Thể thao

Điểm sáng của phong trào thể dục - thể thao

Những năm qua, huyện Trảng Bom nổi lên là một điểm sáng về phong trào thể dục - thể thao của tỉnh.

Có được tín hiệu vui này, ngoài ý thức của người dân trong việc rèn luyện thể dục - thể thao để nâng cao sức khỏe, còn có một phần đóng góp rất lớn của chính quyền.

Thanh thiếu niên luyện tập võ thuật tại Trung tâm Văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng xã Sông Thao, huyện Trảng Bom. Ảnh: V.TRUYÊN
Thanh thiếu niên luyện tập võ thuật tại Trung tâm Văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng xã Sông Thao, huyện Trảng Bom. Ảnh: V.TRUYÊN

* Tập để nâng cao sức khỏe

Theo số liệu năm 2016, tỷ lệ người dân tham gia luyện tập thể dục - thể thao thường xuyên của huyện Trảng Bom luôn ở mức cao với 37% (94.638/255.780 người).

Hiện nay ở Trảng Bom, các địa điểm phục vụ tập luyện thể thao với trang thiết bị cần thiết được đầu tư xây dựng ngày càng nhiều với 157 cơ sở, có mặt từ khu vực thị trấn về đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Thêm vào đó, hệ thống đường giao thông, đèn đường chiếu sáng được hình thành ở từng ấp, khu phố trong quá trình xây dựng nông thôn mới cũng góp phần tạo nên những điểm tập thể dục cho người dân. Nhiều giải thể thao được tổ chức xuyên suốt trong năm với sự đóng góp từ nguồn xã hội hóa đã góp phần khuyến khích mọi người cùng tập luyện.

Cũng như bao địa phương khác, đi bộ buổi sáng và tối vẫn là hình thức tập luyện thể dục được người dân ở Trảng Bom ưa thích vì dễ thực hiện và có thể làm ở bất cứ nơi đâu. Mỗi ngày từ 5-6 giờ sáng, trên các tuyến đường có ít phương tiện giao thông qua lại ở từng ấp, khu phố đều xuất hiện khá đông người đi bộ. “Khi cuộc sống đã ổn định thì mọi người quan tâm đến việc giữ gìn và rèn luyện sức khỏe hơn rất nhiều. Nếu trước kia ai cũng biết cắm đầu đi làm, khi về tới nhà làm việc gia đình, sau đó ngủ nghỉ thì nay cá nhân nào cũng dành thời gian rảnh trong ngày để tập thể dục. Thêm vào đó, do đường giao thông trong ấp được đổ bê tông sạch sẽ, rộng rãi, chứ như trước kia toàn đường đất thì chắc cũng chẳng mấy ai muốn đi bộ vì sợ dơ” - bà Nguyễn Thị Lan (một giáo viên nghỉ hưu tại xã Trung Hòa) nói.

Để giúp người dân có thêm sự lựa chọn trong rèn luyện sức khỏe, tại 14/17 xã, thị trấn của huyện Trảng Bom đã có trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng, được chính quyền địa phương đứng ra thành lập và tổ chức các câu lạc bộ thể thao (có thu phí hoặc miễn phí) để người dân đến tham gia. Trong đó, từ khi Trung tâm Văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng xã Sông Thao được đưa vào sử dụng vào đầu năm 2016 cũng là lúc đồng bào các dân tộc: Hoa, Nùng, Tày ở địa phương được tiếp cận với các lớp nhảy aerobic, võ thuật dành cho người lớn và trẻ em.  Ông Nguyễn Văn Việt (ngụ ấp Thuận Hòa, xã Sông Thao) cho biết: “Từ khi có trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng, các thầy dạy võ, cô giáo dạy nhảy aerobic từ thị trấn tìm về mở lớp. Nhờ đó con tôi được tập võ, tập thể dục nhịp điệu ngay gần nhà mà không cần phải đi xa như trước kia”.

Thanh thiếu niên tập đánh cầu lông tại Trung tâm thể dục - thể thao huyện Trảng Bom vào sáng 30-7.
Thanh thiếu niên tập đánh cầu lông tại Trung tâm thể dục - thể thao huyện Trảng Bom vào sáng 30-7.

* Huy động nguồn xã hội hóa

Cũng từ sự yêu thích của người dân đối với việc rèn luyện sức khỏe mà nhiều cá nhân, tổ chức đã chung tay đóng góp thiết bị để người dân có thêm điều kiện tập luyện. Điều này đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu dụng cụ thể thao phục vụ nhu cầu người dân như trước kia.

Trong đó, tại Trung tâm Thể dục - thể thao huyện Trảng Bom, có mạnh thường quân bỏ ra 40 triệu đồng để xây dựng sân tập thể thao rộng 200m2 để mọi người khi đến đây có nơi rèn luyện sức khỏe. Hay như một mạnh thường quân khác mua tặng trung tâm 8 máy tập thể dục ngoài trời để lắp đặt phục vụ miễn phí. Đặc biệt, phần lớn giải thi đấu được tổ chức hàng năm đều có sự tài trợ về kinh phí tổ chức của các tổ chức, cá nhân.

Riêng tại các xã, tuy mức độ hỗ trợ của người dân có ít hơn nhưng đây đều là những việc làm có ý nghĩa lớn. Theo ông Hoàng Khánh Hưng, công chức phụ trách văn hóa - xã hội xã Sông Thao, từ ngày có trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng, bên cạnh các giáo viên không quản đường xa đến mở lớp dạy thể thao, người dân trong xã còn đóng góp tiền để mua 5 bàn bóng bàn. Hay như tại xã Hưng Thịnh có câu lạc bộ cầu lông đã hình thành hàng chục năm nay và phát triển rất tốt, các thành viên tham gia đều tự đóng góp tiền để làm 8 sân đánh cầu cùng các thiết bị kèm theo ngay tại trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng của xã.

“Mới đây nhất, qua quá trình vận động của xã, một mạnh thường quân đã đầu tư xây dựng một hồ bơi ngay trong khuôn viên trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng để phục vụ việc phổ cập bơi cho trẻ em cũng như nhu cầu của các tầng lớp nhân dân” - ông Trần Quốc Hơn, Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh, nói.

Còn ông Nguyễn Xuân Thành, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Trảng Bom, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện Trảng Bom, thì cho biết với những trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng đã được xây dựng trước kia, để đáp ứng nhu cầu hiện tại của người dân huyện đều có sự đầu tư rất lớn để cải tạo lại. Trong năm qua, 8 trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng các xã đã được huyện đầu tư từ 500-800 triệu đồng/trung tâm để sửa chữa, mua sắm trang thiết bị máy móc.

Đặc biệt, ngày 14-7 vừa qua, HĐND huyện đã thông qua nghị quyết về đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động của các thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở trên địa bàn huyện Trảng Bom đến năm 2021”. Đề án đưa ra mức kinh phí hoạt động thường xuyên của trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng cấp xã là 246,1 triệu đồng/năm, trong đó số tiền do nhà nước cấp là 193 triệu đồng, còn lại vận động xã hội hóa từ cộng đồng. Đây được xem là chìa khóa gỡ nút thắt bấy lâu về kinh phí hoạt động của các trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng nói chung và hoạt động thể dục - thể thao tại cơ sở nói riêng.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Ban Chủ nhiệm Chương trình 5 “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” đã hỗ trợ tổ chức địa phương các cấp tổ chức đại hội thể dục - thể thao; tham mưu UBND tỉnh xây dựng 2 đề án về lĩnh vực thể dục - thể thao là: đề án thu phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cho các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và doanh nghiệp hoạt động thể dục - thể thao trên địa bàn tỉnh và đề án hợp tác quốc tế để nâng cao hiệu quả thể thao thành tích cao tỉnh Đồng Nai từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; phối hợp cùng các sở, ban ngành của tỉnh tổ chức nhiều hoạt động thể dục - thể thao.

Từ nay đến cuối năm, Ban Chủ nhiệm Chương trình 5 sẽ tập trung hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố tổ chức đại hội thể dục - thể thao tiến tới tổ chức đại hội thể dục - thể thao cấp tỉnh lần thứ VIII-2018.

Võ Tuyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,057,851       149