Thể thao

19 giờ ngày mai, U.22 Việt Nam - U.20 Argentina: Cuộc so sánh giữa 2 lứa trẻ nối tiếp

Với hiệu ứng từ sự ra đời của Học viện HAGL Arsenal JMG (chính thức khánh thành tháng 10-2007) cùng sự thay đổi về nhận thức và nhu cầu cung ứng nguồn cầu thủ trẻ, 4 năm qua bóng đá Việt Nam đã cho ra đời 2 lứa cầu thủ U.19 tài năng, được đào tạo bài bản.

Tuấn Anh và Văn Toàn sẽ đá chính trong trận giao hữu gặp U.20 Argentina.
Tuấn Anh và Văn Toàn sẽ đá chính trong trận giao hữu gặp U.20 Argentina.

Năm 2013, lứa đầu tiên của JMG trình làng tại giải U.19 Đông Nam Á ở Indonesia, mở đầu cho cơn sốt Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn... mà đỉnh điểm là chiến thắng vang dội 5-1 trước U.19 Australia ở vòng loại U.19 châu Á 2014 trên đất Malaysia. “Những đứa trẻ bầu Đức” được tung hê “đến tận mây xanh”, được kỳ vọng rất lớn, nhưng đó cũng là cái đích cao nhất mà họ vươn tới. Tại VCK, U.19 Việt Nam đứng cuối bảng đấu có Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.

“Cơn sốt” U.19 HAGL nguội dần nhưng dấu ấn của lứa trẻ này vẫn quá sâu đậm, khiến sự xuất hiện của lứa U.19 kế tiếp 2 năm sau đó dự Giải U.19 Đông Nam Á 2015 (được tập hợp từ 7 lò đào tạo) không được mấy ai quan tâm. Thảm bại muối mặt 0-6 ở trận chung kết trước Thái Lan càng khiến người ta không khỏi so sánh: “Các học trò HLV Hoàng Anh Tuấn kém xa tài năng so với trò của “thầy Giôm”, cho dù cũng giành vé dự VCK U.19 châu Á như các đàn anh 2 năm trước, nhưng chẳng có lời khen ngợi hồ hởi, phấn khởi nào. Thế nhưng cái đội tuyển trẻ thi đấu kém bắt mắt, thiếu cảm hứng, lấy phòng ngự và tính thực dụng làm hàng đầu ấy lại làm nên kỳ tích lịch sử trên đất Bahrain khi vào đến bán kết, đồng hạng 3 châu Á và giành quyền tham dự VCK U.20 thế giới. Em đã vượt xa anh! Đến lúc này thì những cái tên Trọng Đại, Tiến Dũng, Quang Hải, Minh Dĩ, Đức Chinh... mới đi vào bộ nhớ người hâm mộ. Hiệu ứng đám đông lại đổi chiều. Mọi quan tâm, chăm bẵm lại được dồn cho đội tuyển U.20 của Hoàng Anh Tuấn để chuẩn bị cho chuyến hải hành lần đầu ra đại dương World Cup; trong khi đó cùng với thành tích bết bát của HAGL ở V.League và việc Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường “mài đũng quần” trên ghế dự bị ở Nhật Bản, Hàn Quốc, “hào quang” của các “thần tượng” trẻ mới 4 năm trước phai nhạt dần.

Ngay trận giao hữu vào tối mai với U.20 Argentina của đội tuyển U.22 cũng là “ăn ké” của các đàn em U.20, như một kiểu “nhân tiện”, chứ không hề có trong kế hoạch từ trước, nhưng đây lại là cơ hội để “U.19 HAGL” nhắc nhớ đến mình. Với 11 gương mặt (chưa kể Xuân Trường), HLV Hữu Thắng có thể xây dựng đúng một đội hình U.22 Việt Nam gồm toàn các cầu thủ của lò đào tạo phố núi: thủ môn Văn Trường; Hậu vệ: Đông Triều, A Hoàng, Văn Sơn, Văn Thanh; Tiền vệ: Hồng Duy, Tuấn Anh, Ngọc Quang, Thanh Tùng; Tiền đạo: Công Phượng, Văn Toàn. Ngoài ra, trung vệ Bùi Tiến Dũng (Viettel);  tiền vệ Duy Mạnh, Đức Huy, thủ môn Minh Long (Hà Nội); Lâm Ti Phông (S.Khánh Hòa), tiền đạo Hồ Tuấn Tài (SLNA) cũng đều là những cái tên từng được gọi vào đội tuyển U.19 giai đoạn 2013-2014 để tăng cường, hỗ trợ cho các cầu thủ HAGL. Có thể nói, U.22 Việt Nam tối mai gần như là phiên bản tái hiện của đội tuyển U.19 thời HLV Graechen. Ngay cả lối chơi lối bóng ngắn, ban bật nhỏ mà HLV Hữu Thắng hướng tới cũng mang đậm dấu ấn của JMG.

2 trận đấu của U.20 và U.22 Việt Nam chỉ cách nhau 4 ngày, trước cùng một thuốc thử liều cao, là dịp tốt nhất để mọi người kiểm chứng, so sánh tài năng của 2 lứa cầu thủ trẻ tiếp nối nhau.

Đông Kha

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,207,857       502