Thể thao

18 giờ 30 hôm nay 26-11, Việt Nam - Campuchia: Lấy tĩnh chế động

Do điều lệ AFF Cup quy định, trong trường hợp các đội cùng điểm yếu tố đầu tiên được tính là tổng hiệu số bàn thắng/bại ở vòng bảng, chứ không phải là kết quả đối đầu trực tiếp; nên nếu sảy chân thua Campuchia, khả năng Việt Nam mất ngôi đầu vào tay đội thắng trong trận "chung kết" cùng giờ Myanmar - Malaysia là rất lớn.

Do điều lệ AFF Cup quy định, trong trường hợp các đội cùng điểm yếu tố đầu tiên được tính là tổng hiệu số bàn thắng/bại ở vòng bảng, chứ không phải là kết quả đối đầu trực tiếp; nên nếu sảy chân thua Campuchia, khả năng Việt Nam mất ngôi đầu vào tay đội thắng trong trận “chung kết” cùng giờ Myanmar - Malaysia là rất lớn. Để đảm bảo chắc chắn ngôi đầu bảng B, tránh đương kim vô địch, ứng cử viên số 1 Thái Lan, đồng thời được chơi trận bán kết lượt về trên sân nhà, Việt Nam phải chí ít có thêm 1 điểm.

HLV Nguyễn Hữu Thắng và đồng nghiệp Lee Tae-hoon trong buổi họp báo trước trận gặp Campuchia. Nguồn: internet
HLV Nguyễn Hữu Thắng và đồng nghiệp Lee Tae-hoon trong buổi họp báo trước trận gặp Campuchia. Nguồn: internet

* Chuẩn bị phương án 2 không Hoàng Thịnh

Ngoài 2 tiền vệ Hoàng Thịnh, Thành Lương bị chấn thương sau trận gặp Malaysia chắc chắn không ra sân, do trận bán kết lượt đi trên sân khách diễn ra chỉ 1 tuần sau đó, nên HLV Hữu Thắng sẽ cho tối đa các trụ cột đã phải cày ải trọn vẹn 180 phút trong 2 trận vừa qua được nghỉ như Xuân Trường, Công Vinh, Đình Luật, Văn Thanh; đồng thời tạo cơ hội để các cầu thủ chưa được thi đấu như các hậu vệ Đinh Tiến Thành, Ngọc Đức, Tiến Dũng, tiền vệ Phi Sơn; hay các gương mặt vừa qua chỉ mới vào sân từ ghế dự bị như Minh Tuấn, Văn Thắng, đặc biệt là Công Phượng khẳng định mình.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra, ai sẽ thay Hoàng Thịnh ở vai trò tiền vệ đánh chặn? Cả 2 cái tên có khả năng đảm trách vị trí này là Huy Hùng và Quang Huy đều đã bị loại, do đó rất có thể Trọng Hoàng lại được kéo vào đá tiền vệ trung tâm, dù 2 trận vừa qua chơi ở cánh phải anh đã có 1 pha kiến tạo và 1 bàn thắng. Trọng Hoàng hay ai thì đây cũng sẽ là phương án 2 cần chuẩn bị trong trường hợp không may Hoàng Thịnh - người vừa có trận đấu rất hay trước Malaysia, lại tái phát chấn thương, không kịp bình phục cho vòng bán kết.

* Chớ chủ quan

Tuy nhiên, một sự xáo trộn quá lớn đội hình sẽ là mạo hiểm, nhất là ở một trận đấu mà đội tuyển Việt Nam vẫn có nhiệm vụ: không được thua. Giải đấu năm nay Campuchia là đối thủ không thể xem thường. Không quá lời khi nói rằng 2 lượt đấu vừa qua, dù trắng tay, đội bóng xứ chùa Tháp vẫn là “hiện tượng” bất ngờ nhất của AFF Cup 2016. Nói Campuchia tiến bộ là không đúng mà chính xác là họ đang sở hữu một thế hệ cầu thủ hoàn toàn mới hết sức tài năng. Nếu trước đây kỹ thuật là điểm yếu cố hữu của các cầu thủ xứ Angkor thì dàn cầu thủ trẻ hiện tại (đều dưới 24 tuổi và hầu hết ở lứa 20-22) có thừa. Đó là công gầy dựng của HLV người Hàn Quốc Lee Tae-Hoon sau 6 năm liên tục làm việc.

Không chỉ có những cá nhân xuất sắc mà lối chơi của Campuchia cũng rất hiện đại, đầy tốc độ và sự bùng nổ. Cặp tiền đạo cùng 22 tuổi của họ rất sắc sảo, lợi hại, đó là số 7 Udom và đặc biệt là số 11 “Messi Campuchia” Chan Vathanaka. Vathanaka là vua phá lưới giải vô địch quốc gia Campuchia 2 mùa liên tiếp và cũng 2 năm qua là một trong những cầu thủ ghi nhiều bàn nhất Đông Nam Á với 55 bàn thắng. Anh chính là tác giả cú đúp và là “hung thần” gây khốn đốn Malaysia, đồng thời cũng là người kiến tạo bàn mở tỷ số trước Myanmar. Bằng mọi giá hàng phòng ngự Việt Nam phải cô lập, chia cắt số 11 với phần còn lại. Ở tuyến giữa bộ đôi tiền vệ trung tâm Sokpheng (10), Polroth (16) cũng rất tài năng, đặc biệt là những pha di chuyển vào trung lộ từ cánh phải của tiền vệ Suhana (12).

Tuy nhiên, do còn quá trẻ và lần đầu tiên tham gia một giải đấu lớn, nên các cầu thủ Campuchia rất non nớt kinh nghiệm, bản lĩnh, nhất là hàng thủ. Việc họ luôn là người dẫn điểm trước Malaysia và Myanmar, nhưng cuối cùng lại thua ngược đã cho thấy điều đó. Không nhất thiết phải thắng, Việt Nam chỉ cần chơi chậm rãi, điềm tĩnh, kéo giảm nhịp độ trận đấu cùng sự hưng phấn của các cầu thủ trẻ đối phương, sẽ có được điều mình muốn. Nói gọn binh pháp ở trận này là “lấy tĩnh chế động”!

Hãy để Công Phượng đá chính!

Màn thể hiện trong 32 phút (kể cả 5 phút bù giờ) có mặt trên sân trong trận gặp Myanmar của Công Phượng cho thấy tài năng trẻ này đang bị tâm lý nặng nề. Rất nỗ lực di chuyển tìm bóng, nhưng từ khâu tiếp bóng, đi bóng, chuyền, dứt điểm, không ai còn nhận ra Công Phượng. Ngay cả thể lực Phượng cũng tỏ ra đuối (dù chỉ mới vào sân và trong tập luyện vẫn hoàn thành trọn vẹn giáo án). Không chỉ 3 cơ hội bỏ lỡ mà có cảm giác anh càng cố gắng chứng tỏ thì càng vụng về, hỏng việc. 

Rõ ràng, Công Phượng đang bị tâm lý và đánh mất cảm giác chơi bóng do cả năm qua hầu như được thi đấu rất ít. Tại Mito Hollyhock thì hầu như chỉ đánh bóng băng ghế dự bị, thi thoảng vào sân chỉ 5-7 phút; còn ở đội tuyển Việt Nam hiện tại Phượng chỉ là sự lựa chọn cuối cùng của HLV Hữu Thắng, sau cả Lê Văn Thắng. Đồng đội của Phượng, tiền đạo Nguyễn Văn Toàn là một minh chứng ngược lại, kém Phượng về mọi mặt nhưng nhờ được ra sân thường xuyên ở cả HAGL lẫn đội tuyển nên càng chơi càng hay.

Cần khẳng định Công Phượng là một tài năng, của quý của bóng đá Việt Nam, không thể để lãng phí, thui chột. Anh mới bước qua tuổi 21, hơn lúc nào hết cần được động viên, tin tưởng. Người có trách nhiệm đó lúc này là HLV Hữu Thắng. Và điều có thể làm đầu tiên là trận đấu với Campuchia tối nay, hãy trao cơ hội có mặt từ đầu cho tiền đạo số 16, ở đúng vị trí mà anh yêu thích. Tôi tin Công Phượng sẽ tỏa sáng!

Đông Kha

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,171,943       377