Thể thao

Bóng đá Việt Nam: 10 năm trồng cây, đến ngày hái quả

Sau khi giành 1 điểm lịch sử tại VCK U.20 thế giới rồi mới nhất là 2 chiến công liên tiếp chỉ trong vòng 1 ngày: vô địch U.15 Đông Nam Á và màn thể hiện thuyết phục trước Hàn Quốc để lần thứ 2 liên tiếp giành vé dự VCK U.23 châu Á, báo chí châu Á dành rất nhiều quan tâm tới bóng đá Việt Nam.

Đặc biệt, FOX gọi Việt Nam là “nền bóng đá ấn tượng nhất Đông Nam Á” thời gian qua và “đang nổi lên như là một thế lực ở lục địa”. Đáng nói, những thành tích tự hào ấy đều thuộc về một thế hệ cầu thủ còn rất trẻ.

U.22 Việt Nam đang sở hữu đội hình chất lượng và được tổ chức chặt chẽ.
U.22 Việt Nam đang sở hữu đội hình chất lượng và được tổ chức chặt chẽ.

Chưa bao giờ bóng đá Việt Nam lại mang dòng máu trẻ trung đến thế. Trong đợt tập trung gần nhất của đội tuyển quốc gia cho trận đấu quan trọng với đối thủ mạnh nhất Jordan ở vòng loại cuối cùng Asian Cup 2019, có đến 17/28 gương mặt ở tuổi dưới 20.

Câu chuyện phải lùi về quá khứ đúng 10 năm trước. Ngày 10-10-2007, Học viện HAGL Arsenal JMG chính thức khánh thành và khai giảng khóa đầu tiên với 18 tài năng nhí 11, 12 tuổi (sinh năm 1995, 1996) được tuyển chọn từ 6.300 thí sinh cả nước. 6 năm sau, lứa cầu thủ này có màn ra mắt tại Indonesia làm ngây ngất người hâm mộ với chức á quân U.19 ĐNA 2013. Tiếp đó, Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường,... đoạt vé vào VCK U.19 châu Á 2014 sau chiến thắng lịch sử nức lòng đè bẹp U.19 Australia 5-1 ở vòng loại, rồi lại vào chung kết giải U.19 ĐNA 2014 (chỉ chịu thua khách mời Nhật Bản 0-1). Hiện tại, 6 học viên của 2 khóa đầu tiên của học viện này đã trở thành tuyển thủ quốc gia và 7 người đang có tên trong đội tuyển U.22 chuẩn bị cho cuộc chinh phục giấc mơ vàng SEA Games (lẽ ra là 9 nếu thủ môn Văn Trường và A Hoàng không lỡ hẹn vì chấn thương).

Chính cú hích từ Học viện HAGL của “bầu” Đức và việc các đội bóng nhận ra thực tế phải tự đào tạo nguồn cầu thủ, bổ sung lực lượng cho mình chứ không thể cứ mãi vung tiền chiêu mộ, các “lò” đào tạo trẻ bắt đầu ra đời, cạnh tranh. Đặc biệt, phải kể đến Quỹ đầu tư, phát triển tài năng bóng đá Việt Nam - PVF xuất hiện vào năm 2009, chỉ 2 năm sau Học viện HAGL. Không như các lớp đào tạo năng khiếu bóng đá thời bao cấp trông chờ thuần túy vào nguồn kinh phí Nhà nước và sử dụng “cây nhà lá vườn” của các địa phương, như: SLNA, Nam Định, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Đồng Nai…; với nguồn lực tư dồi dào, các “lò” đào tạo trong thời kỳ mới này mở rộng tuyển sinh, cất công tìm kiếm tài năng trên cả nước; đặc biệt tập hợp được một đội ngũ HLV là những cựu cầu thủ có tên tuổi, được học hành, đào tạo bài bản.

Sau HAGL, “làn sóng mới” của PVF, Viettel, Hà Nội đã tạo ra lứa U.19 tài năng thứ 2 (sinh năm 1997, 1998) với những Đức Chinh, Quang Hải, Thái Quý, Minh Dỹ, Bùi Tiến Dũng, Bùi Tiến Dụng, Đoàn Văn Hậu, Tấn Sinh... làm nên chiến tích lịch sử: đồng hạng 3 U.19 châu Á và lần đầu tiên tham dự VCK World Cup U.20 2017. Nối tiếp, cùng thời điểm đội tuyển U.16 cũng với đội hình chủ chốt từ 3 trung tâm đào tạo trên, vào đến tứ kết tại VCK U.16 châu Á 2016. Sau đây 2 năm, những cái tên (hiện là U.17) Hữu Thắng, Khắc Khiêm, Trọng Long, Huỳnh Sang, Mạnh Dũng, Công Đến... sẽ là niềm hy vọng tái lập thành tích có mặt tại World Cup U.20-2019.

Và bây giờ đến lượt thế hệ cầu thủ sinh năm 2002 với 6 gương mặt “nhí” PVF, 6 Viettel, 4 Hà Nội... (không có cầu thủ của HAGL nào do chu trình đào tạo ở phố núi là phải sau 7 năm mới cho “ra ràng” một khóa), trở thành đội tuyển đầu tiên của Việt Nam đánh bại Thái Lan ngay trên đất Thái, tại giải đấu mà người Thái là chủ nhà để đăng quang vô địch U.15 ĐNA.

Từ nhận xét nổi tiếng của HLV A.Riedl “bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”, sau 10 năm kiên trì trồng cây chúng ta đã bắt đầu hái quả. Vấn đề là cần phải có nhiều hơn về số lượng và tiếp tục không ngừng vun bón cho “cây” đào tạo xanh tốt, đồng thời “quả” phải ngày càng phát triển, ngọt mọng chứ không phải chín “dú”.

Trần Đỗ

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,182,429       119