Thể thao

Vòng 1/8 U.20 World Cup: Sạch bóng châu Á

U.20 Việt Nam và Iran về quê nhà cũng được "an ủi" phần nào khi ngay ngày thi đấu đầu tiên của vòng đấu loại trực tiếp, 2 niềm hy vọng số 1 của châu Á U.20 Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sớm bị loại.

U.20 Việt Nam và Iran về quê nhà cũng được “an ủi” phần nào khi ngay ngày thi đấu đầu tiên của vòng đấu loại trực tiếp, 2 niềm hy vọng số 1 của châu Á U.20 Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sớm bị loại. Dù “cầu thủ xuất sắc nhất” VCK U.19 châu Á 2016 Ritsu Doan thi đấu đầy nỗ lực (có pha đá phạt đưa bóng bật xà ngang) và tung cả “thần đồng” 15 tuổi Kubo vào sân, nhưng nhà vô địch châu Á cũng phải dừng bước trước “hiện tượng” Venezuela sau 120 phút đấu. Chân sút Cordova bị phong tỏa không thể có bàn thắng thứ 5 trong giải, nhưng tiền vệ phòng ngự, đội trưởng Herrera - cầu thủ của Man City được cho New York City mượn chơi ở giải MLS, Mỹ - đã tỏa sáng với pha đón phạt góc đánh đầu ghi bàn duy nhất ở phút 108, mang về chiếc vé đầu tiên vào tứ kết cho U.20 Venezuela.

Nhận bàn thua trong hiệp phụ, U20 Nhật Bản bị loại cay đắng
Nhận bàn thua trong hiệp phụ, U.20 Nhật Bản (áo trắng) bị loại cay đắng

Hơn 2 tiếng sau, đến lượt chủ nhà Hàn Quốc ngậm ngùi nói lời chia tay. Được đánh giá cao hơn Bồ Đào Nha (vốn rất nhạt nhòa ở vòng bảng khi chỉ thắng nổi mỗi Iran 2-1 nhờ bàn đá phản lưới nhà của đối phương), lại được hơn 20 ngàn CĐV nhà cổ vũ, nhưng U.20 Hàn Quốc đã bất ngờ để thua liền 3 bàn và cuối trận mới có bàn gỡ danh dự. Bộ đôi được mệnh danh “Messi xứ kim chi” Lee Seung-woo - Paik Seung-ho, được ca ngợi ngất trời trong những ngày qua, bị hàng phòng ngự chặt chẽ của các đàn em Ronaldo vô hiệu hóa hoàn toàn. Không có gì ngạc nhiên khi chiều qua 31-5, đại diện cuối cùng Saudi Arabia nối bước khi thúc thủ 0-1 trước ứng cử viên số 2 Uruguay từ quả penalty (hậu vệ để bóng chạm tay).

U20 Saudi Arabia (áo trắng) không thể tạo bất ngờ trước U20 Uruguay
U.20 Saudi Arabia (áo trắng) không thể tạo bất ngờ trước U.20 Uruguay

Kể từ khi FIFA U.20 World Cup tăng số đội tham dự VCK lên 24 (châu Á từ 2 suất lên 4 suất), có thêm vòng 1/8 từ năm 1997, đây mới là lần thứ 2 có 3 đại diện châu Á cùng hiện diện ở vòng 16 đội, sau giải 2003 cũng diễn ra tại một quốc gia châu Á là UAE. Một bước tiến lớn so với 2 năm trước tại New Zealand khi cả 4 đại diện U.20 CHDCND Triều Tiên, Qatar, Uzbekistan, Myanmar đều “rơi đài” từ vòng bảng. Tuy nhiên, đây cũng là lần thứ 6 trong 10 kỳ giải gần nhất kể từ năm 1997, lục địa vàng sạch bóng ở vòng tứ kết. Thành công nhất của châu Á ở sân chơi trẻ cao nhất thế giới này là Qatar và Nhật Bản với 1 lần á quân (trận chung kết 1981 Qatar thua Đức và 1999 Nhật Bản thua chủ nhà Tây Ban Nha với cùng tỷ số đậm 0-4), tiếp đến là Hàn Quốc và Iraq với 1 lần hạng 4 (năm 1983 trong trận tranh hạng 3, Hàn Quốc thua Ba Lan 1-2 ở hiệp phụ và 2013 U.20 Iraq thua Ghana 0-3).

Dương Cầm

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,207,341       503