Công nghệ thông tin

Hai con người vĩ đại

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp thu rất nhanh và vận dụng sáng tạo những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện thực hóa tư tưởng của Người để mang lại những thắng lợi vĩ đại cho cách mạng Việt Nam

“Chú ra mặt trận, tướng quân tại ngoại, có toàn quyền quyết định. Trận này rất quan trọng. Chú nhất định phải thắng. Chắc thắng thì đánh, không chắc thắng, không đánh” - lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi trao quyền Tổng Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp thể hiện niềm tin tuyệt đối của Bác vào tài thao lược của nhà quân sự - người con của đất Quảng Bình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy Chiến dịch biên giới 1950. Ảnh: TƯ LIỆU
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy Chiến dịch biên giới 1950. Ảnh: TƯ LIỆU

Từ cuộc gặp định mệnh...

So với các ông Trường Chinh và Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh muộn hơn. Tháng 5-1940, Võ Nguyên Giáp khi đó đang là thầy giáo dạy sử của Trường Thăng Long rời Hà Nội cùng Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc gặp Bác Hồ. Trước đó, dù là đảng viên của Đảng Tân Việt nhưng Võ Nguyên Giáp đã tiếp thu những tư tưởng cộng sản, bằng chứng là những bài báo thể hiện quan điểm, tư tưởng về đấu tranh giai cấp của công nhân, nông dân cũng như vai trò của trí thức mà ông viết với bút danh Vân Đình.

Khi được gặp Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp đã nhìn thấy con đường tươi sáng để giải phóng dân tộc. Ông biết rằng chắc chắn sẽ phải hy sinh, mất mát rất nhiều song cuộc gặp định mệnh ấy đã khiến Võ Nguyên Giáp từ bỏ Đảng Tân Việt để chính thức đứng trong hàng ngũ những người cộng sản. Với lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngay từ lần gặp trực tiếp Võ Nguyên Giáp đầu tiên, Người đã đánh giá cao trí tuệ uyên thâm, mẫn tiệp và đặc biệt là nhiệt tình cách mạng của Võ Nguyên Giáp. Giữa hai con người vĩ đại của dân tộc Việt Nam như có một mối dây liên kết kỳ lạ ngay từ lần gặp đầu tiên.

Năm 1941, Bác Hồ và những nhà cách mạng khác từ Trung Quốc trở về Việt Nam và chọn Pác Bó (Cao Bằng) làm căn cứ địa để phát triển phong trào cách mạng. Tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp càng được gần gũi Bác Hồ nhiều hơn. Đây là một trong những thời kỳ lạc quan cách mạng nhất của Võ Nguyên Giáp. Ở Pác Bó, Võ Nguyên Giáp được Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ phát triển phong trào cách mạng tại vùng Cao - Bắc - Lạng. Đầu năm 1942, Bác Hồ trở lại Trung Quốc và bị bắt. Trong suốt năm 1942-1943, hầu như Võ Nguyên Giáp không nắm được tin tức gì của Hồ Chí Minh. Tháng 9-1944, Bác Hồ được trả tự do và Người ngay lập tức về nước để lãnh đạo phong trào cách mạng.

Lúc này, phong trào cách mạng ở Cao - Bắc - Lạng lên rất cao. Võ Nguyên Giáp ngay lập tức xin chỉ thị của Bác Hồ phát động khởi nghĩa giành chính quyền ở khu vực này. Tuy nhiên, Bác Hồ cho rằng thời cơ cách mạng lúc này chưa chín muồi. “Chúng ta cần tổ chức một lực lượng vũ trang và lực lượng đó sẽ mang tên giải phóng quân” - Bác nói với Võ Nguyên Giáp. Chính gợi ý này tạo cho Võ Nguyên Giáp sự hứng khởi. Ngày 22-12-1944, theo chỉ thị của Bác Hồ, Võ Nguyên Giáp đã tập hợp và chọn được 34 đội viên để lập ra Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Ngay sau khi được thành lập, vào các ngày 23 và 25, đội vũ trang đầu tiên của Quân đội Việt Nam đã đánh thắng trận đầu, tiêu diệt hai đồn Phay Khắt và Nà Ngần của Pháp. Hai chiến thắng đã tạo tiếng vang và đẩy phong trào cách mạng ở vùng Cao - Bắc - Lạng lên cao. Hồ Chí Minh tiếp tục giao cho Võ Nguyên Giáp tập hợp, tổ chức lực lượng bằng cách đưa đội tuyên truyền giải phóng quân vào các bản làng, thôn xóm, lập ra các đội quân với tư tưởng nhất quán là tiến xuống phía Nam, tiến về vùng đồng bằng.

Cách mạng thành công vào tháng 8-1945, đúng như lời dự đoán thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1941, lập ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhà nước non trẻ ngay sau khi giành chính quyền đã đứng trước những thời khắc ngàn cân treo sợi tóc. Cùng với Hồ Chủ tịch, Võ Nguyên Giáp khi đó giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong chính phủ lâm thời đã làm đủ mọi cách để tìm kiếm nền hòa bình cho dân tộc Việt Nam nhưng người Pháp và người Mỹ đã bắt tay nhau nhằm thiết lập ý đồ của họ ở Đông Dương. Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nói: “Việt - Mỹ đã bỏ lỡ một cơ hội” chính là đề cập đến giai đoạn này.

... Đến những chiến thắng lừng lẫy năm châu

Chín năm kháng chiến chống Pháp là quãng thời gian Võ Nguyên Giáp thể hiện tầm vóc của một thiên tài quân sự ở cả tầm chiến lược, chiến dịch và chiến thuật dù ông không học qua một trường lớp quân sự nào. Từ thủ đô kháng chiến Việt Bắc, dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ cùng tài thao lược của Võ Nguyên Giáp, quân đội còn non trẻ của ta giành được những thắng lợi quan trọng trong các chiến dịch Thu Đông (1947), Biên giới, Đông Khê (1950). Đây cũng là giai đoạn quân đội có bước trưởng thành vượt bậc với các sư đoàn (khi đó gọi là đại đoàn) liên tiếp ra đời.

Ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp. Trong lễ phong hàm ngày 25-8-1948, Bác nói: “Nhân danh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng, để chú điều khiển binh sĩ, làm tròn sứ mệnh mà quốc dân giao phó”. Võ Nguyên Giáp trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng!

Giữa Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh có một mối tương giao kỳ lạ của học trò với người thầy, của người đồng chí luôn hiểu thấu tâm can nhau. Không cần nói ra nhưng Bác và Đại tướng luôn có chung một tầm nhìn, một tư duy. Từ đầu những năm 1950, Bác đã nhận định trong tương lai không xa Quân đội Việt Nam sẽ phải đối đầu với lực lượng quân sự rất mạnh của địch ở vùng Tây Bắc. Bác Hồ bảo Đại tướng Võ Nguyên Giáp hãy dành thời gian để nghiên cứu và tìm hiểu cặn kẽ cách đánh ở vùng địa thế hiểm yếu như Tây Bắc. Khi trình bày kế hoạch hoạt động năm 1953-1954 của Bộ Tổng Tham mưu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra những dự báo rất chính xác về việc Pháp đổ bộ bằng đường không với lính dù và những binh đoàn cơ động thiện chiến nhất của tập đoàn quân viễn chinh xuống vùng lòng chảo Điện Biên Phủ.

Điện Biên Phủ là trận đánh chứng tỏ thiên tài quân sự bẩm sinh, ý chí kiên định, không gì lay chuyển được của Võ Nguyên Giáp. Đó là ý chí của một con người siêu việt. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đại tướng cũng không bị sức ép vì ông có tư duy quân sự, chính trị độc lập, sáng tạo, đan nhuyễn vào nhau. Càng ở những thời khắc cam go, tư duy của Võ Nguyên Giáp càng trở nên sáng tạo. Quyết định chuyển từ cách “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” thể hiện sự tinh tường và bản lĩnh của vị tướng thiên tài. Sau này, Đại tướng nói rằng: “Đó là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của tôi”. Ông hiểu đằng sau mình là xương máu của hàng triệu người lính, của đồng bào.

Nếu đánh nhanh, thắng nhanh, quân ta sẽ thiệt hại lớn vì rơi đúng vào ý đồ của địch khi các vị trí pháo và quân chủ lực đều “lộ thiên”, địch sẽ dùng hỏa lực mạnh để đánh phủ đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” là “cây cột mốc vàng” và quả thực nếu thiếu Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì khó mà có “cây cột mốc vàng” ấy.

Sau chiến thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất với Bác Hồ cử cán bộ quân sự sang Liên Xô đào tạo. Đó cũng là một trong những nền tảng quan trọng cho quân đội và cách mạng Việt Nam sau này, giúp chúng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Điều đó cũng thể hiện tầm vóc của thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp.

Người lao động

Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Quân đội nhân dân Việt Nam, Chiến thắng Điện Biên Phủ


      © 2021 FAP
        3,146,376       829