Công nghệ thông tin

Việt Nam nâng vị thế trong APEC

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quả quyết nước này mong muốn có mối quan hệ thân thiện với các quốc gia láng giềng

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Bắc Kinh trưa 9-11 dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22 và các hội nghị liên quan tổ chức tại Bắc Kinh - Trung Quốc từ ngày 9 đến 11-11 theo lời mời của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC với chủ đề “Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương” sẽ tập trung thảo luận 3 vấn đề gồm: Kết nối; hình thành khu vực Thương mại tự do toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP); các nội dung hợp tác kinh tế - thương mại mới. Theo TTXVN, hội nghị sẽ thông qua 15 văn kiện gồm 2 tuyên bố của các nhà lãnh đạo cấp cao APEC và kỷ niệm 25 năm thành lập APEC.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tọa đàm với các tập đoàn của Mỹ vào chiều 9-11 tại Bắc Kinh trong chuyến sang Trung Quốc dự Hội nghị APEC 22 Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tọa đàm với các tập đoàn của Mỹ vào chiều 9-11 tại Bắc Kinh trong chuyến sang Trung Quốc dự Hội nghị APEC 22 Ảnh: TTXVN

Dự kiến trong khuôn khổ các hoạt động tại Hội nghị Cấp cao APEC 22 từ ngày 9 đến 10-11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các thành viên đoàn Việt Nam tham dự đối thoại phiên 9 Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC về “Tăng trưởng kết nối khu vực: Những ưu tiên về đầu tư, hạ tầng cơ sở và chính sách”; dự phiên đối thoại với Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC); dự phiên họp kín thứ nhất về “Thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực”; dự phiên ăn trưa làm việc về “đẩy mạnh kết nối toàn diện và phát triển cơ sở hạ tầng”; dự phiên họp kín thứ hai về “phát triển sáng tạo, tăng trưởng và cải cách kinh tế”; gặp gỡ và trao đổi với những nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC.

Các hoạt động của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn Việt Nam nhằm tiếp tục triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng tầm đối ngoại đa phương; tích cực tham gia, đóng góp với các quan tâm chung của APEC và các nội dung quan trọng của hội nghị. Việt Nam cũng tiếp tục phát huy vai trò tích cực trong APEC, đặc biệt phối hợp với các thành viên khởi động chuẩn bị đăng cai Năm APEC 2017.

Chiều 9-11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp bà Lý Tiểu Lâm, Chủ tịch Hội Hữu nghị Đối ngoại nhân dân Trung Quốc. Chủ tịch nước nhấn mạnh tình hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp là tài sản quý báu của nhân dân hai nước. Chủ tịch nước đánh giá cao những đóng góp tích cực của Hội Hữu nghị Đối ngoại nhân dân Trung Quốc đối với quan hệ láng giềng hợp tác, hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.

* Phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC hôm 9-11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi xây dựng một loại hình đối tác châu Á - Thái Bình Dương mới giữa các quốc gia trong khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới để khai thác những cơ hội chưa từng có và để giải quyết các thách thức đang gia tăng. Ông Tập cho rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương - chiếm 40% dân số toàn cầu, 57% kinh tế thế giới và 48% tổng thương mại - đã đi vào một giai đoạn phát triển mới. “Dòng chảy đầu tư, thông tin và con người đang ở mức độ cao. Sự hợp tác trong khu vực tất cả các loại đang tiến triển tốt và các ý tưởng mới đang xuất hiện. Vị thế toàn cầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang trên đà gia tăng” - ông nhận định.

Theo báo The Straits Times (Singapore), Chủ tịch Tập Cận Bình quả quyết rằng điều khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần là mối quan hệ đối tác dựa trên cơ sở tin cậy lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi. Ông cũng đề cập mối quan ngại rằng năng lực kinh tế và ngoại giao ngày càng tăng của Trung Quốc có thể gây ra mối đe dọa bên ngoài biên giới nước này, đồng thời quả quyết nước này mong muốn có mối quan hệ thân thiện với các quốc gia láng giềng. Ông tuyên bố: “Sự phát triển của Trung Quốc đem lại những cơ hội và lợi ích to lớn cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới, các cơ hội làm ăn sẽ kéo dài và vô hạn”.

Chủ tịch Tập Cận Bình còn nhận định những nguy cơ mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt là không đáng sợ và chính phủ nước này tự tin có thể tránh được các mối hiểm nguy. “Một số người lo ngại rằng mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ sụt giảm hơn nữa. Sự thực là đang có những nguy cơ nhưng điều đó không đáng sợ. Ngay cả tăng trưởng ở mức khoảng 7%, Trung Quốc vẫn nằm trong số những nền kinh tế ổn định nhất thế giới” - ông nói.

Nhiều ý kiến cho rằng nội dung phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm giải tỏa nỗi lo ngại trên toàn cầu hiện nay về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong khi đó, hãng tin Reuters nhận định: Kinh tế Trung Quốc đã trải qua một năm khó khăn khi mức tăng trưởng trong quý III năm nay giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. 

Người lao động

      © 2021 FAP
        3,317,895       309