Thể thao

Hãy chăm sóc "thượng đế" từ... mặt sân cỏ

Điểm sáng nhất ở 4 vòng đấu đầu tiên của V.League 2018 là lượng người xem đến sân tăng vọt. Vấn đề đặt ra là làm sao giữ lửa suốt mùa giải trên các khán đài?

Khán giả đến sân ngoài yêu cầu các cầu thủ phải thi đấu cống hiến, trung thực còn muốn được xem một trận cầu hay, đẹp. Nhưng muốn có chất lượng chuyên môn cao thì điều kiện thi đấu phải đảm bảo.

Sau trận thua FLC Thanh Hóa, HLV trưởng TP.Hồ Chí Minh đồng thời là cựu thuyền trưởng đội tuyển Việt Nam, Toshiya Miura, phàn nàn về chất lượng mặt sân cỏ nói chung ở Việt Nam và sân Thanh Hóa nói riêng quá tệ. Tệ đến mức đội bóng của ông không thể triển khai các ý đồ kỹ - chiến thuật. Sau đó, VPF đã phải có công văn đề nghị 2 CLB Thanh Hóa và Hải Phòng phải tận dụng quãng nghỉ gần 10 ngày của V.League để cải thiện, nâng cao chất lượng mặt sân, đảm bảo chất lượng các trận đấu.

Đáng nói đây là 2 CLB có lượng CĐV đông đảo và cuồng nhiệt nhất V.League, đều chật cứng khán giả đến sân trong ngày ra mắt. Lạch Tray thì từ lâu đã nổi tiếng là “chảo lửa” và... mặt sân cực xấu, về mùa đông chẳng khác gì đám ruộng. Lý do bởi vì đây là sân chung cho cả các đội trẻ và phong trào. Nhưng Thanh Hóa thì thật ngạc nhiên. Với một CLB tham vọng vô địch, đã bước ra đấu trường châu lục, được dẫn dắt bởi HLV nước ngoài tiếng tăm và nhà tài trợ đầu tư đến 60-70 tỷ đồng/mùa, lại để “bộ mặt” tệ như thế, có xấu hổ với lời chê bai của ông Miura?

Yếu tố sân bãi, hạ tầng thi đấu không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn mà còn là hình ảnh, sản phẩm của giải đấu. Vấn đề rõ ràng không phải là kinh phí. Không đề cập đến việc một số đội chủ nhà còn coi sân xấu là “vũ khí”, lợi thế của mình, thậm chí còn cố tình làm cho “xấu” hơn (như tưới đẫm nước) trước trận đấu để gây bất lợi đội khách, một nguyên nhân là do cơ chế. Tiếng là chuyên nghiệp nhưng một tình trạng phổ biến hiện nay là các CLB chỉ quản lý đội bóng, còn mọi cơ sở vật chất, trong đó có SVĐ vẫn thuộc sở hữu Nhà nước, thuộc quyền quản lý của các sở văn hóa - thể thao nên hoặc sanh nạnh hoặc “cha chung không ai khóc”.

Xa hơn, không chỉ là mặt sân cỏ, muốn làm bóng đá thực sự chuyên nghiệp, lôi kéo và giữ chân khán giả, CĐV (“cầu thủ thứ 12” và theo FIFA cùng với truyền thông là “tiền đạo” của đội bóng), các CLB phải quan tâm đầu tư cả những chi tiết hạ tầng từ chỗ ngồi, các dịch vụ phục vụ (ăn uống trong giờ giải lao) đến... nhà vệ sinh. Sao cho các “thượng đế” đến sân không chỉ được sống trong bầu không khí cuồng nhiệt, thưởng thức một sản phẩm bóng đá hay, đẹp, chất lượng mà còn được hưởng những tiện nghi thoải mái nhất. Đó mới là cách làm căn cơ, chứ không thể chỉ trông chờ vào những cảm xúc, hiệu ứng nhất thời như với tuyển U.23 hiện nay.

Đông Kha

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,155,903       416