Thể thao

Đúng 2 tuần nữa SEA Games 29 khai mạc

Dù thay đổi định hướng vươn đến Asiad, Olympic nhưng 2 năm một lần, Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games vẫn là cuộc tổng duyệt, ra quân rầm rộ nhất của thể thao Việt Nam.

Nguyễn Thị Huyền (trái) và Quách Thị Lan, hai gương mặt được kỳ vọng đoạt HCV của điền kinh Việt Nam.
Nguyễn Thị Huyền (trái) và Quách Thị Lan, hai gương mặt được kỳ vọng đoạt HCV của điền kinh Việt Nam.

Thể thao Việt Nam chính thức hội nhập trở lại với đấu trường Đông Nam Á từ SEA Games 15-1989 tại Malaysia. Với 46 VĐV tham gia tranh tài 8 môn: điền kinh, bơi lội, bắn súng, bóng bàn, bóng chuyền nữ, thể dục dụng cụ, quyền anh và quần vợt, tại đại hội này Việt Nam đoạt 19 huy chương (3 HCV, 11 HCB, 5 HCĐ), xếp 7/9 quốc gia, trong đó 3 tấm HCV đều thuộc về môn bắn súng (xạ thủ Ngô Ngân Hà giành cú đúp cá nhân đồng đội).

Có 2 đội tuyển di chuyển thẳng từ nước ngoài đến Malaysia là đội tuyển bóng đá nam U.22 và đội tuyển bóng chuyền nữ. Đội tuyển U.22 sẽ bay từ Hàn Quốc vào ngày 11-8 sau khi kết thúc chuyến tập huấn tại đây, còn đội tuyển bóng chuyền nữ sẽ từ Philippines sau khi tham dự Giải bóng chuyền vô địch châu Á.

2 năm sau đó, tại SEA Games 16-1991 ở Philippines, số lượng tăng lên con số 100 VĐV tranh tài ở 15 môn thi đấu và giành được 29 HC (7 HCV, 12 HCB và 10 HCĐ), nhưng vẫn xếp thứ 7/9 quốc gia tham dự. Các lần SEA Games tiếp đó, thể thao Việt Nam đều dần tăng cả về số lượng VĐV, thành tích thi đấu. Đặc biệt tại SEA Games 18-1995 ở Thái Lan có 183 VĐV tranh tài, giành 52 HC, vươn lên hạng 6/10 quốc gia tham dự và lần đầu tiên bóng đá đoạt HCB…

Chất lượng những tấm HCV cũng tăng lên qua từng kỳ đại hội với sự vươn lên mạnh nẽ của các môn Olympic. Nếu ở SEA Games 15 chỉ có 3 HCV bắn súng thì tại SEA Games 16 đến SEA Games 20, taekwondo, điền kinh, bóng bàn, xe đạp, judo,... đã góp mặt trong bảng vàng thành tích của thể thao Việt Nam. Đặc biệt, trong 20 năm đổi mới cùng với sự phát triển kinh tế đất nước, thể thao Việt Nam đã có những bước tiến đáng tự hào khi SEA Games 22-2003 trên sân nhà, lần đầu tiên Việt Nam vươn lên vị trí dẫn đầu với 156 HCV, 91 HCB, 93 HCĐ.

Tại SEA Games 2005 ở Philippines, bơi lội mang về tấm HCV đầu tiên với Nguyễn Hữu Việt ở nội dung 100m bơi ếch. 2 kỳ SEA Games liên tiếp sau đó, kình ngư này đều bảo vệ được ngôi vô địch, góp phần tạo đà cho bơi lội trở thành bộ môn mũi nhọn của thể thao Việt Nam hiện tại.

Liên tiếp qua 6 kỳ SEA Games sau đó (từ SEA Games 23-2005 đến SEA Games 28-2015), thể thao Việt Nam luôn nằm trong 3 quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

Tham dự SEA Games 29 tại Malaysia (lễ khai mạc diễn ra vào tối 19-8), đoàn thể thao Việt Nam có tổng cộng 681 thành viên (đã rút xuống), trong đó có 476 VĐV (264 nam và 212 nữ) tranh tài 32 môn (4 môn bơi nghệ thuật, bowling, hockey, cricket tham dự bằng kinh phí xã hội hóa). Do nước chủ nhà loại bỏ và cắt bớt một loạt môn, nội dung thế mạnh (theo tính toán mất khoảng gần 30 HCV) nên thể thao Việt Nam đặt chỉ tiêu giành từ 49-59 HCV (so với SEA Games 28 là 73 HCV) nhưng vẫn giữ vững vị trí trong tốp 3 toàn đoàn.

Lễ xuất quân tham dự SEA Games 29 của đoàn thể thao Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 8-8 tới tại Hà Nội, trước khi lễ tiễn đoàn tại sân bay Nội Bài được tổ chức vào ngày 16-8, khi toàn đoàn di chuyển sang Malaysia.

Phương Duy

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,169,078       322