Công nghệ thông tin

Tội ác quá khủng khiếp!

Thủ tướng Úc Tony Abbott cho rằng nếu vụ máy bay rơi ở miền Đông Ukraine là tội ác thì đó là “tội ác quá khủng khiếp!”

Cả thế giới sốc nặng trước vụ chiếc máy bay số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) rơi ở miền Đông Ukraine hôm 17-7. Nguyên nhân thảm kịch còn tranh cãi nhưng tình báo Mỹ cho rằng máy bay có thể đã trúng tên lửa đất đối không.

Tìm thấy 2 hộp đen

Thông tin mới nhất cho biết toàn bộ 298 người, gồm 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn, đều thiệt mạng. Danh tính nạn nhân chưa được công bố nhưng theo đài BBC, có 173 người Hà Lan, 44 người Malaysia (gồm tất cả phi hành đoàn), 27 người Úc, 12 người Indonesia, 9 người Anh, 4 người Đức, 4 người Bỉ, 3 người Philippines, 1 người Canada...

Bộ Nội vụ Ukraine nói có 23 người Mỹ trên máy bay nhưng Washington chưa xác nhận. Ngoài ra, theo một nguồn tin chưa kiểm chứng, có 100 nhà nghiên cứu AIDS, nhà hoạt động và nhân viên y tế có mặt trên MH17 - bao gồm người phát ngôn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - để bay đến Melbourne - Úc dự một hội nghị AIDS toàn cầu.

80 trẻ em được cho là nằm trong số các nạn nhân. Hiện các nhân viên cứu hộ đã tìm thấy 181 thi thể nạn nhân tại hiện trường và đang chuyển tất cả về thành phố Kharkiv gần đó.

Trong khi đó, lực lượng ly khai cho biết đã tìm thấy hộp đen thứ hai của MH17 hôm 18-7. Chiếc đầu tiên được phát hiện một ngày trước và đã đưa sang Nga, theo hãng tin Interfax. Điều này đe dọa dẫn đến tranh cãi về tiến trình điều tra, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama yêu cầu các bằng chứng phải được giữ lại ở Ukraine.

Hiện trường tai nạn - gần thị trấn Grabovo ở vùng Donetsk, cách biên giới Nga 40 km - hiện do phe ly khai kiểm soát nên chưa rõ ai sẽ phân tích 2 hộp đen. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định Moscow không có ý định giữ các hộp đen của MH17 vì làm vậy là vi phạm luật pháp quốc tế. “Trách nhiệm điều tra thuộc về Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và các quốc gia liên quan trực tiếp - như Hà Lan, Malaysia hay các nước có công dân tử nạn và dĩ nhiên là Ukraine” - ông Lavrov nói.

Một phụ nữ có chị gái đi trên chuyến bay MH17 chờ tin trong nước mắt ở sân bay Kuala Lumpur - Malaysia hôm 18-7 Ảnh: REUTERS

Một phụ nữ có chị gái đi trên chuyến bay MH17 chờ tin trong nước mắt

ở sân bay Kuala Lumpur - Malaysia hôm 18-7. Ảnh: REUTERS

Một nỗi lo khác là hiện trường tai nạn đang bị xáo trộn bởi sự có mặt của các tay súng ly khai, dân địa phương và phóng viên. Những vấn đề trên khiến Liên Hiệp Quốc và nhiều quốc gia kêu gọi nhanh chóng mở cuộc điều tra quốc tế toàn diện và minh bạch.

Đáp lại, phe ly khai cam kết bảo vệ hiện trường, cho phép các nhà điều tra quốc tế tiếp cận nơi này và việc thu thập thi thể nạn nhân.

Ngày đen tối

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ra lệnh treo cờ rủ ở các tòa nhà chính phủ trên toàn quốc, đồng thời nhận định 17-7 là “ngày đen tối” của đất nước và tuyên bố 18-7 là ngày quốc tang.

Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết ông bị sốc khi hay tin thảm họa và nhận định 2014 là năm bi kịch của Malaysia. Nước này vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ mất tích bí ẩn của chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của MAS hôm 8-3.

Cùng Thủ tướng Dmitry Medvedev gửi lời chia buồn với Malaysia, mặt khác Tổng thống Nga Vladimir Putin điện đàm với thủ tướng Hà Lan và kêu gọi điều tra "kỹ lưỡng và không thiên vị". Riêng Thủ tướng Úc Tony Abbott cho rằng nếu vụ rơi máy bay là tội ác thì đó là “tội ác quá khủng khiếp!”.

Ngay sau vụ việc, Kiev tuyên bố đóng cửa không phận tại Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine. Một số hãng hàng không như Lufthansa (Đức), Air France (Pháp), Aeroflot và Transaero (Nga), Turkish Airlines (Thổ Nhĩ Kỳ) thông báo tránh xa không phận Ukraine. Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cũng cấm các máy bay dân sự nước này bay qua không phận miền Đông Ukraine.

Một câu hỏi lớn được đặt ra là tại sao MH17 lại bay qua không phận gần biên giới Ukraine - Nga bất chấp tình hình bất ổn  leo thang. Tại cuộc họp báo hôm 18-7, Thủ tướng Malaysia Razak khẳng định đường bay trên đã được ICAO tuyên bố an toàn. Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế cũng xác nhận không phận mà MH17 đi qua không bị hạn chế.

Chuyên gia hàng không Norman Shanks cho biết giới chức hàng không một số nước, trong đó có FAA, từng cảnh báo không bay qua một số vùng của Ukraine nhưng nhiều hãng - trong đó có MAS đang gặp khó khăn - tiếp tục sử dụng đường bay trên để tiết kiệm nhiên liệu và thời gian. 

VNA tránh hẳn không phận Ukraine

Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) cho biết ngay sau khi được thông báo về chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi tại Ukraine, hãng tiếp tục điều chỉnh các chuyến bay qua khu vực này. Cụ thể, 4 chuyến đi châu Âu cất cánh trong ngày 17-7, gồm từ Hà Nội đi Frankfurt (Đức - VN37)/Paris (Pháp - VN17)/London (Anh - VN55) và từ TP HCM đi Paris (VN11), đã tạm dừng để điều chỉnh đường bay và xin phép bay theo hướng tránh hoàn toàn không phận Ukraine. Do được chuẩn bị trước nên việc xin phép bay theo không phận mới diễn ra nhanh chóng. Sáng sớm 18-7, các chuyến bay nói trên khởi hành, chậm từ 3 giờ 25 phút đến 5 giờ 10 phút so với kế hoạch. Theo đại diện VNA, đây là đợt điều chỉnh thứ hai của hãng kể từ khi nổ ra khủng hoảng Ukraine. Trước đó, hãng chủ động điều chỉnh đường bay tránh vùng chiến sự.

Liên quan đến cơn bão Rammasun, VNA điều chỉnh các đường bay đi Đông Bắc Á trong các ngày từ 17 đến 19-7. Cơn bão có thể gây ảnh hưởng đến các sân bay Cát Bi (Hải Phòng), Nội Bài (Hà Nội), Sao Vàng (Thanh Hóa) trong ngày 19-7.

T.Hà

Người lao động

Barack Obama, Vladimir Putin, Liên Hiệp Quốc, Sergey Lavrov, rơi máy bay, hộp đen, bắn rơi máy bay, Tony Abbott, Malaysia Airlines, miền Đông Ukraine,


      © 2021 FAP
        3,143,031       1,677