Thể thao

Năm "khỉ vàng" của thể thao Việt Nam

Ủy ban Olympic Việt Nam là một trong 9 quốc gia được Ủy ban Olympic quốc tế trao tặng Giải thưởng "Ủy ban Olympic quốc gia có thành tích đột phá" trong năm 2016.

Ủy ban Olympic Việt Nam là một trong 9 quốc gia được Ủy ban  Olympic quốc tế trao tặng Giải thưởng “Ủy ban Olympic quốc gia có thành tích đột phá” trong năm 2016. Niềm vui đến vào một thời điểm không thể đẹp hơn, kỷ niệm tròn 40 năm thể thao Việt Nam chính thức trở thành thành viên của phong trào Olympic quốc tế.

Lực sĩ cử tạ khuyết tật Lê Văn Công giành tấm HCV đầu tiên trong lịch sử, đồng thời phá kỷ lục thế giới tại Paralympic Rio 2016.
Lực sĩ cử tạ khuyết tật Lê Văn Công giành tấm HCV đầu tiên trong lịch sử, đồng thời phá kỷ lục thế giới tại Paralympic Rio 2016. Ảnh: Internet

Rạng sáng ngày 7-8-2016 (giờ Việt Nam) sẽ mãi mãi đi vào biên niên sử của thể thao Việt Nam, khi lần đầu tiên trong lịch sử lá cờ đỏ sao vàng và Tiến quân ca hùng dũng vang lên ở đấu trường Olympic. Với chiếc HCV cùng kỷ lục Olympic lịch sử và 1 HCB tại Rio 2016, Việt Nam có kỳ Thế vận hội “đỉnh” nhất sau 64 năm, nếu tính từ Olympic 1952 tại Helsinki (Phần Lan) và 36 năm kể từ Moskva 1980, kỳ Olympic đầu tiên thể thao đất nước Việt Nam thống nhất chính thức trở lại. Tiếp đến, tại Paralympic Rio, đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam cũng xuất sắc đạt thành tích cao nhất từ trước đến nay khi giành 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ.

Từ kỳ tích Hoàng Xuân Vinh...

Hoàng Xuân Vinh đã đoạt tổng cộng hơn 150 HCV quốc tế. Tại Olympic London 2012 Xuân Vinh suýt đoạt HCĐ ở nội dung 10m súng ngắn hơi sở trường chỉ vì kém đối thủ 0,1 điểm, nhưng cùng năm đã trở thành nhà vô địch châu Á. Và 4 năm sau anh đã bước lên đỉnh Olympia.

Sau thất bại đáng tiếc ở Asiad 2014, vuột HCV ở viên đạn cuối, đến Rio 2016, không nhiều người đặt kỳ vọng vào VĐV bắn súng sắp bước sang tuổi 42, nhưng xạ thủ - Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam Hoàng Xuân Vinh đã xuất thần làm nên lịch sử ngay trong ngày thi đấu đầu tiên của bắn súng. Trong loạt bắn chung kết diễn ra vô cùng kịch tính, cao trào là loạt bắn thứ 19 khi Xuân Vinh thực hiện phát bắn không tốt, để xạ thủ nước chủ nhà Brasil Fernando Almeida vươn lên dẫn lại 0,2 điểm. Trong phát bắn cuối cùng, Almeida giành được 10,1 điểm. Lúc này, Xuân Vinh buộc phải bắn được ít nhất 10,4 điểm mới giành HCV. “Tôi tâm niệm rằng những lúc khó khăn nhất phải mạnh mẽ nhất. Tôi đã trấn tĩnh lại, hít thở sâu để lấy lại bình tĩnh và thi đấu tốt hơn” - Xuân Vinh chia sẻ lại cảm giác lúc ấy, và anh đã làm được hơn cả mọi mong đợi với phát bắn đạt 10,7 điểm, gần như tuyệt đối. Chung cuộc, Xuân Vinh đạt tổng số 202,5 điểm, hơn xạ thủ nước chủ nhà 0,4 điểm, không chỉ giành HCV mà còn làm nên kỳ tích phá kỷ lục Olympic.

4 ngày sau chiến tích lịch sử, Hoàng Xuân Vinh lại giành tiếp tấm HCB nội dung 50m súng ngắn bắn chậm. Hành trình chinh phục tấm HC thứ 2 này cũng vô cùng kịch tính. Tại vòng loại, ở những lượt bắn đầu Xuân Vinh thi đấu không tốt, kém hơn nhóm cạnh tranh tốp 8 (lọt vào chung kết) đến 4 điểm, thậm chí có thời điểm xạ thủ Việt Nam tuột xuống thứ 33/41 VĐV tham gia. “Vậy là thua rồi !” - những người Việt Nam có mặt tại trường bắn Brasil sớm bi quan. Chính ở thời điểm ngấp nghé ở bờ vực thất bại này, Vinh và HLV Nguyễn Thị Nhung đưa ra quyết định thay đổi chiến thuật bắn, không bắn an toàn nữa mà phải mạo hiểm. “Được ăn cả ngã về không”! Cụ thể là giương súng ngắm một lần thật chuẩn và bắn liên tục, không hạ nòng (trong khi Xuân Vinh có thói quen ngắm bắn rất lâu, rất kỹ). Sự táo bạo cần thiết và đúng lúc đã mang đến thành công, với 2 viên 10 điểm cuối cùng ở loạt bắn cuối vòng loại, Hoàng Xuân Vinh đã lách qua “khe cửa hẹp”. Cởi bỏ được sức ép tâm lý, ở lượt bắn chung kết gồm 8 VĐV, sự vui mừng và kinh ngạc cứ nối tiếp dần khi Xuân Vinh liên tục loại những đối thủ mạnh, đáng kể nhất là 2 đối thủ người Trung Quốc. Đến tận sau viên đạn thứ 18, anh vẫn còn hơn người xếp nhì, nhà vô địch thế giới người Hàn Quốc (đồng thời đang nắm giữ kỷ lục thế giới) Jin Jong-oh 0,2 điểm. Những tưởng chiếc HCV đã nằm chắc trong tay, nhưng thật đáng tiếc, Vinh đã tỏ ra căng thẳng, bắn không tốt ở 2 loạt cuối khiến Jin Jong-oh qua mặt giành HCV.

Nuối tiếc, khi thiếu một chút nữa thôi, người hùng của thể thao Việt Nam đã có cú đúp HCV. Nhưng với 1 HCV và 1 HCB cùng kỷ lục Olympic, Hoàng Xuân Vinh đã đi vào lịch sử như một huyền thoại khi trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên giành HCV Olympic, VĐV đầu tiên giành 2 huy chương tại 1 kỳ Olympic. Và Rio 2016 cũng là thế vận hội đầu tiên mà Việt Nam đoạt HCV và có nhiều hơn 1 HC.

Tuy nhiên, ít ai biết được đằng sau vinh quang tột đỉnh hôm nay, Hoàng Xuân Vinh đã phải trải qua rất nhiều hy sinh. Khác với phần lớn các xạ thủ, nhà vô địch Olympic theo nghiệp bắn súng chuyên nghiệp khá muộn và lại bị cận (sau này thêm suy tim vì các VĐV bắn súng luôn gặp phải ở tình trạng tạm thời thiếu dưỡng khí do phải nín thở nhiều). Phải đến năm 24 tuổi, tại giải bắn súng quân đội 1998, Vinh mới có chức quán quân đầu tiên và được CLB Quân đội xin về. 2 năm sau anh mới được gọi vào đội tuyển quốc gia. Từ đó, trải qua 6 kỳ SEA Games liên tiếp, không năm nào Vinh không bước lên bục nhận huy chương (ít nhất là một HCV).

...Đến nghị lực Lê Văn Công

Năm 2013, Lê Văn Công liên tục gặt hái thành công với chiếc HCV ASEAN Para Games 2014 (176kg) và sau đó 3 lần phá kỷ lục thế giới: HCB giải vô địch thế giới 2014 (180kg), HCV Asian Para Games 2014 (181,5kg), giải vô địch châu Á 2015 (182kg) và giờ đây là kỷ lục mới 183kg cùng tấm HCV Paralympic. Trước ngày lên đường sang Brasil, Công chỉ mơ ước giản dị có HC để có tiền mở một phòng tập tạ để vừa được tập thỏa thích, vừa lo cho cuộc sống gia đình.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên vô cùng thú vị. Cũng ngày thi đầu tiên, cũng giành tấm HCV đầu tiên trong lịch sử, đồng thời phá kỷ lục thế giới, gần 1 tháng sau, rạng sáng 9-9-2016 tại Paralympic Rio 2016, lực sĩ cử tạ người khuyết tật Lê Văn Công đã tiếp nối hoàn hảo kỳ tích của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic trên đất Brasil.

Cuộc chiến giành HCV ở hạng cân 49kg của Lê Văn Công cũng diễn ra cực kỳ nghẹt thở khi phải chờ đến lượt nâng tạ thứ ba, lực sĩ của Việt Nam mới vượt qua đối thủ Omar Qarada một cách ngoạn mục, đồng thời chinh phục thành công mức tạ 183kg, phá kỷ lục thế giới của chính mình là 182kg từng lập ở giải vô địch châu Á 2015 tại Kazakhstan. Một thành tích đáng nể khi trọng lượng tạ này gấp gần 4 lần cân nặng cơ thể của anh.

32 tuổi, Lê Văn Công (quê Hà Tĩnh) không may bị chứng teo chân từ nhỏ do mẹ bị sốt xuất huyết khi mang thai. Năm 2005, 19 tuổi, vì nhà quá nghèo anh phải ly hương một mình vào Sài Gòn mưu sinh với chỉ 1 triệu đồng lận lưng. Tại TP.Hồ Chí Minh anh gia nhập CLB hướng nghiệp dành cho người khuyết tật và đến với thể thao từ điền kinh rồi bén duyên với cử tạ. Chỉ sau 2 năm tập luyện, Công đã giành HCV ASEAN Para Games 2007 với thành tích 152,2kg. Do tập luyện quá sức, năm 2011 anh bị chấn thương nặng ở vai, phải điều trị suốt 2 năm, tưởng như đã phải chia tay với thể thao vĩnh viễn.

Từ một chàng trai tật nguyền đầy mặc cảm, tự ti, đô cử liệt chân với ý chí, nỗ lực phi thường của Lê Văn Công đã thổi bùng lên niềm tự hào dân tộc và cảm hứng nhân văn mãnh liệt. Thành công phá “dớp” của Lê Văn Công đã là nguồn khích lệ, tiền đề để các VĐV của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tiếp bước làm nên một kỳ Paralympic thành công nhất trong lịch sử với 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ, sau 4 kỳ tham dự trước đều trắng tay.

Đông Kha

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,205,096       249