Thể thao

VPF sẽ có nhiều thay đổi nhân sự thượng tầng

Ngày mai 3-12 tại Hà Nội, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) sẽ tiến hành Đại hội cổ đông nhiệm kỳ III (2017-2020), trong đó một nội dung quan trọng là bầu ban lãnh đạo mới.

Sẽ có nhiều thay đổi về nhân sự của Hội đồng quản trị và Ban giám đốc VPF.
Sẽ có nhiều thay đổi về nhân sự của Hội đồng quản trị và Ban giám đốc VPF.

Theo đó, sẽ có nhiều thay đổi về nhân sự của HĐQT và Ban giám đốc của VPF. Cụ thể, Chủ tịch Võ Quốc Thắng đã tuyên bố xin rút lui. Là người rất tâm huyết với bóng đá nhưng việc ngồi ghế Chủ tịch VPF với ông Thắng là chuyện chẳng đặng đừng bởi buổi ban đầu “bầu” Kiên nài nỉ, thúc ép. Gồng gánh “đứng mũi chịu sào” 2 nhiệm kỳ, nay ông Thắng muốn tập trung cho công việc kinh doanh (là ông chủ Công ty Đồng Tâm Long An và Chủ tịch HĐQT Kienlong bank). Có thể nói, đây là tổn thất rất lớn với VPF.

Ngoài ra, được biết 2 phó chủ tịch VPF là ông Trần Quốc Tuấn và ông Phạm Ngọc Viễn cũng rút không tham gia. Thay vào đó, VFF cử Tổng thư ký Lê Hoài Anh và Ủy viên thường trực Trần Anh Tú thay thế. Bên cạnh đó, Phó chủ tịch HĐQT VPF Nguyễn Công Khế cũng bày tỏ quan điểm xin thôi. Như vậy cả 4 vị trí cao nhất trong HĐQT VPF khóa III sẽ đều là người mới.

Các ứng viên được giới thiệu thay thế là các ông: Trần Anh Tú (VFF), Nguyễn Hồng Thanh (SLNA), Lê Nguyên Hồng (Quảng Nam), Trần Mạnh Hùng (Hải Phòng), Phạm Thanh Hùng (CLB Than QN)... Trong đó “ông bầu” futsal Trần Anh Tú, Ủy viên thường trực VFF, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá TP.Hồ Chí Minh là người nhiều khả năng thay thế “bầu” Thắng ở vị trí chủ tịch VPF.

***

VPF ra đời là biểu hiện tích cực của xu hướng phát triển bóng đá chuyên nghiệp: cuộc chơi được trả về cho chính các chủ thể (CLB) điều hành, tổ chức. Phải thừa nhận trong 6 mùa V.League, Cúp quốc gia và Giải hạng nhất được VPF đảm trách đã có rất nhiều nỗ lực cải tiến, chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên với việc “bầu” Kiên lâm vòng lao lý, VPF ngày càng bị VFF “lấn sân”, cơ cấu tổ chức, nhân sự, quy trình hoạt động rất chồng chéo.

Với việc nắm giữ 35,4% cổ phần, ngoài 3 thành viên là đại diện phần vốn góp trong HĐQT, VFF dần dần cài cắm người vào những vị trí chủ chốt của VPF như Phó tổng giám đốc kiêm Trưởng BTC các giải chuyên nghiệp Nguyễn Minh Ngọc. Nay thêm những thay đổi nhân sự cấp cao như nói trên có lý do để lo ngại VPF sẽ biến thành “sân sau” hoặc một VFF thu nhỏ. Đi một vòng lại trở về chốn cũ!

Trần Đỗ

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,158,527       483