Mặc dù văn bản được ban hành là kết quả quá trình làm việc của tập thể nhưng cuối cùng vẫn có người đứng đầu ký ban hành. Vì vậy, phải làm rõ trách nhiệm cá nhân của người ký văn bản, từ đó nâng cao trách nhiệm của tất cả những người tham gia soạn thảo, không để tình trạng văn bản sai, chậm, mâu thuẫn, không khả thi, gây thiệt hại cho người dân, cho nhà nước nhưng không ai chịu trách nhiệm về việc ban hành” - bà Huệ bày tỏ.

l Chiều cùng ngày, khi biểu quyết thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp, chỉ có 274/412 ĐBQH bấm nút thông qua (55,13%); trong khi có tới 125 ĐBQH không tán thành, 13 ĐB không biểu quyết. Đây là mức thông qua thấp nhất đối với một luật trong kỳ họp QH lần này. Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của ĐBQH cho thấy trong tổng số 336 phiếu thu về, có 114/336 phiếu (34%) nhất trí giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, 99/336 phiếu (29,4%) đề nghị giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, 96/336 phiếu (28,6%) đồng ý giao Chính phủ phân công cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng giai đoạn và có 27/336 phiếu (8%) có những ý kiến khác.

Kết quả trên cho thấy ý kiến của ĐB về vấn đề này còn chưa tập trung, không phương án nào được trên 50% ĐB nhất trí. Lãnh đạo QH và lãnh đạo Chính phủ đã trao đổi và thấy chưa đủ chín muồi để xem xét sửa đổi trong thời điểm này. Vì thế, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH cho giữ nguyên quy định về vấn đề này như trong Luật Dạy nghề hiện hành, là: Giao Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và phân công cụ thể cơ quan thay mặt Chính phủ chịu trách nhiệm làm đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực này. 

Luật về biển, hải đảo cần gắn với an ninh quốc phòng

Thảo luận về dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo vào chiều 27-11, ĐB Nguyễn Viết Nhiễn (Hải Phòng) cho rằng khai thác, sử dụng tài nguyên biển khác với sử dụng tài nguyên trên đất liền nên cần có sự tham gia đặc biệt của Bộ Quốc phòng. ĐB Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh) đề nghị bổ sung các nguyên tắc, căn cứ mang tính an ninh quốc phòng để sử dụng khai thác vùng bờ. ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) cho rằng về khai thác tài nguyên nêu chưa đầy đủ, mới chỉ nêu tài nguyên vùng bờ và vùng hải đảo trong khi chưa nêu tài nguyên vùng biển là nơi dồi dào tài nguyên và cũng ảnh hưởng nhiều tới vấn đề an ninh quốc phòng. “Cần phải có chương riêng về tài nguyên biển. Trong khi tài nguyên vùng bờ tương đối chi tiết thì tài nguyên hải đảo nêu chung chung, chưa rõ. Chiến lược khai thác hải đảo thiếu nội dung về an ninh quốc phòng, cần bổ sung các căn cứ khi lập chiến lược khai thác tài nguyên vùng hải đảo” - ĐB Niễn đề nghị. N.Quyết

Người lao động

      © 2021 FAP
        3,327,118       93