Thể thao

Khó trông chờ "hàng" chất lượng cao

Mặc dù đến ngày 3-6 mới diễn ra vòng 1/8 Cúp quốc gia và tận ngày 24-6 V.League mới bắt đầu lượt về, nhưng cho đến hôm nay hầu hết các đội đều đã tập trung trở lại.

Tuy nhiên, mối bận tâm lớn nhất của nhiều HLV và lãnh đạo CLB vào thời điểm này là ráo riết tìm người, tăng cường lực lượng cho giai đoạn 2. Ngoài 3 đội dẫn đầu lượt đi: Hà Nội, FLC Thanh Hóa và S.Khánh Hòa cho thấy hài lòng với dàn cầu thủ trong tay, hầu như cả 11 CLB còn lại đều có nhu cầu bổ sung, trong đó “khát” quân nhất là tân binh TP.Hồ Chí Minh và đội “cầm đèn đỏ” Long An.

Tiền đạo Dyachenko (10) sau khi bị TP.Hồ Chí Minh thanh lý hợp đồng khó tìm bến đỗ mới ở V.League giai đoạn lượt về.
Tiền đạo Dyachenko (10) sau khi bị TP.Hồ Chí Minh thanh lý hợp đồng khó tìm bến đỗ mới ở V.League giai đoạn lượt về.

Quãng thời gian nghỉ giữa 2 giai đoạn kỷ lục đến hơn 2 tháng tưởng như là điều kiện thuận lợi để các đội tìm người, nhưng vấn đề là người ở đâu ra?

* “Hàng hiệu” ngoại không chọn V.League

Một thực tế ai cũng thấy là chất lượng ngoại binh ở V.League vài mùa gần đây kém hẳn. Có 2 nguyên nhân, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các “đại gia” rút lui, bóng đá Việt Nam không còn là cuộc đua kim tiền, các ông chủ không còn sẵn sàng phá két để đưa về những bản hợp đồng “bom tấn” và chủ trương khống chế “quota” chỉ cho phép mỗi CLB sử dụng 2 ngoại binh. Vì vậy, V.League không còn là miền đất hứa, các cầu thủ ngoại chất lượng “chảy” sang Thái Lan, Malaysia hay Indonesia.

Trong bối cảnh ấy những tên tuổi còn sót lại như: Samson, Gonzalo, Patiyo, Oseni, Sunday…sau nhiều năm ăn mòn đũa Việt đều có dấu hiệu chựng lại, sa sút vì lý do sức khỏe, tuổi tác hoặc thiếu động lực phấn đấu; số đông còn lại là sự thất vọng. 2 suất ngoại binh được coi là có nhiệm vụ “gánh” 50% sức mạnh của đội bóng, nhưng hầu hết đều không đáp ứng được sự chờ đợi. Ngay từ khi còn chưa hết lượt đi, TP.Hồ Chí Minh đã phải cắt hợp đồng với Dyachenko. Còn sau khi kết thúc giai đoạn 1, một loạt các CLB đã lập tức thanh lý ngoại binh: Jarden, Ramon (Than QN), Apollon (Long An), Dugary (B.Bình Dương), Masaaki Ideguchi (HAGL), Henry (SLNA)..

Tuyên bố “ồn ào” như quyền Chủ tịch CLB TP.Hồ Chí Minh - Lê Công Vinh, mà giờ đây cũng đành quay về với một cái tên cũ: Abass - cựu tiền đạo, “vua phá lưới” của B.Bình Dương, cho dù ngoại binh này vừa phải nghỉ thi đấu thời gian dài vì chấn thương nặng. Tóm lại, chắc chắn sẽ chẳng có bản hợp đồng “bom tấn” nào trong kỳ chuyển nhượng giữa mùa này.

* Nội binh ở đâu ra?

Ngoại binh đã khó thì nguồn tân binh nội càng nan giải. HLV Minh Phương cho biết Long An cần thay đổi, bổ sung 7 vị trí mới, nhưng người ở đâu ra? Những cầu thủ chơi tốt, được tin dùng, chiếm được suất đá chính thì đã ổn định, bị các CLB giữ chân và bản thân họ cũng chẳng dại gì tìm kiếm cuộc phiêu lưu đến một đội bóng vào nửa mùa. Chỉ những cầu thủ không đáp ứng chuyên môn mới ra đi hoặc không bị ràng buộc gì (vì không tìm được bến đỗ từ đầu mùa (!), nhưng lấy số này về để làm gì?

Chính vì vậy mà đến lúc này HLV Minh Phương chỉ mới tìm được 2 cái tên để thử việc là Ngọc Quốc (cựu cầu thủ Đồng Nai) và học trò cũ từ đội hạng nhất Bình Phước: Văn Phú. Còn TP.Hồ Chí Minh mới có 1 bản hợp đồng mới duy nhất với cựu hậu vệ B.Bình Dương đang thất nghiệp: Đặng Văn Robert.

Ngay cả với bóng đá châu Âu cũng thế thôi, khó chờ đợi gì nhiều ở kỳ chuyển nhượng giữa mùa.

Trần Đỗ

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,208,146       449