Thể thao

Văn hóa khán đài

Cuối tuần qua, chiếc cúp vô địch Premier League - giải vô địch quốc gia hấp dẫn nhất thế giới đã được chính thức trao cho Man City. Tuy nhiên, với tôi ấn tượng cảm xúc nhất không phải là hình ảnh đăng quang của đội bóng nhà giàu The Sky Blues tại Etihad mà là những lắng đọng trên sân Bet365 (tên cũ Britannia) khi Stoke City chính thức nhận vé xuống hạng sau trận thua ngược Crystal 1-2.

Chỉ giành được 30 điểm sau 37 trận, kém Swansea 3 điểm và Southampton 2 điểm mà 2 đội này còn 1 trận đấu trực tiếp với nhau nên bất chấp kết quả trận cuối cùng, Stoke lên chuyến tàu ngược về Championship. 13 trận liên tiếp cuối mùa chỉ hòa và thua, CLB có bề dày thành tích lâu đời nhất nước Anh với 154 năm thành lập ngậm ngùi chia tay giải đấu cao nhất xứ sở sương mù sau 10 năm chinh chiến. Các cầu thủ đổ gục xuống sân sau tiếng còi kết thúc trận đấu, thủ thành Butland bật khóc...

Tuy nhiên, trên khán đài đại đa số CĐV vẫn ngồi yên nán lại. Những gương mặt không giấu nổi thất vọng, buồn tủi; những ánh mắt trĩu nặng ưu tư; có em bé nước mắt lưng tròng, có cả gia đình như bất động trên ghế... nhưng tất cả không quay lưng giận dỗi bỏ ra về. Thậm chí, còn có những tiếng vỗ tay như lời cảm ơn và tạm biệt. Các CĐV Stoke như muốn cho đội bóng thấy rằng họ vẫn luôn bên cạnh, chia buồn, san sẻ niềm đau và vẫn sẽ “chung lưng đấu cật” cùng đội nhà, mãi mãi.

Sau thời Thể Công, Cảng Sài Gòn..., sân cỏ Việt tìm đâu ra tình yêu son sắt, thủy chung ấy mà hầu hết chỉ là những CĐV “khi vui thì vỗ tay vào”, không hài lòng thì “chửi” cho sướng miệng, cùng những khán đài “cuồng nhiệt”, “được làm vua thua làm giặc”.

Đông Kha

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,207,386       333