Công nghệ thông tin

NATO cứng rắn hơn với Nga

Cố vấn tổng thống Ukraine cho rằng Kiev không có lối thoát nào ngoài chấp nhận kế hoạch hòa bình của Tổng thống Nga Vladimir Putin

Hội nghị Thượng đỉnh NATO khai mạc ngày 4-9 ở Newport, Xứ Wales - Vương quốc Anh và kéo dài 2 ngày với sự tham gia của 28 nước thành viên, 27 quốc gia đối tác và tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới...

Ủng hộ Ukraine

Нội nghị được đánh giá là cuộc gặp mặt quan trọng nhất của các nhà lãnh đạo NATO trong hơn 10 năm qua. Đề tài thảo luận chủ yếu là cuộc khủng hoảng ở Ukraine, tình hình Syria, Iraq, Afghanistan và sự trỗi dậy của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Kế hoạch thành lập lực lượng phản ứng nhanh với khoảng 4.000 quân dự kiến được thông qua - với mục đích ban đầu nhằm bảo vệ đồng minh, trước hết là các nước vùng Baltic đang lo ngại “sự xâm lược từ phía Nga”.

Tại phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh NATO, các nhà lãnh đạo phương Tây đã chỉ trích Nga có tác động “gây bất ổn” lên cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Họ cũng cảnh báo rằng sức ép lên Moscow sẽ gia tăng nếu nước này không thay đổi chính sách đối với Kiev.

Ngoài ra, tất cả 28 nhà lãnh đạo các nước NATO đồng ý gặp gỡ Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko để biết Kiev mong muốn nhận được sự ủng hộ như thế nào. NATO cũng thảo luận các phương cách khả thi để trợ giúp Ukraine về mặt tài chính.

Lãnh đạo các nước họp bàn về tình hình Ukraine ở Newport, Wales hôm 4-9. Từ trái sang: Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Ý Matteo Renzi Ảnh: REUTERS

Lãnh đạo các nước họp bàn về tình hình Ukraine ở Newport, Wales hôm 4-9.

Từ trái sang: Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko,

Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Đức Angela Merkel

và Thủ tướng Ý Matteo Renzi. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, hãng tin Newsru nhận định đây chỉ là cuộc gặp mang tính biểu tượng bởi Phó Tổng Thư ký NATO Alexander Vershbow từng bộc lộ quan điểm không can thiệp trực tiếp vào xung đột ở Ukraine. Thêm vào đó, NATO không có kế hoạch thảo luận vấn đề kết nạp hay cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Kế hoạch của ông Putin

Theo hãng tin RIA Novosti ngày 4-9, Tổng Thư ký Anders Fogh Rasmussen tuyên bố NATO hoan nghênh kế hoạch hòa bình gồm 7 bước của Tổng thống Nga Vladimir Putin để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ông Rasmussen nhấn mạnh: “Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Nga rút quân ra xa biên giới với Ukraine và tích cực tham gia tiến trình hòa bình trong khu vực”. Ngoài ra, ông lưu ý NATO vẫn để ngỏ các kênh chính trị và ngoại giao nhằm ủng hộ mối quan hệ qua lại với Nga.

Nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki tuyên bố kế hoạch của Tổng thống Putin phải được củng cố bằng hành động, đồng thời Nga phải chấm dứt hỗ trợ phe ly khai Ukraine cũng như rút quân khỏi Ukraine. EU cũng đánh giá cao nỗ lực của Nga trong việc tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng, theo Ủy viên đối ngoại EU Catherine Ashton.

Kế hoạch của ông Putin yêu cầu quân đội Ukraine rút quân khỏi các thành phố ở Donbass, ngưng tấn công phe ly khai, thiết lập hành lang nhân đạo và để cộng đồng quốc tế giám sát lệnh ngừng bắn.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh sáng kiến của Tổng thống Putin nhằm giúp Kiev và miền Đông Nam Ukraine phối hợp hành động để xuống thang xung đột. Ông cũng quả quyết Nga sẵn sàng cùng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) - trong khuôn khổ nhóm tiếp xúc - trợ giúp các bên xung đột ổn định tình hình.

Báo Vzglyad đưa tin cố vấn tổng thống Ukraine, ông Sergei Kunitsyn, cho rằng Kiev không có lối thoát nào ngoài việc chấp nhận kế hoạch của Tổng thống Putin.

Tuy nhiên, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yasenyuk chỉ trích mục đích của kế hoạch này là cứu phe ly khai thân Nga. Theo hãng tin Interfax-Ucraina, mở đầu cuộc họp chính phủ hôm 3-9, ông Yasenyuk tuyên bố Ukraine cần học thuyết quân sự mới, trong đó xác định Nga là “quốc gia xâm lược”.

Al-Qaeda quyết đọ sức với IS

Chính phủ Ấn Độ hôm 4-9 đã ra lệnh tăng cường báo động tại một số bang sau khi thủ lĩnh mạng lưới khủng bố Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri thông báo lập một chi nhánh ở nước này để “giương cao ngọn cờ thánh chiến” khắp Nam Á.

Một quan chức Ấn Độ nói với Reuters rằng New Delhi tin đoạn video phát thông báo nêu trên là thật, đồng thời xem đây là mối đe dọa nghiêm trọng. Tuy nhiên, hiện chưa rõ nước này sẽ chuẩn bị những gì để đối phó với Al-Qaeda. Trong đoạn video dài 55 phút nói trên, Zawahiri có nhắc đến Gujarat, bang quê nhà của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Hiện chưa có bằng chứng về sự hiện diện của Al-Qaeda ở Ấn Độ, đồng thời báo The Washington Post nhận định không dễ để mạng lưới này “vươn vòi” sang Nam Á bởi chính phủ các nước trong khu vực, nhất là Ấn Độ và Bangladesh, đang tăng cường hợp tác chống khủng bố.

Theo Reuters, thời điểm công bố và nội dung đoạn video cho thấy cuộc đối đầu ngày một gia tăng giữa Al-Qaeda và IS trong việc tranh giành ảnh hưởng trên thế giới mà Nam Á có thể là địa bàn mới nhất.

Theo một số nguồn tin, những tờ rơi kêu gọi ủng hộ IS đã được phân phát ở Pakistan và Afghanistan - địa bàn truyền thống của Al-Qaeda - gần đây. Một số phe phái cứng rắn của Taliban đã thề trung thành với Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh IS.

IS cũng không ngần ngại lấn lướt “che mờ” đàn anh, như liên tiếp công bố video hành quyết các nhà báo Mỹ, đồng thời đe dọa xử tử tiếp một công dân Anh.

Lực lượng đặc nhiệm SAS (Anh) đã xác định được nạn nhân này và đang sẵn sàng chiến dịch giải cứu cũng như tiêu diệt tên đao phủ xuất hiện trong đoạn video - được cho là một rapper người Anh có biệt danh Jihadi John.

Sự tàn bạo của IS dường như không có điểm dừng. Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) hôm 4-9 cho hay họ đã sát hại ít nhất 770 binh sĩ Iraq khi chiếm một căn cứ quân sự ở phía Bắc thủ đô Baghdad hồi tháng 6.

Lo ngại sự trỗi dậy này, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là nước mới nhất lên tiếng hỗ trợ cộng đồng quốc tế chống lại tham vọng khôi phục cái gọi là Đế chế Hồi giáo của IS.

Phương Võ

Người lao động

Barack Obama, Vladimir Putin, Liên Hiệp Quốc, Hội nghị thượng đỉnh NATO, Liên minh châu Âu, chống khủng bố, miền Đông Ukraine, quân đội Ukraine, Petro


      © 2021 FAP
        3,252,845       35