Công nghệ thông tin

Đưa quan hệ Việt -Bỉ đi vào chiều sâu

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông

Chiều 13-10 (theo giờ Việt Nam), ngay sau lễ đón chính thức được tổ chức tại Phủ Thủ tướng Bỉ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Charles Michel, trao đổi những biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa 2 nước trong thời gian tới.

Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao; tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Hội nghị Cấp cao Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác giữa ASEAN và Liên minh châu Âu (ASEAN - EU), Tổ chức Pháp ngữ (Francophonie). Bên cạnh đó, hai Thủ tướng đánh giá cao vai trò của ASEM, xem đây là một kênh đối thoại, chương trình hợp tác và trao đổi quan trọng giữa 2 châu lục, khẳng định tầm quan trọng của hợp tác Việt Nam - Bỉ qua cơ chế này.

Đưa quan hệ Việt -Bỉ đi vào chiều sâu

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: REUTERS

Phía Bỉ khẳng định ủng hộ việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam, cho rằng hiệp định này cùng với Hiệp định khung về Đối tác - Hợp tác toàn diện (PCA) giữa Việt Nam và EU là cơ sở vững chắc cho sự phát triển hơn nữa về hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên EU. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Charles Michel cũng nhất trí tăng cường hợp tác thương mại, tạo điều kiện để doanh nghiệp 2 nước tiếp xúc, kết nối trong các lĩnh vực ưu tiên như cảng biển, dịch vụ hậu cần, giao thông vận tải, công nghệ xanh, công nghệ cao, hàng không - vũ trụ.

Đồng thời, hai bên thống nhất duy trì cơ chế họp Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế để định hướng quan hệ kinh tế, xác định trọng tâm ưu tiên, nâng cao hiệu quả các dự án đã và đang thực hiện, nâng cao hiệu quả phối hợp các cơ chế hợp tác giữa 2 nước cũng như hợp tác vùng, cộng đồng. Hai Thủ tướng cho rằng hợp tác văn hóa - giáo dục là điểm sáng trong quan hệ 2 nước; khẳng định tạo điều kiện để các trường đại học, viện nghiên cứu 2 nước tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, hướng tới mục tiêu lâu dài đào tạo đội ngũ chất lượng cao.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Bỉ đã trao đổi về các vấn đề hợp tác và an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương. Bỉ khẳng định quyết tâm đẩy mạnh hợp tác với khu vực cả trong khuôn khổ song phương và đa phương. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 cũng như việc thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sự cần thiết của việc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Thủ tướng Bỉ bày tỏ tin tưởng sâu sắc rằng kết quả chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này sẽ góp phần đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam - Bỉ tiếp tục đi vào chiều sâu, ngày càng thiết thực cho 2 nước, góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới. Ngay sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Charles Michel đã chứng kiến lễ ký Hiệp định giữa Vương quốc Bỉ và Việt Nam cho dự án vệ tinh nhỏ Việt Nam thứ hai quan sát tài nguyên thiên nhiên và thiên tai; bản ghi nhớ hợp tác xúc tiến đầu tư phát triển dự án KCN cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.

Tối cùng ngày (theo giờ Việt Nam), tại cuộc hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn 2 bên sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA), nhanh chóng ký chính thức Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị EU công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam vào thời điểm 2 bên kết thúc đàm phán. Chủ tịch Manuel Barroso khẳng định Ủy ban châu Âu  và các nước thành viên EU sẽ phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy hợp tác Việt Nam - EU.

Kết thúc hội đàm, hai nhà lãnh đạo chứng kiến lễ ký chính thức khoản viện trợ trị giá 400 triệu euro của Ủy ban châu Âu dành cho Việt Nam giai đoạn 2014-2020, ra Tuyên bố chung về định hướng kết thúc đàm phán EVFTA, trong đó nhấn mạnh mong muốn xây dựng một Hiệp định Thương mại tự do hiện đại, toàn diện và cân bằng.

Tiếp sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy tại trụ sở hội đồng. Ông Herman Van Rompuy đánh giá cao vai trò và vị trí của Việt Nam ở khu vực, khẳng định lập trường của EU là ủng hộ giải quyết tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. 

Người lao động

      © 2021 FAP
        3,316,844       1,128