Thể thao

Ấn tượng vòng bảng

Màn 1, màn dài nhất của VCK World Cup với 2/3 cảnh diễn (48/64 trận), đã khép lại trong sự hài lòng của người xem và mở ra những hứa hẹn nút thắt cao trào ở 4 màn tiếp theo.

Niềm vui chiến thắng của các cầu thủ Thụy Sĩ khi đoạt vé vào vòng loại trực tiếp sau trận hòa 2-2 với đối thủ Costa Rica trong lượt đấu cuối cùng của bảng E diễn ra tại Nizhny Novgorod, Nga, ngày 27-6
Niềm vui chiến thắng của các cầu thủ Thụy Sĩ khi đoạt vé vào vòng loại trực tiếp sau trận hòa 2-2 với đối thủ Costa Rica trong lượt đấu cuối cùng của bảng E diễn ra tại Nizhny Novgorod, Nga, ngày 27-6

* Hấp dẫn

Ngay khi sân khấu mở màn người ta đã chứng kiến cơn mưa bàn thắng của chủ nhà Nga dội vào lưới Saudi Arabia, rồi “bữa tiệc” thịnh soạn được 2 đội bán đảo Iberia dọn lên. Những ngày sau đó bất ngờ nối tiếp bất ngờ, có lúc đến nghẹt thở: Argentina bị Iceland cầm chân, gục ngã trước Croatia và chỉ bay qua cõi chết ở phút 86 trước Nigeria; Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha “chết đi sống lại” ở phút bù giờ bởi sự ngoan cường, quả cảm của 2 đại diện Á, Phi đã bị loại: Iran, Morocco; ứng cử viên số 1 Brasil cũng có trận ra quân vật vã trước Thụy Sĩ... Và “quả bom” lớn nhất là nhà ĐKVĐ Đức bị những cầu thủ ngậm sâm Hàn Quốc đá văng về nước...

Có thể nói, tại World Cup này khoảng cách giữa các đội đã thu hẹp đáng kể, nhờ sự chuẩn bị chu đáo của các “kèo dưới” cùng chiến thuật phòng ngự khu vực được nâng cấp ngày càng khoa học, chặt chẽ. Tuy nhiên, cuối cùng mọi thứ cũng trở về trật tự của nó. Ngoài Đức, cả 9 tên tuổi còn lại trong tốp 10 ứng cử viên sáng giá nhất cho chức vô địch đều đi tiếp, còn trong 16 đội vào vòng 1/8 mà các nhà cái dự đoán chỉ có 2 sai chạy là Thụy Điển thế chỗ Đức và Nhật Bản thay chân Ba Lan. Sân cỏ nước Nga vẫn còn nguyên hấp dẫn khi tất cả các ngôi sao đều còn hiện diện, trong số 20 diễn viên đắt giá nhất thế giới chỉ có Salah và Lewandowski sớm làm khán giả vì Ai Cập và Ba Lan quá yếu, còn lại từ Messi, Ronaldo, Neymar đến De Bruyne, Harry Kane, Hazard, Pogba... đều tiếp tục màn trình diễn.

Khoảng cách giữa châu Âu (10/14 đại diện vào vòng 1/8) và Nam Mỹ (4/5 đội) với phần còn lại dù thu hẹp nhưng vẫn còn đó. Châu Á chỉ có một đại diện duy nhất Nhật Bản “sống sót” nhờ... điểm fair-play, khu vực Concacaf cũng chỉ có Mexico; đáng tiếc nhất là châu Phi, nơi luôn mang đến những ẩn số, nhân tố bất ngờ thú vị, lần này lại không có một đại diện nào vượt qua được vòng bảng, trong đó gây tiếc nuối nhất là Đại bàng xanh Nigeria với những “viên ngọc đen” Mikel, Moses, Musa...

* VAR và penalty

Có thể nói đây là 2 “nhân vật” chính trên sân cỏ nước Nga ở kỳ World Cup này. Có tổng cộng 122 bàn thắng được ghi sau 48 trận vòng bảng, trung bình 2,54 bàn/trận, giảm 13 bàn so với 4 năm trước ở Brasil, nhưng các trận đấu tại World Cup 2018 hấp dẫn hơn khi chỉ có 1 trận duy nhất không có bàn thắng (Pháp - Đan Mạch) sau khi thiết lập kỷ lục 36 trận liên tiếp từ đầu giải lưới đều rung lên.

Đặc biệt số bàn thắng từ chấm 11m tăng đột biến với 18 pha lập công. Nguyên nhân là sự xuất hiện của công nghệ VAR, các trọng tài đã thổi tổng cộng 24 quả phạt đền - phá rất xa kỷ lục 18 quả penalty ở World Cup 2002, trong đó có 10 quả sau khi xem tham khảo VAR và tất cả đều là quyết định chính xác. VAR cũng giúp trọng tài thay đổi nhiều quyết định sai như công nhận bàn mở tỷ số của Hàn Quốc vào lưới Đức (trước đó cho là việt vị) hay phủ nhận quả phạt đền của Brasil sau khi xác định Neymar đóng kịch... Tuy nhiên, công nghệ mới này cũng gây ra rất nhiều tranh cãi, ngay cả với những người ủng hộ, vì nó giết chết những cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố vốn làm nên sức hấp dẫn của bóng đá.

Đông Kha

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,187,973       217