Công nghệ thông tin

Ai phải "bó tay" ai?

(NLĐO)- Bà bác sĩ ngó ngó rồi đặt cái ống nghe lên ngực mẹ tôi, lắc đầu: “Tôi bó tay với bà này luôn…”. Vừa lúc ấy, điện thoại trong túi của bà reo lên. Bà cầm điện thoại bước ra cửa “tám” một hồi rồi… đi luôn! Tôi đứng tần ngần một lúc lâu, bà chưa khám cho mẹ tôi mà?

Mẹ tôi bị đột quỵ. Cấp cứu xong, bệnh viện đa khoa ở tỉnh chuyển mẹ tôi lên Chợ Rẫy. Sau 2 tuần vật lộn với tử thần, mẹ tôi tạm ổn dù vẫn chưa hồi tỉnh. Các bác sĩ ở đây khuyên nên chuyển về một trong hai bệnh viện tuyến dưới để tiếp tục điều trị. Sau khi bàn bạc, chúng tôi xin đưa mẹ sang một bệnh viện nằm trên địa bàn quận 8, TP HCM.

Bước vào cổng bệnh viện, tôi mừng thầm vì khuôn viên nơi đây khá rộng rãi, hàng cây cao tỏa bóng mát xuống lối đi, hai bên trồng nhiều cây cảnh. Chiều chiều người bệnh ngồi trên những chiếc xe lăn được người nhà đẩy đi dạo mát. Nhìn cơ ngơi thế này, chúng tôi tưởng có thể yên tâm, tưởng là bệnh nhân vào đây sẽ được chăm sóc chu đáo, tận tình…

Thế nhưng vào đây rồi tôi mới vỡ lẽ ra nhiều điều mà chỉ có “thức đêm mới biết đêm dài”, “ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Trong căn phòng hơn 10 m2, mẹ tôi ở cùng hai bệnh nhân khác, đều là những người từng bị đột quỵ 2-3 lần vì huyết áp, tiểu đường và đều… nằm liệt giường. Tuy chật chội nhưng tôi cảm thấy vui vì những người nuôi bệnh ở đây đều rất chân thành, cởi mở, sẵn sàng giúp đỡ và chỉ bảo khi chúng tôi chưa quen với việc chăm sóc người bệnh nằm liệt một chỗ.

Mẹ tôi năm nay 87 tuổi, được hưởng bảo hiểm y tế 95% theo chính sách của nhà nước. Cứ đều đều thứ hai đầu tuần, tôi nhận một tờ giấy rồi lên phòng Tài vụ nộp có khi 2 triệu, khi 3 triệu, lúc 5 triệu đồng. Hết tháng đầu tiên, họ kêu tôi lên ký tên, thanh toán. Tổng cộng tôi phải đóng hơn 6 triệu đồng. Tôi ra về mà ôm cục thắc mắc: Sao 5% mà nhiều thế?

Tôi nghe mấy chị chung phòng giải thích, hồi đầu trong phòng chỉ có cái quạt máy thì tính giá 48.000 đồng/giường/ngày, mấy hôm sau gắn thêm cái tivi lên tường thì nhảy lên 120.000 đồng, vài hôm sau nữa gắn thêm cái máy lạnh thì tính gọn 170.000 đồng! Vị chi một cái phòng nhỏ xíu, cửa nẻo sứt sịa không có chốt gài mà mỗi ngày phải trả cho bệnh viện 510.000 đồng, đắt hơn cả khách sạn vài ngôi sao!

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhưng điều đáng nói là mấy bà già ho khục khặc suốt đêm, mở máy lạnh là bị viêm phổi nên phải tắt. Tivi thì tôi chưa bao giờ thấy người nào đột quỵ chưa hồi tỉnh mà xem tivi cả! Tôi biết ở đây có nhiều hoàn cảnh rất thương tâm, người bệnh đa số nghèo, mất sức lao động phải trông chờ vào con cháu, nhiều người ở tỉnh xa, kiếm được đồng tiền cũng cực nhọc nên chẳng có mấy người thích ở phòng máy lạnh, xem tivi khi trong túi không có tiền! Mà đâu phải ngày một, ngày hai; có người nằm ở đây ròng rã mấy năm trời, với cái đà tăng giá phòng liên tục như vậy, làm sao mà chịu nổi?

Trở lại trường hợp của mẹ tôi, sau gần 2 tháng nằm ở đây, mẹ tôi vẫn mơ mơ, màng màng, chẳng nhận ra con cháu, phải ăn qua ống, đặt thông tiểu, thường xuyên phải thở oxy. Vài bữa thì đường lên, muối sụt; mấy hôm sau thì muối lên, đường sụt; hết ói lại tiêu chảy, viêm phổi và cả xuất huyết dạ dày! Tôi hỏi bác sĩ có thuốc nào chữa cho mẹ tôi tốt hơn không thì được trả lời “có” nhưng thuốc ngoài danh mục rất đắt tiền, nếu gia đình đồng ý thì mới chích. Dĩ nhiên là tôi đồng ý mà trong bụng vẫn thắc mắc, sao nghe nói người bệnh vẫn được hưởng một số dịch vụ y tế cao mà? Có lẽ, thuốc "bổ não" không nằm trong danh mục chăng?

Một việc nữa là mẹ tôi phải ăn qua ống nên chủ yếu là uống sữa và súp. Sữa thì là loại dành cho bệnh nhân tiểu đường, súp thì đăng ký với bệnh viện. Thế nhưng một bữa nọ, bác sĩ trưởng khoa nói rằng nếu gia đình có điều kiện thì nên cho uống sữa hoàn toàn, khỏi cần súp vì thật ra súp ở bệnh viện chỉ là các loại đậu xay, không có chất bổ dưỡng. Còn không thì nên mua “túi thức ăn” người ta làm sẵn, chỉ có 270.000 đồng một túi cho một ngày.

Tôi tin vào cách điều trị hơn là tin túi thức ăn kia sẽ làm cho mẹ tôi khỏe hơn nên từ chối. Nhưng lạ là bà bác sĩ này vẫn không nản lòng mà còn tỏ ra rất nhiệt tình, cứ cách hai ba ngày lại nhắc tôi mua túi thức ăn; thậm chí bà còn có ý trách móc, bảo chúng tôi “bất hợp tác” vì không chịu mua túi thức ăn. Lần này thì tôi thật sự thắc mắc, không biết bà bác sĩ này đi trị bệnh cho người hay đi bán hàng? Mà trước đây, cũng chính bà khuyên chúng tôi cho mẹ uống loại sữa L. với lý do “đây là loại sữa có thể thay thế hoàn toàn bữa ăn”; tôi nghe lời bà, đã mua mấy chục hộp sữa, mỗi hộp 800g có giá gần 650.000 đồng, giờ bà lại bảo bỏ sữa, ăn “túi thức ăn” là sao?

Nhưng chuyện chưa dừng ở đó. Sáng 18-9, bà bác sĩ trưởng khoa vào khám cho mẹ tôi. Tối hôm trước, mẹ tôi ói nhiều nên sáng ra nằm thiêm thiếp, mệt lả. Bà bác sĩ ngó ngó rồi đặt cái ống nghe lên ngực mẹ tôi, lắc đầu: “Tôi bó tay với bà này luôn…”.

Vừa lúc ấy, điện thoại trong túi của bà reo lên. Bà cầm điện thoại bước ra cửa “tám” một hồi rồi… đi luôn! Tôi đứng tần ngần một lúc lâu, bà chưa khám cho mẹ tôi mà? Hay là tôi nên chạy theo bà và nói là tôi đồng ý mua túi thức ăn, để bà không còn… bó tay với mẹ tôi nữa?

Người lao động

dịch vụ y tế, đột quỵ, tai biến, bảo hiểm y tế, bệnh viện đa khoa, huyết áp cao, tiểu đường, bất hợp tác, bệnh nhân tiểu đường, mất sức lao động, bó t


      © 2021 FAP
        3,331,396       295