Thể thao

Bóng đá Việt Nam và mối lương duyên cùng Đức

Ngày mai 28-4, đội tuyển U.20 Việt Nam sẽ lên đường về nước, kết thúc 2 tuần tập huấn được đánh giá đầy bổ ích tại Đức trong hành trình hướng đến FIFA U20 World Cup 2017. Không phải vô cớ mà cùng tháp tùng trong chuyến tập huấn này còn có thuyền trưởng đội tuyển quốc gia và U.22, 23 Nguyễn Hữu Thắng.

Giám đốc kỹ thuật Juergen Gede và HLV thể lực Martin Forkel hỗ trợ HLV Hoàng Anh Tuấn.
Giám đốc kỹ thuật Juergen Gede và HLV thể lực Martin Forkel hỗ trợ HLV Hoàng Anh Tuấn.

Sẽ là thừa khi ca ngợi đất nước đang là đương kim vô địch thế giới. Không cần bàn cãi, Đức là nền bóng đá phát triển bậc nhất thế giới trong quá khứ cũng như hiện tại: từ hệ thống đào tạo trẻ đến Bundesliga, nền y học thể thao, cách thức tổ chức các đội tuyển và thành tích...

Mối lương duyên của bóng đá Việt Nam và Đức đã có từ nửa thế kỷ trước, khi HLV “nghiệp dư” Karl-Heinz Weigang (trước đó vốn là giáo viên của Trường kỹ thuật Cao Thắng) dẫn dắt đội tuyển miền Nam vô địch Merdeka Cup 1966. 29 năm sau, ông thầy người Đức quay lại đưa đội tuyển nước Việt Nam thống nhất giành HCB SEA Games 1995 tại Chiang Mai, Thái Lan - danh hiệu quốc tế đầu tiên của thời kỳ hội nhập.

Sau Weigang, giai đoạn dài 1994-2004 thông qua FIFA, Liên đoàn Bóng đá Đức tiếp tục tiến cử Giám đốc kỹ thuật Rainer Willfeld sang giúp phát triển bóng đá Việt Nam). Tiếc rằng, VFF đã lãng phí khả năng của vị chuyên gia được xem sở hữu “cả bồ” kiến thức bóng đá này. Tuy vậy, trước khi chia tay ông Willfeld cũng kịp giúp HLV Calisto (theo dõi, phân tích các đối thủ) mang về chiếc HCĐ AFF Tiger Cup 2002, một thành tích năm ấy được xem là bất ngờ.

Tiếp đến là Falko Goetz, HLV có bằng cấp và bản lý lịch ấn tượng nhất trong số các “ông thầy” ngoại từng đến Việt Nam. Đáng tiếc, chỉ 1 năm làm việc và sau thất bại tại SEA Games 2011, ông Goetz phải ra đi.

Trong chiến tích lịch sử vào bán kết và giành vé dự World Cup U.20 tại VCK U.19 châu Á ở Bahrain hồi năm ngoái, HLV Hoàng Anh Tuấn thừa nhận ông được sự hỗ trợ, giúp sức rất lớn từ vị tân Giám đốc kỹ thuật Juergen Gede trong việc phân tích đối thủ, chiến thuật và trợ lý HLV thể lực Martin Forkel. Ngoài Gede và Forkel, bóng đá Việt Nam cũng vừa ký hợp đồng với một chuyên gia người Đức thứ 3, đó là bác sĩ phụ trách hồi phục chấn thương Pablo Lester Sawicky. Đó cũng chính là lý do Đức được lựa chọn là nơi tập huấn của U.20 Việt Nam. Thực tế trong 2 tuần tại Dusseldorf vừa qua, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn đã được lợi rất nhiều nhờ mối quan hệ của các chuyên gia Đức.

Trước khi có một J.League chuyên nghiệp và các đội tuyển quốc gia có vai vế như hiện nay, người Nhật cũng từng phải cắp cặp qua Đức học. Vậy hà cớ gì phải học lại từ Nhật Bản mà không trực tiếp từ hình mẫu Đức?

Duy Phương

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        821,827       40