Cùng thua duy nhất trận cuối vòng bảng sớm về nước, nhưng nếu thất bại của các đàn anh U.22 tại SEA Games mang đến sự thất vọng, bất bình lớn thì cú ngã của các đàn em U.18 tại giải Đông Nam Á lại nhận được sự tiếc rẻ, cảm thông nơi người hâm mộ.
Đơn giản bởi cái thua của U.22 trước Thái Lan là rõ ràng, toàn diện và đầy yếm thế, còn U.18 đã chơi rất hay, thất bại trước chủ nhà Myanmar chỉ là tai nạn. Thực tế, nếu xem trận “chung kết” bảng A giữa Thái Lan và Malaysia cùng chiến thắng vô cùng thuyết phục 3-0 của các học trò HLV Hoàng Anh Tuấn trước ứng cử viên Indonesia với lứa cầu thủ được gửi đào tạo, tập huấn ở châu Âu, sẽ thấy U.18 Việt Nam là đội hay nhất ở giải đấu này (xin nhấn mạnh “ở giải đấu này”).
Xét về mặt nào đó, cú vấp cay đắng khiến phải nhớ đời này của thầy trò Hoàng Anh Tuấn còn mang ý nghĩa tích cực và cần thiết. Bởi nếu HLV Hữu Thắng và các học trò không còn có cơ hội làm lại thì con đường phía trước của U.18 Việt Nam vẫn còn rất dài, thậm chí cho phép họ tiếp tục thử nghiệm và thất bại. Thực chất 2 sân chơi trẻ Đông Nam Á U.15/16 và U.18/19 chỉ là nửa tập huấn nửa đá giải (có khi mời thêm cả U.19 Australia, Iran, Uzbekistan, Nhật Bản), là bước đệm cho các đội trong khu vực chuẩn bị cho vòng loại châu Á. Cái đích mà U.18 Việt Nam hướng đến là VCK U.19 châu Á tại Indonesia sau đây 1 năm với tham vọng tái lập thành tích giành vé tham dự World Cup U.20 2019 và xa hơn là cung cấp một thế hệ mới cho đội tuyển quốc gia.
Đặc biệt, đây cũng chính là những nhân tố của đội tuyển U.22 sẽ tham dự SEA Games 31 vào năm 2021 khi Việt Nam là nước chủ nhà. Rất đáng mừng là chúng ta đang có một lứa cầu thủ U.18/19 hứa hẹn tài năng không thua kém, thậm chí có phần còn toàn diện hơn 2 thế hệ U.19 đàn anh năm 2013 và 2015. Ngoài cặp trung vệ Bá Sang - Việt Anh (cao 1m84) đá chính cả 4 trận vòng bảng ở Myanmar, tất cả các vị trí còn lại HLV Hoàng Anh Tuấn đều sở hữu ít nhất 2 cái tên có khả năng suýt soát nhau. Trong đó, nổi bật là cặp tiền vệ trung tâm: Trần Văn Công (Hà Nội), Phạm Văn Luân (S.Khánh Hòa); hộ công Bảo Toàn (HAGL) Hồng Sơn (PVF), Hữu Thắng (Viettel); các tiền vệ cánh Xuân Tú (PVF), Tiến Anh (Viettel); tiền đạo Lê Văn Nam (Hà Nội), Khắc Khiêm (PVF) hay 2 cầu thủ dạng “wing-back” (có khả năng chơi vừa như hậu vệ vừa như tiền vệ cánh): Quang Vinh (PVF) và Sỹ Hoàng (SLNA). Đó là chưa kể tiền vệ Trọng Long vì chấn thương không thể tham dự giải đấu vừa qua và trong 4 năm nữa một khóa mới của Học viện HAGL JMG sẽ ra lò.
Trần Đỗ