Công nghệ thông tin

Đi chợ đặc sản mùa lũ

Hơn 5 giờ sáng, chợ biên giới Khánh Bình (An Phú, An Giang) đã bắt đầu sôi động. Tiếng rao mời của các cô, các chị “mua ốc đi chú”, “mua rắn đi chú”, “ở đây rắn gì cũng có chú ơi”… làm tăng thêm không khí nhộn nhịp của phiên chợ quê mùa lũ lúc hừng đông.

Cứ vào mùa nước nổi, chợ ốc đồng ở xã biên giới Khánh An (An Phú) bắt đầu sôi động. Đây không chỉ là đầu mối phân phối ốc đồng cho các chợ trong tỉnh mà còn cung ứng tận TP Hồ Chí Minh. Vào mùa lũ, nơi này giải quyết việc làm cho hàng chục lao động thực hiện nhiều công đoạn: Khuân vác ốc từ ghe lên bờ, phân loại, vô bao…

38t1b.jpg

Ốc đồng là sản vật không thể thiếu trong mùa lũ. Anh: HOÀNG VŨ

Bà Tư Lệ, chủ vựa ốc có tiếng ở Khánh An cho biết: Hầu như ốc đồng có quanh năm, nhưng nhiều nhất vào mùa lũ. Ngư dân trong vùng và bên Campuchia khai thác chở sang bán. Chợ ốc khá phong phú với nhiều loại, như: Ốc bươu, ốc lác, ốc đá, ốc gạo, ốc đắng… được bán với nhiều giá khác nhau, từ 3.000 đồng/kg (ốc gạo) đến 15.000 đồng/kg (ốc đá loại lớn).

Mùa nước nổi tạo môi trường sống thuận lợi cho các loài thủy sản. Cua, cá, ốc, lươn, rắn… đua nhau sinh sản với nguồn thức ăn dồi dào. Nhờ đó, chúng là nguồn sống cho những hộ dân gắn bó với manh lưới, chiếc xuồng trong những tháng nước tràn đồng.

Những sản vật người dân đánh bắt được xuất hiện nhiều ở các phiên chợ. Nhất là trong thời buổi công nghiệp, cái gì gắn mác chữ “đồng” đều được người ta ưa chuộng hơn, nào là: Cá đồng, rau đồng, chuột đồng… được bán giá cao gấp đôi, gấp ba giá các loại nuôi.

Ở An Phú, nhắc đến cua đồng phải kể đến xã biên giới Vĩnh Hội Đông. Cua đồng ở đây có quanh năm, do ngư dân không chỉ đặt lọp cua ở các vùng trong tỉnh mà nhiều người thuê đồng phía Campuchia để đặt. Tại vựa, cua đồng được bán với giá từ 8.000- 15.000 đồng/kg.

Anh V., chủ vựa cua có tiếng ở Vĩnh Hội Đông cho biết, mỗi ngày thu mua từ 1,2- 1,5 tấn cua đồng do ngư dân ở địa phương và Campuchia chở qua bán.

Sản vật “độc đáo” không thể thiếu của mùa nước nổi ở các chợ biên giới chính là rắn. Có mặt từ sớm tại chợ biên giới Khánh An, hàng chục chiếc xuồng câu, ghe chèo của người Việt Nam, người Khmer… chở rắn, rùa, ốc, cua đồng qua bán cho buổi chợ sáng.

Rắn ở đây rất phong phú về chủng loại và đa dạng về giá cả. Rắn bông súng có giá 70.000- 120.000 đồng/kg, rắn trun, rắn nước (loại lớn) 120.000- 150.000 đồng/kg, hổ hành 170.000- 220.000 đồng/kg, rắn ri voi 350.000 đồng/kg, rùa 380.000 đồng/kg…

38t1b1.jpg

Rắn được bày bán ở chợ biên giới Vĩnh Hội Đông (An Phú)

Tuy nhiên, hiện nay, lượng cá đồng xuất hiện ngày càng ít. Nguyên nhân chính có lẽ xuất phát từ chuyện kỳ lạ của mùa lũ năm nay. Mới khoảng giữa tháng bảy âm lịch nước đã cao ngấp nghé đồng, cao hơn cùng kỳ năm 2013 gần 1m khiến ai cũng lo lắng. Thế nhưng, bước sang tháng tám nước rút xuống đột ngột chẳng ai ngờ.

Hiện, nước nội đồng thấp nên sản lượng thủy sản đánh bắt được cũng rất khiêm tốn, nhất là các loại cá đồng. Đây là niềm luyến tiếc của ngư dân biên giới và là dấu chấm hỏi cho các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu.

Người lao động

đặc sản, An Giang, mùa lũ, mùa nước nổi, cua đồng, cá đồng, sản vật, chợ biên giới, rau đồng, ốc đồng


      © 2021 FAP
        3,321,832       645