Vẫn với chiêu bài truyền thống, loại bỏ những môn thể thao (và nội dung) thế mạnh của các đối thủ cạnh tranh, đưa sở trường của mình vào, chủ nhà Malaysia đã dẫn đầu tuyệt đối SEA Games 29.
Từ vị trí hạng 4 với chỉ 62 HCV, kém ngôi đầu Thái Lan đến 33 chiếc và thua Việt Nam 11 HCV ở Singapore 2 năm trước; Malaysia bỗng có bước nhảy vọt thần kỳ giành 145 HCV, bỏ rất xa Thái Lan (hơn Thái Lan 73 HCV và Việt Nam 87 chiếc(!).
Chủ nhà Malaysia quyết định trao 2 huy chương vàng cho cặp VĐV chủ nhà Tan Fu Jie và Loo Phay Xing. |
Malaysia dẫn đầu tới 17/38 môn thi đấu, trong đó gom trọn bộ 13 HCV của lặn, cả 8 HCV thể dục nghệ thuật (SEA Games 28 chỉ có 8 và 2 nội dung), 6/7 HCV cưỡi ngựa, 10/20 HCV pencak silat (tăng từ 13 lên 20 nội dung), 6/9 HCV bóng quần (squash)... Với các môn mới, cả những môn rất xa lạ với xứ nhiệt đới Đông Nam Á như hockey trên băng, trượt băng (nghệ thuật và tốc độ), dĩ nhiên Malaysia là “trùm”. Như 7/8 HCV bowling... trên cỏ, 3/5 HCV hockey, 5/8 HCV trượt băng, 4/11 HCV trượt nước, cùng những tấm HCV duy nhất của bóng lưới, rugby sevens (phiên bản của bóng bầu dục)...
Dù vậy, niềm vui của người Mã vẫn không trọn vẹn khi thất bại trước Thái Lan ở trận chung kết bóng đá nam.
VĐV người Malaysia, Elena Gohling Yin, đổi từ đi bộ sang chạy về đích và được các trọng tài dung túng để chiến thắng. |
Tuy nhiên, “kỳ tích” 145 HCV/323 HC của Malaysia chỉ đứng thứ 6 trong số các chủ nhà từng dẫn đầu trong lịch sử SEA Games. Kỷ lục thuộc về Indonesia vào năm 1997 với 194 HCV (2011 giành 182 HCV), thứ nhì là Thái Lan từng giành 183 HCV vào năm 2007 (trước đó 1995 nêu kỷ lục đầu tiên với 157 HCV). Chẳng trách SEA Games được ví như “ao làng”.
Dương Cầm