Nếu World Cup U.20 là nơi trình làng, giới thiệu những ngôi sao bóng đá thế giới tương lai, thì có một mối liên hệ hữu cơ rõ rệt (dù không tuyệt đối) giữa thành tích tại sân chơi trẻ cao nhất này với những kỳ cúp thế giới sau đó.
Messi (áo trắng) là thành viên của đội tuyển U.20 Argentina vô địch giải đấu tổ chức tại Hà Lan năm 2005. |
Những nhà vô địch U.20 thế giới đầu tiên tại Tunisia 1977 với Quả bóng vàng Bessonov, Bal, Khidiyatullin..., đã đưa đội tuyển Liên Xô vào vòng 2 World Cup Espana 1982. Tiếp đó, với cảm hứng từ các đàn anh Kempes, Passarella, Luque... đăng quang vô địch thế giới trên sân nhà 1 năm trước đó, ở giải lần thứ 2-1979 tại Nhật Bản, “cậu bé vàng” Maradona cùng “Chiếc giày vàng” Raymon Diaz bước ra ánh sáng, đưa U.20 Argentina lần đầu lên ngôi; để rồi chính lứa cầu thủ trẻ tài năng này dưới sự dẫn dắt của Maradona đã đoạt chức vô địch và á quân 2 kỳ World Cup liên tiếp 1986, 1990. Cú đúp danh hiệu á quân World Cup Espana 1982 và Mexico 1986 (và sau đó vô địch tại Italia 1990) của đội tuyển quốc gia Tây Đức cũng phần nào thừa hưởng từ thế hệ U.20 lên ngôi vào năm 1981 tại Úc.
Những Bebeto, Dunga, Dida, Mueller, Silas... đăng quang tại 2 kỳ World Cup U.20 liên tiếp 1983, 1985 cho Brasil, 10 năm sau trở thành những ngôi sao trên đất Mỹ mang về cho xứ sở Samba chức vô địch thế giới thứ 4 trong lịch sử. Thế hệ vàng xanh sau đó: Adriano, Paulista, Carvalho (vô địch U.20 1993), Elder (á quân U.20 1995) cũng là những gương mặt góp phần đưa đội tuyển quốc gia Brasil giành ngôi á quân World Cup 1998 và lập kỷ lục 5 lần vô địch thế giới tại World Cup 2002.
Năm 1987, nhà vô địch U.20 Nam Tư giới thiệu một loạt những tài năng trẻ: Prosinecki (Quả bóng vàng), Davor Suker (ghi 6 bàn), Boban, Mijatovic..., những gương mặt 3 năm sau đó đưa Nam Tư vào tới tứ kết Italia 1990 và cùng Croatia đoạt hạng 3 thế giới tại France 1998. Chức vô địch thế giới đầu tiên và duy nhất của Tây Ban Nha tại World Cup Nam Phi 2010 cũng chính là thừa hưởng từ thế hệ tài năng Xavi, Gabri... (vô địch U.20 1999), Iniesta, Garcia, Juanfran... (á quân U.20 2003). Gần nhất ngôi á quân World Cup Brasil 2014 mang đậm dấu ấn của 2 lứa vô địch World Cup U.20 liên tiếp: Messi, Zabaleta... (2005) và Sergio Aguero, Di Maria... (2007).
Với truyền thống ấy, những sao trẻ và đội tuyển nào lên ngôi tại VCK FIFA U.20 World Cup trên đất Hàn Quốc sắp tới hứa hẹn sẽ tỏa sáng là ứng cử viên Cúp thế giới vào năm sau tại Nga và năm 2022 ở Qatar. Tuy nhiên, trong lịch sử chỉ mới ghi nhận 11 cái tên vừa vô địch U.20 World Cup vừa vô địch Cúp thế giới là: Maradona, Cesar Menotti (Argentina); Dunga, Bebeto, Jorginho (Brasil); Iker Casillas, Xavi (Tây Ban Nha)...
Chỉ mới có 9 nhà vô địch Qua 20 kỳ World Cup U.20 trong lịch sử 40 năm qua chỉ mới ghi danh 9 nhà vô địch, trong đó 2 đất nước Nam Mỹ đang áp đảo với Argentina 6 lần và Brasil 5 lần. 8/9 ngôi quán quân còn lại thuộc về châu Âu với Bồ Đào Nha, Serbia (mỗi nước 2 lần vô địch) và Liên Xô, Tây Ban Nha, Đức, Pháp (mỗi nước 1 lần đăng quang). Đáng chú ý, Italia tuy cùng Đức 4 lần vô địch thế giới (chỉ kém Brasil 5 lần) nhưng lại chưa từng vào đến bán kết ở sân chơi trẻ danh giá nhất này. Tương tự, Urugoay 2 lần vô địch World Cup nhưng cũng chưa từng vô địch U.20 (2 lần á quân). Đội tuyển duy nhất ngoài Nam Mỹ và châu Âu có vinh dự giành Cúp U.20 thế giới là Ghana ở giải 2009. Thành tích cao nhất của châu Á tại World Cup U.20 là 2 lần vào đến trận chung kết của Qatar (1981) và Nhật Bản (1999), nhưng đều thất bại nặng nề với cùng tỷ số 0-4 trước Đức và Tây Ban Nha. Ngoài ra, có 4 đại diện châu Á từng lọt vào bán kết là Úc (2 lần), Hàn Quốc và Iraq. Tuy nhiên, khi World Cup là sân chơi quá tầm thì U.20 World Cup là giải đấu mở để các nền bóng đá nhỏ có cơ hội trải nghiệm, như trường hợp của U.20 Việt Nam, Congo, Gambia hay Vanuatu tại Hàn Quốc năm nay. |
Trần Đỗ