Công nghệ thông tin

Vụ cấm cửa "người Cà Mau" (*): Quan tòa xử gì kỳ cục vậy!

(NLĐO)- TAND TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương căn cứ vào các văn bản có nội dung "không tuyển lao động người Cà Mau", "không tuyển công nhân người cà Mau"... của Công ty TNHH Gỗ Hoa Nét để cho rằng việc xử lý kỷ luật lao động của công ty là đúng pháp luật.

"Người Cà Mau cũng có quyền bình đẳng như bao người Việt Nam khác, vì lý do gì mà công ty không cho tôi tuyển dụng? Họ mắc tội tình gì? Nếu ai đó là người Cà Mau thì sẽ nghĩ thế nào? Sự việc đau lòng là chính phía công ty đã mạnh dạn giao tài liệu này cho tòa án cấp sơ thẩm để làm chứng cứ vi phạm của tôi và đã được tòa án chấp nhận". Anh Nguyễn Đức Dũng, nhân viên phụ trách tuyển dụng của Công ty TNHH Kỹ nghệ Gỗ Hoa Nét (tỉnh Bình Dương) cho biết như vậy.

Dám cãi hả? Xử liền...

Anh Dũng bị công ty xử lý kỷ luật vì đã vi phạm chỉ thị của cấp trên là "không được tuyển dụng đối tượng ở những khu vực nhạy cảm...” (trích biên bản xử lý kỷ luật ngày 27-9-2013). Cụ thể, khu vực nhạy cảm theo “chỉ thị của cấp trên” trong các văn bản được ban hành đó là những người đến từ tỉnh Cà Mau. Cũng trong biên bản xử lý kỷ luật anh Nguyễn Đức Dũng, công ty quy kết việc làm này của anh Dũng đã “dẫn đến những hậu quả: trộm cắp tài sản công ty, mua bán sử dụng chất gây nghiện".

Vụ cấm cửa "người Cà Mau" (*): Quan tòa xử gì kỳ cục vậy!

Tuy vậy, lãnh đạo Công ty TNHH Kỹ nghệ Gỗ Hoa Nét cho rằng với sai phạm đó anh Dũng phải bị xử lý kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng nhưng xét thấy đây là vi phạm lần đầu và mức độ thiệt hại do các hành vi nêu trên gây ra là không đáng kể nên giảm nhẹ hình thức xử lý xuống thành khiển trách bằng văn bản! Nhiều công nhân cho biết tình trạng trộm cắp, mua bán sử dụng chất gây nghiện hay những hành vi vi phạm khác xảy ra trong công nhân đến từ nhiều địa phương chứ đâu riêng gì những “người Cà Mau”.

Sau khi bị xử lý kỷ luật, anh Dũng làm đơn khiếu nại gởi tổng giám đốc yêu cầu xem xét lại nhưng không được giải quyết nên đã gởi đơn khiếu nại lên Ban Quản lý KCN VSIP yêu cầu xem xét. Trong khi vụ việc đang chờ giải quyết thì công ty ra quyết định điều chuyển anh Dũng từ nhân viên tuyển dụng sang làm nhân viên hỗ trợ hành chính. Bị đột ngột điều chuyển công việc, anh Dũng phản ứng thì trong hai ngày 2-11-2013 và 6-11-2013, khi anh Dũng đang làm việc thì công ty cho 4 nhân viên bảo vệ đến "khiêng" anh Dũng ra xe, áp giải từ cuối xưởng lên đầu xưởng (khoảng cách gần 400m) vì anh Dũng "từ chối lên văn phòng để họp".

Vụ cấm cửa "người Cà Mau" (*): Quan tòa xử gì kỳ cục vậy!

Anh Dũng bức xúc: “Họ khiêng bổng tôi lên rồi áp giải còn hơn cả tội phạm trước mắt nhiều người. Điều này là một sự xúc phạm thô bạo danh dự, nhân phẩm của người lao động”. Anh Dũng đã khởi kiện công ty ra tòa yêu cầu thu hồi quyết định kỷ luật, bồi thường tổn thất tinh thần, danh dự, uy tín và công khai xin lỗi vì hành vi cưỡng bức lao động.

Tòa đồng tình với quy định sai trái?

Sau nhiều lần yêu cầu bổ sung rồi... trả lại đơn kiện vì cho rằng không thuộc thẩm quyền giải quyết, cuối cùng TAND Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cũng nhận ra vụ việc thuộc... thẩm quyền của mình và thụ lý.

Trong quá trình tòa án thụ lý, xét xử vụ kiện, để chứng minh việc xử lý kỷ luật của mình là đúng, đại diện Công ty TNHH Kỹ nghệ Gỗ Hoa Nét đã cung cấp cho tòa án nhiều chứng cứ liên quan đến việc anh Dũng không chấp hành mệnh lệnh của cấp trên. Theo đó, mệnh lệnh của cấp trên trong hàng loạt văn bản là "không tuyển lao động người Cà Mau", "không tuyển công nhân người cà Mau"...

Đáng nói, những văn bản, chỉ thị về việc kỳ thị, phân biệt đối xử trong tuyển dụng và sử dụng lao động của Công ty TNHH Gỗ Hoa Nét đã được hội đồng xét xử sơ thẩm của TAND Thành phố Thủ Dầu Một dùng làm căn cứ chủ yếu để cho rằng việc xử lý kỷ luật lao động của công ty là đúng pháp luật; đồng thời bác yêu cầu khởi kiện của anh Nguyễn Đức Dũng.

Vụ cấm cửa "người Cà Mau" (*): Quan tòa xử gì kỳ cục vậy!

Bản án số 03/2014/LĐ-ST ngày 29-8-2014 của TAND TP Thủ Dầu Một, nêu rõ: "Qua xem xét nội dung các thư điện tử và 7 tờ thông tin ứng viên do bị đơn cung cấp, có đủ cơ sở chứng minh ông Dũng có vi phạm, không chấp hành thỉ thị của cấp trên về việc tuyển dụng công nhân... Do đó không có căn cứ chấp nhận yêu cầu của ông Dũng buộc công ty thu hồi quyết định kỷ luật".

Đối với yêu cầu bồi dưỡng tổn thất về tinh thần, danh dự, uy tín vì hành vi cưỡng bức lao động của công ty đối với anh Dũng, HĐXX cho rằng: "Hành vi trên của các nhân viên bảo vệ là không phù hợp pháp luật, có dấu hiệu của hành vi cưỡng bức lao động, tuy nhiên hành vi này chưa đến mức nghiêm trọng xuất phát từ nguyên nhân ông Dũng không chấp hành quyết định điều chuyển công việc của công ty... Ông Dũng cũng không chứng minh được tổn thất danh dự, uy tín như thế nào nên không có căn cứ để tòa chấp nhận". Nhận xét của tòa đã đẩy khó khăn, thiệt thòi về phía người lao động vì làm sao có thể định lượng tổn thất danh dự và uy tín của một hành vi?

Ông Chương Dương Dũng, đại diện hợp pháp của anh Nguyễn Đức Dũng trước tòa cho biết tại mục 2, điểm b, điều 5 Bộ Luật Lao động quy định rõ nghĩa vụ của người lao động là chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động, tuân theo sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động. Ở đây, chỉ thị phân biệt đối xử vùng miền trong tuyển dụng đối với lao động là người Cà Mau của Công ty TNHH Kỹ nghệ Gỗ Hoa Nét là bất hợp pháp, tại sao TAND TP Thủ Dầu Một không tuyên hủy quy định trái pháp luật này; trái lại còn dùng làm căn cứ để bác yêu cầu chính đáng, hợp pháp của người lao động; cũng có nghĩa là đồng tình, công nhận hành vi phân biệt đối xử, điều mà pháp luật nghiêm cấm!

Câu trả lời dành cho phiên xét xử phúc thẩm sắp tới của TAND tỉnh Bình Dương.

Không thể chấp nhận được!

Còn nhớ, cách nay chưa lâu, ở Bình Dương cũng rộ lên chuyện các doanh nghiệp không tuyển lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh. Trong số nhiều ý kiến phản đối hành vi này, Đại biểu QH Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho rằng, nếu chỉ vì vùng miền khác nhau mà có sự kỳ thị là điều không thể chấp nhận được. Luật pháp Việt Nam không cho phép sự phân biệt đối xử, mọi lao động đều được đối xử bình đẳng trước quy định tuyển dụng, làm việc… Do vậy, các doanh nghiệp phân biệt lao động vùng miền là hành động trái pháp luật.

(*) Xem Báo Người Lao Động Online ngày 8-11-2014

Người lao động

      © 2021 FAP
        3,202,947       756