Sau những ý kiến trái chiều về ĐH vì mục tiêu lợi nhuận và phi lợi nhuận, các chuyên gia giáo dục, lãnh đạo trường ĐH cho rằng cần hoàn thiện khung pháp lý để trường tư nâng cao chất lượng, đóng góp cho xã hội
Tại buổi tọa đàm “Lợi nhuận và phi lợi nhuận trong giáo dục” ngày 4-9 do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của các trường ĐH: Đông Á, Duy Tân và Phan Châu Trinh, nhiều chuyên gia giáo dục nhìn nhận lại nguyên nhân của những lùm xùm xảy ra tại một số trường tư thục thời gian vừa qua và cho rằng dù là mô hình lợi nhuận hay phi lợi nhuận thì các trường ĐH phải vì người học.
Không có ĐH phi lợi nhuận?
Tọa đàm “nóng” ngay từ phút đầu tiên khi các chuyên gia thẳng thắn nhìn nhận thực trạng của trường ĐH phi lợi nhuận và lợi nhuận tại Việt Nam hiện nay. TS Dương Tấn Diệp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính, cho rằng trường phi lợi nhuận không có chủ sở hữu và cổ đông. “Quan điểm của tôi là phi lợi nhuận hay lợi nhuận đều tốt vì bản chất các trường phi lợi nhuận không phải là không có lợi nhuận. Chúng ta cứ nghĩ rằng giáo dục mà vì lợi nhuận là không tốt nhưng thực tế phải có lợi nhuận mới phát triển được” - TS Diệp nói.
Còn theo GS Phạm Phụ, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM, đến nay và sau 10 năm nữa, Việt Nam không thể có trường ĐH phi lợi nhuận do hành lang pháp lý chưa rõ ràng. Những vụ lùm xùm vừa qua ở một số trường ĐH tuyên bố phi lợi nhuận đã ảnh hưởng xấu đến trường ngoài công lập. Chỉ khi nào trường không có cổ đông, tài sản là của cộng đồng, không chia lợi nhuận cho ai và trường vận hành bằng hội đồng tín thác thì lúc đó mới có ĐH phi lợi nhuận tại Việt Nam.
TS Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Á, nhận định chuyện phi vụ lợi - vụ lợi đã tồn tại từ lâu và việc có lùm xùm kéo dài ở một số trường do vị trí quản lý cấp cao trong giáo dục thường có học hàm, học vị, địa vị xã hội cao nên nhiều người ỷ lại, nhân danh, tạo cớ cho sự vô tổ chức.
Để hướng đến mô hình phi lợi nhuận trong tương lai, GS Phụ cho rằng người Việt cần hình thành văn hóa cho, tặng đồng thời nhà nước cần xây dựng các chính sách hỗ trợ, giảm thuế cho các mạnh thường quân. Trước mắt, Việt Nam cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng và cho trường ĐH tư vận hành như một doanh nghiệp nhằm tránh sự hiểu lầm, mâu thuẫn giữa ban giám hiệu và hội đồng cổ đông.
Là luật sư nhiều năm công tác và tư vấn tại Mỹ, TS Nguyễn Ngọc Hải, giảng viên Khoa Luật - Kinh tế Trường ĐH Nam Cần Thơ, nhấn mạnh khái niệm lợi nhuận và phi lợi nhuận trong giáo dục không cái nào có hại nếu chúng ta có luật, có những nhà đầu tư dù tìm kiếm lợi ích nhưng vẫn giữ đạo đức trong quy chuẩn cho phép. Nếu nhà đầu tư có lợi nhuận, rồi dùng tiếp lợi nhuận để tái đầu tư cho cộng đồng thì rất đáng hoan nghênh.
Xung đột lợi ích
PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật TP HCM, nêu thực trạng rằng khi một trường ĐH hoạt động hiệu quả và có lợi nhuận thì sẽ xảy ra hiện tượng xung đột lợi ích. Hiện tượng này không diễn ra ở các nước tiên tiến mà lại xảy ra ở Việt Nam.
Dưới góc độ nghiên cứu về luật, PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện cho rằng Luật Giáo dục ĐH quy định các trường tư có HĐQT là cơ quan đại diện của các chủ sở hữu. Từ bản năng đi tìm kiếm lợi ích, người ta sẽ có xu hướng phát triển ĐH theo hướng lợi nhuận khiến cho cách nhìn nhận về HĐQT bị méo mó.
Từng tư vấn tài chính cho một số trường tư thục, TS Trần Vinh Dự - Tổng Giám đốc TNK Capital, Chủ HĐQT Trường CĐ Việt Mỹ - cho rằng tại Việt Nam, khi doanh nghiệp thành lập, người sáng lập được coi như là cha đẻ của doanh nghiệp. Nhưng trong quá trình hoạt động, cần có các cổ đông bên ngoài đưa tiền vào để phát triển. Đến lúc nào đó, cổ đông và trong nhiều trường hợp, nhà sáng lập bị đẩy vào cảnh không còn sở hữu bao nhiêu. Mâu thuẫn này xảy ra khi những người sáng lập doanh nghiệp và hội đồng cổ đông không còn tiếng nói chung. Những cuộc đấu đá đó kéo dài thường xuyên. Theo TS Dự, vấn đề này không liên quan đến lợi nhuận hay phi lợi nhuận. Đó là ý niệm sở hữu.
Tìm hướng đi cho trường tư
“Trên thế giới, ở các trường ĐH phi lợi nhuận, những nhà đầu tư không thành lập trực tiếp trường mà đầu tư vào một quỹ có tư cách pháp nhân. Quỹ này như vách ngăn, làm cho môi trường giáo dục thuần khiết. Không có khái niệm lợi nhuận hay phi lợi nhuận trong ĐH. ĐH chỉ là cơ sở đào tạo giáo dục. Trong khi ở Việt Nam không có quỹ đó, không có bức tường ngăn cách nên các nhà đầu tư vươn tay, tìm kiếm lợi nhuận trong giáo dục khiến mọi người nhìn vào bức tranh ĐH tư thục rất méo mó. Phải sửa luật về ĐH, nếu cứ thế này thì không có trường phi lợi nhuận” - PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện nói.
Đồng quan điểm, GS Phạm Phụ cho rằng quỹ đầu tư này phải được vận hành bằng một hội đồng, ở đó có những người được ủy thác và những người có chuyên môn cao, uy tín. Hội đồng chỉ ra nghị quyết trong hội đồng và là hội đồng ủy thác chứ không phải là những người góp vốn.
“Chúng ta có một cơ chế đúng thì giải quyết được tất cả vấn đề này, không nhìn toàn cảnh một cách bi quan. Trong giáo dục, nếu phi lợi nhuận đúng nghĩa sẽ tạo ra sức mạnh vô biên cho sự phát triển của quốc gia. Quan niệm của tôi là rạch ròi giữa tinh thần lợi nhuận và phi lợi nhuận nhưng phải có cơ chế để không lùm xùm” - TS Nguyễn Ngọc Hải nói.
Ở một góc độ khác, GS Phạm Phụ cho rằng muốn hình thành một trường ĐH phi lợi nhuận thì phải hình thành truyền thống và văn hóa cho, tặng kèm với cơ chế của nhà nước, chẳng hạn khi có tài sản cho, tặng trong giáo dục thì không phải đóng thuế.
Mở con đường mới
Theo nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Phan Châu Trinh, dựa vào nguồn lực tài chính chia các trường ĐH ngoài công lập thành 2 loại: Một là các trường thuộc tập đoàn, không lo thiếu vốn. Hai là những trường tư ra đời hơn 20 năm nay, đã tạo được nguồn vốn tương đối lớn. Vấn đề ở đây không xuất phát từ việc bất vụ lợi hay vụ lợi mà liên quan đến sự xung đột quyền lực giữa các cổ đông đối vốn trong trường. Do đó, ông Nguyên Ngọc cho rằng đối với trường tư như Trường ĐH Phan Châu Trinh, nên chuyển dần sang mô hình không có cổ đông. Ngoài ra, nhà nước nên thay đổi hành lang pháp lý, có loạt chính sách để quản lý trường tư, đồng thời các trường liên kết quỹ giáo dục và tránh đối vốn bằng cách đi vay để có thêm vốn nhằm thiết kế thành mô hình mới. “Những trường đối vốn đều lỗ, chúng tôi phải tránh con đường đó” - ông Nguyên Ngọc khẳng định.
Không nên đối chọi lợi nhuận và phi lợi nhuận
TS Nguyễn Thị Anh Đào dẫn lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị gần đây cho rằng giáo dục hay y tế là dịch vụ đặc biệt, liên quan đến con người thì không thể coi như doanh nghiệp. Cần khuyến khích tính tự chủ của ĐH, lợi nhuận hay phi lợi nhuận dù công hay tư cũng cần tính lãi, vấn đề là xử lý lãi đó bằng cách chia hay tái đầu tư. “Qua đó, tôi nhận thấy rằng phải đặt vấn đề khái niệm phi lợi nhuận, lợi nhuận nguyên nhân từ đâu. Mâu thuẫn từ vài trường cho thấy lợi nhuận hay phi lợi nhuận không cần đối chọi, cái nào sang hơn cái nào mà phải xét đến hiệu quả trường đó đem lại cho xã hội” - TS Đào nói.