Công nghệ thông tin

Vén màn phòng mổ (*): Những “bóng ma” sau phẫu thuật

Nếu đứng liên tục, không ăn, không ngủ, ai khỏe mạnh nhất cũng sẽ ngã quỵ nhưng với các y - bác sĩ làm việc trong phòng mổ, sức khỏe bệnh nhân mới quan trọng, còn lại đều là thứ yếu

Theo bác sĩ (BS) Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị phẫu thuật tim mạch - Viện Tim mạch quốc gia, trong phòng mổ lúc nào cũng có đèn sáng choang nên hầu như không ai xác định được thời gian là đêm hay ngày. Có những ca mổ phức tạp kéo dài hơn nửa ngày nên việc nhịn đói cũng là chuyện bình thường. “Vì vậy, không ít người sau khi cuộc mổ kết thúc là choáng váng, mắt mờ, tay mỏi, chân run… Có BS sau một ca mổ kéo dài tới 25 giờ đã tắt điện thoại, trốn biệt gần 3 ngày để ngủ” - BS Hùng cho biết.

Trắng đêm cùng bệnh nhân

Cách đây không lâu, BS Hùng đã cùng kíp phẫu thuật gồm 15 BS, điều dưỡng phải ở trong phòng mổ suốt 12 giờ để phẫu thuật tim cho một thanh niên 23 tuổi. Ca mổ cấp cứu căng thẳng bắt đầu từ 20 giờ hôm trước và kéo dài đến 9 giờ hôm sau khiến chân BS Hùng tụ máu, sưng phồng đến mức không thể xỏ vào giày. “Còn với BS gây mê, khi cuộc mổ kết thúc, trông ông ấy vật vờ như một bóng ma” - BS Hùng hóm hỉnh ví von nói về cảnh hậu trường phòng mổ.

Đèn phòng phẫu thuật lúc nào cũng sáng choang nên các y - bác sĩ không còn nhận thức được thời gian mà chỉ tập trung cho ca mổ Ảnh: NGỌC DUNG
Đèn phòng phẫu thuật lúc nào cũng sáng choang nên các y - bác sĩ không còn nhận thức được thời gian mà chỉ tập trung cho ca mổ Ảnh: NGỌC DUNG

Một lần, có đoàn BS người Mỹ và Việt kiều đến Bệnh viện (BV) Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM phẫu thuật miễn phí cho hơn 30 bệnh nhi bị sứt môi - hở hàm ếch. Một trong những cháu bé sau ca mổ có sức khỏe không ổn định. “Đêm đó, tôi không yên lòng nên ở lại BV, thỉnh thoảng xuống khu vực cháu bé đang nằm để xem xét tình hình và chứng kiến nhiều BS trong đoàn cũng không về khách sạn nghỉ ngơi. Một nữ BS còn kê giường xếp nằm bên cạnh cháu bé…” - BS Đỗ Trọng Ánh, giám đốc BV, nhớ lại.

Trời không phụ người, rạng sáng hôm sau, cháu bé đã khỏe mạnh trở lại. Các BS vui mừng thay nhau bồng bế, nựng nịu và chụp hình với cháu.

Cân não với vi phẫu

Không thể nói hết được sự vất vả, căng thẳng của các BS khi ở phòng mổ, nhất là những ca nặng, kéo dài. Trong đó, những ca mổ ghép nối các bộ phận cơ thể thật sự là đòn cân não bởi nó đòi hỏi BS không chỉ khéo tay mà còn phải tỉ mỉ, nhẫn nại suốt nhiều giờ.

Vừa qua, các BS Khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt BV Việt Đức (Hà Nội) đã nối thành công phần đầu mũi bị đứt rời cho một bệnh nhân nam 37 tuổi sau 13 giờ vi phẫu. BS Đào Văn Giang cho biết đây là ca nối ghép khó vì mạch máu chỉ khoảng 0,4-0,5 mm, nhỏ hơn cả sợi tóc.

“Chúng tôi phải khâu 4-5 mũi bằng chỉ rất nhỏ dưới kính hiển vi có độ phóng đại lớn nhất. Các thao tác đòi hỏi cực kỳ chính xác, tỉ mỉ và kiên trì, chỉ cần một sai sót nhỏ là miệng nối có thể bị tắc, máu không lưu thông, mảnh ghép sẽ bị hoại tử” - BS Giang giải thích. Đây là lần đầu tiên Việt Nam nối thành công đầu mũi bị đứt rời. Trên thế giới, ước tính hơn 10 ca tương tự được thực hiện thành công.

Để có thể nối lại những bộ phận cơ thể bị đứt rời, ngoài tỉ mẩn nối các mạch máu nhỏ li ti, các BS còn phải hồi hộp ngồi chờ máu lên, phần được nối hồng ấm trở lại thì mới tạm thở phào. BS Trần Xuân Thạch, Khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt BV Việt Đức, cho biết có những cuộc mổ nối tai đứt rời, BS phải “ngồi lì” trên ghế từ 6 giờ đến 19 giờ để nối mạch.

“Những mạch máu này nhìn bằng mắt thường đã khó nhưng các BS phải thao tác dưới kính hiển vi cả chục giờ, đến khi thực hiện xong cuộc mổ là muốn ngất xỉu. Sau nhiều cuộc mổ, có BS bước ra phòng loạng choạng, bước đi không vững” - BS Thạch kể.

Vừa mổ vừa… dỗ bệnh nhi

Tại Khoa Răng hàm mặt và Phẫu thuật tạo hình của BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), các BS đã dày công xây dựng một dạng phẫu thuật có một không hai: Phẫu thuật tạo hình cho trẻ sứt môi - hở hàm ếch với hình thức gây tê, tức bệnh nhi vẫn tỉnh và liên tục quấy khóc. Công trình này đã giúp được rất nhiều em bé không đủ điều kiện trải qua một ca phẫu thuật gây mê.

Chúng tôi đã được dịp tham gia ca mổ như thế cùng BS Nguyễn Thị Minh Hằng, Phó Khoa Răng hàm mặt và Phẫu thuật tạo hình. Cháu bé gần 1 tuổi được cha ôm trên bụng trong suốt ca mổ. Nhờ gây tê nên bé không đau nhưng liên tục quấy khóc vì sợ.

Nếu chỉ đứng nghe mà không nhìn, người ta sẽ nghĩ bên trong phòng mổ có một bà mẹ đang dỗ dành con bằng những câu trấn an, những lời mắng yêu... “Bà mẹ” ấy chính là vị nữ BS vừa thực hiện những thao tác tinh tế của ca phẫu thuật vừa… dỗ em bé. 45 phút trôi qua, trên khuôn mặt bệnh nhi, những nét dung nhan hoàn chỉnh được thành hình.

(*) Xem Báo Người Lao Độngtừ số ra ngày 10-11

Kỳ tới: Đâu chỉ cần đôi tay cầm dao

“Khi phẫu thuật thì hầu hết là phải đứng, đứng liên tục vì ngừng giữa chừng không có lợi cho bệnh nhân. Chuyện mệt nhọc, mỏi chân, đói khát… không phải lo vì cứ vào phòng mổ là tôi như bị thôi miên” - BS Đỗ Trọng Ánh tâm sự.

Xả stress bằng âm nhạc

Đã mười mấy lần đến Việt Nam và trực tiếp phẫu thuật cho gần 400 trẻ em bị dị tật phức tạp, BS chỉnh hình người Ý Manlio Ottonello cho biết có khi ông phải mổ liên tục 13 ca mỗi ngày. Vì vậy, để giảm áp lực, ông hay yêu cầu mở nhạc, thường là những bài hòa tấu mang âm hưởng dân ca của Việt Nam.

Cũng yêu âm nhạc, BS Vũ Hải Long, Trưởng Khoa Tai mũi họng BV Nhân dân 115, lại dành thời gian ngoài giờ làm việc để sáng tác những bài hát gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình. Nghề y được ông mô tả giản đơn và ý nghĩa trong một bài hát: Gọi sự sống về, xua cái chết lùi đi...

Người lao động

      © 2021 FAP
        3,322,633       439