So với trận chung kết lượt đi, ở trận lượt về nếu HLV A. Riedl của Indonesia chỉ có 1 sự thay người do bắt buộc (Zamrun (10) thế chỗ của Andik (21) bị chấn thương bên cánh phải), thì HLV Kiatisuk thực hiện đến 4 sự điều chỉnh trong đội hình xuất phát.
Ngoài sự trở lại sau án treo giò của trung vệ Tanaboon (17), Sirod Chatthong (9) thay Sarawut (14) đá cặp tiền đạo với Dangda, ở tuyến giữa Chappuis (7) thay Kroekrit (4) và Prathum Chutong (16) có lần thứ 2 trong giải đá chính thế chỗ của tiền vệ phòng ngự Pokklaw (21). Nhưng quan trọng nhất là Thái Lan trở về sơ đồ 3-5-2 với việc đẩy hậu vệ Bunmathan (3) lên bám biên trái. Hàng loạt sự thay đổi này cho thấy trong tay HLV Kiatisuk có rất nhiều phương án nhân sự và chiến thuật so với đồng nghiệp tiền bối A.Riedl.
Thái Lan vô địch AFF Cup 2016 đầy thuyết phục. |
Tuy nhiên, một lần nữa Indonesia chứng tỏ khả năng phòng ngự kiên cường của mình. Với phòng tuyến 3 lớp kín kẽ (nhiều thời điểm cả tiền đạo duy nhất Boaz Salossa cũng lùi về, 11 cầu thủ đội khách có mặt trên phần sân nhà) và lối chơi sức mạnh, hơn 30 phút đầu tiên của trận chung kết lượt về các mũi nhọn Thái Lan hầu như không thể lọt vào vùng cấm Indonesia, bóng đưa vào đều bị đánh bật ra. Đặc biệt, mỗi khi một chiếc áo xanh có bóng luôn lập tức có 2 áo đỏ áp sát, can thiệp, khiến cặp tiền đạo Dangda - Chatthong phải lùi về tìm bóng và không gian hoạt động.
Để phá vỡ thế trận phòng ngự dày đặc như một chiếc xe buýt 3 tầng này, HLV Kiatisuk đã có những điều chỉnh vô cùng xuất sắc: “Messi Thái” Chanathip (18) được hiệu lệnh lùi lại chơi như một tiền vệ trung tâm hộ công tự do, tiền vệ Pokklaw (16) được kéo về đá hậu vệ trái để trung vệ Adison (5) dạt phải, hầu tạo điều kiện cho Tristan Do (19) dâng cao, qua đó gia tăng sức tấn công ở cả 2 biên. Lập tức đội bóng xứ chùa Vàng có pha phối hợp sáng sủa, nguy hiểm đầu tiên ở phút 36. Khởi phát từ Chanathip, Dangda mở sang phải rất thoáng cho Tristan Do, nhưng thay vì dứt điểm ngay anh lại trả ngược vào trong, lỡ mất thời cơ. Tuy nhiên chỉ ít phút sau tình huống này, vẫn bắt nguồn từ pha mở bóng thoáng của Chanathip, Bunmathan thoát xuống bên cánh trái căng ngang, trung vệ Wahyudi phá bóng bật chân Chatthong đang lao vào dũng mãnh, đi luôn vào lưới.
Thế trận và tâm lý được khai thông cho chủ nhà. Chỉ 2 phút sau khi hiệp II bắt đầu, vẫn lại là “Messi Thái” - cầu thủ sau đó được bình chọn xuất sắc nhất giải, hút hết 5 chiếc áo đỏ Indonesia và có đường chuyền “xâu kim” hậu vệ đối phương cho Chatthong trong tư thế vô cùng trống trải, thừa thời gian và không gian chỉnh bóng vào góc xa, nhân đôi cách biệt cho Thái Lan. HLV A. Riedl lắc đầu cam chịu.
Không phải vô cớ mà siêu sao Messi từng đánh giá Chanathip Songkrasin là người có dáng dấp, lối chơi giống mình nhất và là một trong 10 tài năng trẻ hứa hẹn nhất thế giới. Cứ như dành sức cho trận quyết định, chơi rất mờ nhạt ở trận lượt đi trên đất Indonesia, nhưng trở về sân Rajamangala số 18 chỉ cao 1,58m của Thái Lan đã tỏa sáng rực rỡ bằng những pha thêu dệt và những đường chuyền chết chóc. Ngoài góp dấu giày trong 2 bàn thắng, Chanathip còn có pha “đặt” Dangda vào thế đối mặt thủ môn Indonesia và màn nhảy múa như đùa với Chatthong mang về quả penalty, nhưng cả 2 lần “vua phá lưới” của giải đều bỏ lỡ, nếu không sẽ là một thất bại nặng nề hơn rất nhiều cho Indonesia.
11 kỳ giải, 8 lần vào chung kết, 5 chức vô địch, trong đó có đến 2 lần bảo vệ thành công ngôi vương, Thái Lan chứng tỏ sức mạnh áp đảo ở Đông Nam Á trong suốt lịch sử 20 năm qua, và sẽ vẫn chưa dừng lại. Đáng chú ý, cả 5 chức vô địch của Thái Lan đều có dấu ấn của người đàn ông năm nay mới 43 tuổi - Kiatisuk Senamuang (3 khi còn là cầu thủ và 2 trên cương vị HLV). Một tương phản trái ngược hoàn toàn với Indonesia, 5 lần vào chung kết thất bại cả 5 (trong đó có 3 lần là bại tướng trước người Thái) và ở tuổi 67 cùng 18 năm lăn lộn với bóng đá vùng trũng, HLV A.Riedl vẫn là “quý ngài về nhì”.
Chúc mừng người Thái nhưng không thể không buồn cho bóng đá Đông Nam Á và giải đấu khi vẫn chưa thoát khỏi cái kết quen thuộc, đến nhàm chán!
Đông Kha