Thể thao

Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam 2020-2030 được thực hiện đến đâu?

Phải tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả sau 4 năm thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, việc gì làm được, chưa làm được.

Sau 4 năm triển khai Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam VFF vẫn chưa làm được gì.
Sau 4 năm triển khai Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam VFF vẫn chưa làm được gì.

Đó là chỉ đạo quan trọng của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch vào ngày 28-9 vừa qua.

“Nói như rồng leo…

Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ thông qua vào năm 2013 trên cơ sở soạn thảo, đề xuất của Tổng cục TDTT, VFF sau rất nhiều hội thảo được tổ chức. Theo đó, đến năm 2020 đội tuyển bóng đá nam phấn đấu đoạt vô địch AFF Cup hoặc SEA Games từ 2-3 lần, đứng trong tốp 15 châu Á; đội tuyển nữ xếp thứ 6-7 châu Á và vượt qua vòng loại thứ 3 World Cup khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Giai đoạn 2, từ 2021 đến 2030, đội tuyển nam đứng tốp 10 châu Á và nữ tốp 5.

Về bóng đá phong trào, chiến lược cũng đặt ra mục tiêu cụ thể, năm 2015 có 4.500 CLB, năm 2020 có 7.500 CLB. Với bóng đá trẻ, số lượng cầu thủ từ U.11 - U.18 được đào tạo tập trung trung bình hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 là 4.500 em, lứa 14-18 tuổi tập trung ở tuyến trung ương dưới sự huấn luyện của HLV nước ngoài khoảng 400 VĐV mỗi năm và có từ 24 đến 48 cầu thủ trẻ (1-2 đội) tập huấn ở nước ngoài hàng năm.

Ngoài ra, VFF và cả các CLB chuyên nghiệp sẽ tự chủ kinh phí hoạt động.

Để thực hiện các mục tiêu trên, ngành thể thao đề ra 7 nhiệm vụ lớn, gồm: nâng cao chất lượng các đội tuyển quốc gia nam, nữ; phát triển bóng đá chuyên nghiệp; nâng cao chất lượng V.League và các giải khác trong hệ thống thi đấu quốc gia; quy hoạch đào tạo VĐV năng khiếu, trẻ; phát triển bóng đá phong trào; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực làm công tác quản lý, điều hành, tổ chức hoạt động bóng đá...

…Làm như mèo mửa”

Đến nay đã là gần hết năm 2017, trong các mục tiêu của chiến lược đặt ra đến năm 2020 chỉ có duy nhất bóng đá nữ - ít được quan tâm đầu tư nhất, là đạt (xếp thứ 6-7 châu Á). Tham vọng giành 2-3 chức vô địch AFF Cup, SEA Games, đứng trong tốp 15 châu Á của bóng đá nam đã rõ là “đếm cua trong lỗ”, hão huyền khi 3 năm tới chỉ còn 2 kỳ AFF Cup (2018, 2020) cùng 1 kỳ SEA Games (2019). Và căn cứ vào thành tích tại vòng loại Asian Cup 2019, hiện tại đội tuyển nam Việt Nam chỉ xếp khoảng thứ 19, 20 châu Á.

Nếu V.League chất lượng không hề được nâng lên thì với bóng đá phong trào, người ta không hiểu Tổng cục TDTT và VFF lấy đâu ra con số năm 2015 là hơn 4.500 đội bóng và đến 2020 có 7.500 đội, trong khi 2 chân đế giải hạng nhất và hạng nhì ngày càng teo tóp, hàng loạt CLB giải thể. Những chỉ tiêu về đào tạo trẻ cũng chỉ là “bánh vẽ”, bởi thực tế công tác này hiện khoán trắng, do các CLB, trung tâm tự thân vận động là chính, VFF làm gì có “tuyến trung ương” để “đào tạo tập trung 4.500 VĐV hàng năm”, trong đó có 400 VĐV được HLV nước ngoài huấn luyện và đến nay đã có cầu thủ trẻ nào của Việt Nam được gửi đi tập huấn ở nước ngoài? Mục tiêu VFF và các CLB có thể tự chủ tài chính với nền bóng đá “nghiệp dư lãnh lương chuyên nghiệp” lại càng không tưởng.

Phó chủ tịch VPF Phạm Ngọc Viễn, người nguyên là Phó chủ tịch và Trưởng ban chiến lược của VFF, cho biết thực tế sau 4 năm triển khai Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030, tất cả vẫn nằm trên giấy, chưa làm được gì. Chiến lược đề ra 3 đề án quan trọng là: dự án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bóng đá; chương trình mục tiêu tốp 10 châu Á; chương trình phát triển bóng đá học đường, nhưng lại không có bộ phận nào chịu trách nhiệm thực hiện, suốt thời gian qua mạnh ai nấy làm nên... chưa có đề án nào được triển khai(!).

Minh Chung

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,154,284       1,135