Công nghệ thông tin

Việt Nam cấp phép cho máy bay Trung Quốc vào tìm kiếm

(NLĐO)- Ngày 11-3, Việt Nam đã chấp thuận cho 1 máy bay Trung Quốc vào tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích, sau khi đã cấp phép cho 3 tàu chiến Trung Quốc vào tìm kiếm, trong đó có tàu đổ bộ lớn nhất của hải quân nước này.

Tàu đổ bộ Tĩnh Cương Sơn của Trung Quốc - Ảnh minh họa từ internet

Chiếc tàu đổ bộ cùng loại với tàu đổ bộ Tĩnh Cương Sơn của Trung Quốc - Ảnh minh họa từ internet

Thông tin từ Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn Hàng không cho biết, sáng nay 11-3, Trung Quốc đã xin phép được điều thêm 1 máy bay từ Hải Nam xuống khu vực tìm kiếm chiếc máy bay số hiệu MH370 bị mất tích của Malaysia. Đề nghị này đã được chấp thuận.

Việt Nam đã cho phép Trung Quốc tăng cường thêm máy bay vào không phận Việt Nam để hỗ tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích.

Cũng trong sáng 11-3, có thêm nhiều quốc gia khác như Úc, Anh, Pháp cùng đề nghị cử phương tiện tham gia tìm kiếm chiếc máy bay MH370 trong không phận Việt Nam

Trước đó, ngày 10-3, theo đề nghị của Trung Quốc, Việt Nam cũng đã cấp phép cho 3 tàu Trung Quốc, trong đó có tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn (số hiệu 999) và 2 tàu chiến Miên Dương (528) và tàu chiến Hải Khẩu. Trong đó tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn là tàu đổ bộ mới nhất và lớn nhất của Trung Quốc với chiều dài 210 m, rộng 28 m, trọng lượng 19.000 tấn. Tàu mang theo 2 trực thăng, 10 thợ lặn, 52 lính thủy đánh bộ và các nhân viên y tế.

Tại sở chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn hàng không Việt Nam sáng 11-3, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đã đưa ra nhận định về các tình huống máy bay MH370 mất tích. Theo hành trình, chiếc Boeing 777-200 số hiệu MH370 ra khỏi vùng thông báo bay (FIR) Malaysia, vào vùng FIR Singapor và tiếp theo là FIR TP HCM (Việt Nam).

Chiếc Boeing 777-200 khi mất tích được xác định là đang bay ở độ cao hơn 35.000 feet (khoảng hơn 10.000 m), thuộc vùng FIR Singapore nhưng lại do đài không lưu Malaysia điều hành bay.

Ở đây có sự thỏa thuận từ trước của nhà chức trách hàng không 2 nước về điều hành không lưu. Theo đó, phía Malaysia sẽ điều hành các chuyến bay của Malaysia thay cho Singapore vì khu vực này có diện tích nhỏ. Trước khi bay đến FIR, tổ bay phải thực hiện chuyển vùng thông báo bay.

Vì vậy, tại thời điểm mất tích, máy bay MH370 hoàn toàn nằm trong sự điều hành của đài không lưu Malaysia, cả Singapore và Việt Nam đều chưa kiểm soát được máy bay này.

Đã có giả thiết đưa ra là máy bay nổ ở trên không. Cục Hàng không Việt Nam nhận định nếu tình huống này xảy ra với MH370 thì chứng tích các mảnh vỡ sẽ rơi vương vãi dưới biển hoặc đất liền. Tuy nhiên, cho đến hôm nay (11-3) vẫn không tìm thấy dấu vết nào là mảnh vỡ của máy bay nên giả thiết đó là không có cơ sở.

Về dấu hiệu máy bay bị tấn công, Sở Chỉ huy cho biết đến sáng 11-3, thông tin trao đổi giữa cơ quan điều tra của các nước đều chưa tìm thấy nhiều bằng chứng. Tuy nhiên, khả năng này không bị loại trừ, tuy nhiên cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục làm rõ và không bỏ sót bất cứ chi tiết nào liên quan đến chiếc máy bay MH370.

Người lao động

mất tích, cứu hộ, máy bay, tai nạn máy bay, cứu nạn, Malaysia Airlines, Boeing 777


      © 2021 FAP
        3,144,231       1,228