Thể thao

Chung kết AFC Cup, tại sao không?

Tính đến nay, CLB Việt Nam tiến xa nhất ở đấu trường AFC Cup chính là B.Bình Dương khi từng vào bán kết 2009 (dừng bước trước Al-Karamah của Syria với tổng tỷ số 2-4).

Với thể thức thi đấu mới phân chia theo khu vực kể từ mùa 2017, so với trước, hiện Hà Nội và B.Bình Dương mới ở giai đoạn tứ kết nhưng đây là lần đầu tiên AFC Cup chứng kiến chung kết khu vực Đông Nam Á là cuộc chiến nội bộ của một quốc gia.

2 mùa trước, chính Hà Nội, Than QN và SLNA, Thanh Hóa đều sớm chia tay sân chơi châu lục dù các đối thủ cùng khu vực vòng bảng không quá mạnh. Sự quyết tâm, mạnh dạn tiến sâu của nhà ĐKVĐ V.League và Cúp QG năm nay rõ ràng từ khích lệ thành công của các ĐTQG ở cấp châu lục và nó cho thấy một khi ý thức màu cờ sắc áo, có tham vọng, được các “ông bầu” bật đèn xanh vươn ra biển lớn, với sân chơi AFC Cup các CLB Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng.

Cùng có mặt ở trận chung kết khu vực Đông Nam Á là cột mốc lịch sử nhưng không đồng nghĩa Hà Nội và B.Bình Dương là 2 CLB số 1 Đông Nam Á. Bởi không như đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup, ở AFC Cup 2019 không có các đại diện của Thai.League và Malaysia Super League (dự giải đấu cao nhất AFC Champions League). Để thực sự khẳng định vị thế và V.League có sự cải thiện lớn về thứ hạng, CLB đi tiếp phải đặt mục tiêu vượt qua cả vòng bán kết liên khu vực với đội đầu bảng Trung Á là Altyn Asyr, ĐKVĐ Turkmenistan, để có mặt ở trận chung kết liên khu vực (gặp một trong 2 đại diện Bắc Á April 25 của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên hoặc Nam Á Dhaka Abahani của Bangladesh). Rồi cuối cùng mới là trận chung kết thực sự của AFC Cup 2019 với đội vô địch khu vực Tây Á (Al-Jazeera của Jordan hoặc Al-Ahed của Lebanon). Tại sao không?

Đông Kha

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,032,758       210