Công nghệ thông tin

Phản ứng toàn cầu với IS

IS trở thành nhóm khủng bố giàu nhất lịch sử khi mỗi ngày kiếm được hơn 3 triệu USD từ việc bán dầu

Các quan chức ngoại giao đến từ 30 nước nhóm họp tại Paris (Pháp) hôm 15-9 để bàn chiến lược đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

40 nước gia nhập liên minh

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng IS là mối đe dọa toàn cầu nên cần một phản ứng toàn cầu. Như để chứng minh cam kết này, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cùng ngày cho biết Paris đã bắt đầu các chuyến bay do thám IS trên bầu trời Iraq.

Trong khi đó, Tổng thống Iraq Fuad Masum hy vọng hội nghị ở Paris sẽ mang đến “phản ứng nhanh chóng” để dập tắt ý đồ thành lập đế chế Hồi giáo của IS. “Học thuyết của IS là hoặc theo họ hoặc bị tiêu diệt. Nhóm này đã gây ra nhiều vụ thảm sát, diệt chủng và thanh lọc sắc tộc” - ông Masum cảnh báo.

Tuyên bố chung sau hội nghị “ủng hộ chính phủ mới của Iraq trong cuộc chiến với IS… bằng bất cứ biện pháp nào cần thiết, kể cả hỗ trợ quân sự phù hợp”. Tuy nhiên, tuyên bố không đả động đến Syria.

Tổng thống Pháp Francois Hollande (phải) và người đồng cấp Iraq Fuad Masum tại hội nghị ở Paris hôm 15-9Ảnh: Reuters

Tổng thống Pháp Francois Hollande (phải) và người đồng cấp Iraq Fuad Masum tại hội nghị ở Paris hôm 15-9

Ảnh: Reuters

Trong khi đó, nhà chức trách Indonesia vừa bắt 4 người nước ngoài bị nghi có liên hệ với IS tại đảo Sulawesi. Cùng ngày 15-9, một thanh niên 20 tuổi người Đức tên Kreshnik Berisha đã ra tòa ở TP Frankfurt với cáo buộc là thành viên IS.

Ngoài ra, theo Itar-Tass, IS đã trở thành nhóm khủng bố giàu nhất lịch sử khi mỗi ngày kiếm được hơn 3 triệu USD từ việc bán dầu. Hiện IS kiểm soát 11 khu khai thác dầu ở Syria và Iraq.

Hội nghị ở Paris diễn ra ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kết thúc chuyến công du Trung Đông để tìm kiếm sự ủng hộ cho kế hoạch đối phó IS mà Tổng thống Barack Obama công bố tuần rồi.

Có mặt ở Paris, ông Kerry tuyên bố nỗ lực của Washington được các nước trong khu vực ủng hộ mạnh mẽ. Đài BBC dẫn nguồn giới chức Mỹ tiết lộ một số nước Ả Rập đã đề nghị tham gia không kích IS ở Iraq nhưng nói thêm phải được Baghdad chấp thuận.

Ngoài ra, khoảng 40 nước đồng ý tham gia liên minh do Mỹ đứng đầu. Riêng Thủ tướng Anh David Cameron hôm 14-9 đã bóng gió về khả năng London tham gia không kích sau khi IS chặt đầu con tin người Anh.

Nói không với Syria, Iran

Một lần nữa, Ngoại trưởng Kerry khẳng định Mỹ sẽ không hợp tác với chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Không những thế, theo đài Press TV, ông Obama còn đe dọa xóa sổ hệ thống phòng không Syria và lật đổ chính quyền nước này nếu Tổng thống Assad ra lệnh bắn máy bay Mỹ đi vào không phận Syria để ném bom các mục tiêu IS.

Thái độ này có thể lý giải cho sự vắng mặt của Syria tại hội nghị ở Paris. Ngoài ra, Washington còn phản đối Iran bởi “sự can dự của nước này vào Syria và những điểm nóng khác”.

Đáp lại, cố vấn tổng thống Syria Bouthaina Shaaban cho rằng Mỹ đã phạm sai lầm lớn khi cấm cửa Syria. Trước đó, Syria và một số đồng minh, trong đó có Nga, cảnh báo bất kỳ hành động quân sự đơn phương nào của Mỹ sẽ vi phạm chủ quyền Damascus.

Không hài lòng vì bị gạt ra rìa, Iran cũng chỉ trích hội nghị ở Paris chỉ mang tính hình thức. “Cách tốt nhất để chống IS và khủng bố trong khu vực là tăng cường sức mạnh cho các chính phủ Iraq và Syria. Iran không chờ đợi một liên minh quốc tế hình thành mà vẫn đang thực hiện bổn phận của mình” - Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian tuyên bố.

Phiến quân công nghệ cao

Theo báo The New York Times, các cơ quan tình báo phương Tây đang lo ngại khả năng IS sử dụng các công cụ hiện đại - như video được quay bởi máy bay không người lái hoặc những thông điệp đa ngôn ngữ trên mạng xã hội Twitter - để tuyển mộ thành viên, dọa nạt kẻ thù và thúc đẩy thành lập cái gọi là đế chế Hồi giáo cho mọi tín đồ Hồi giáo trên thế giới.

Một điểm đáng chú ý là chiến dịch tuyên truyền của IS cho đến giờ không có nhiều lời kêu gọi tấn công phương Tây, ngay cả khi nhóm này dọa khiến người Mỹ đổ máu trong video chặt đầu phóng viên James Foley. Điều này được lý giải là IS đang muốn tập trung vào mục tiêu tối thượng: bảo vệ và mở rộng “đế chế Hồi giáo”. Điều này khác hẳn với ưu tiên lâu nay của mạng lưới al-Qaeda là tấn công phương Tây.

Người lao động

Iran, Syria, Barack Obama, Bashar al-Assad, Iraq, máy bay không người lái, François Hollande, John Kerry, Fuad Masum, không kích IS


      © 2021 FAP
        3,222,763       315