Thể thao

U.19 Nhật Bản - U.19 Saudi Arabia: Công cường đấu thủ cứng

Trận chung kết hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn khi là cuộc đối đầu giữa đội bóng sở hữu hàng công tốt nhất giải - Saudi Arabia đã ghi tổng cộng 16 bàn thắng, sở hữu 2 chân sút đang cùng dẫn đầu danh hiệu vua phá lưới với cùng 4 pha lập công là Al Yami và Najai; với hàng thủ cứng cựa nhất - U.19 Nhật Bản lập kỷ lục khi vào đến chung kết mà vẫn giữ nguyên vẹn mành lưới.

Sau chiến thắng nhàn nhã 3-0 ở bán kết trước U.19 Việt Nam, HLV Atsushi Uchiyama của U.19 Nhật Bản hài lòng: “Chúng tôi có nhiều sự thay đổi về con người nhưng các cầu thủ đã rất tự tin chơi theo cách tôi muốn và đấu pháp đề ra. Chúng tôi đã kiểm soát hoàn toàn thế trận ở phòng ngự lẫn tấn công. 2 bàn thắng sớm giúp chúng tôi thi đấu thoải mái hơn rất nhiều”.

U.19 Nhật Bản vẫn chưa để lọt lưới bàn nào.
U.19 Nhật Bản vẫn chưa để lọt lưới bàn nào khi vào đến chung kết.

Đối thủ của Nhật Bản ở chung kết tối mai là U.19 Saudi Arabia. Đây là lần thứ 3 Saudi Arabia vào chung kết Giải U.19 châu Á và cả 2 lần trước vào năm 1986, 1992 họ đều là những nhà vô địch. Trong khi đó, Nhật Bản có lần thứ 7 đi đến trận cuối cùng ở sân chơi này, nhưng lại chưa một lần đăng quang. 6 lần trước họ đều thất bại, đặc biệt trong đó có 3 lần liên tiếp vào các năm 1998, 2000, 2002. Chính vì vậy, HLV Uchiyama và các học trò quyết làm nên lịch sử: “Tôi không nghĩ nhiều về quá khứ. Đối với các cầu thủ, đây là lần đầu tiên họ có mặt ở chung kết. Chúng tôi đã chơi thứ bóng đá đẹp trong suốt giải nhưng Saudi Arabia cũng đã thành công với lối chơi của mình. Trận chung kết sẽ không dễ dàng nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đạt kết quả tốt nhất” - ông Uchiyama nói.

U.19 Saudi Arabia chỉ vào tứ kết với thành tích nhì bảng A sau khi bất ngờ loại U.19 Hàn Quốc 2-1 ở lượt cuối; tiếp đó ở vòng đấu loại trực tiếp họ trải qua 2 trận đấu đầy nghẹt thở với đối thủ cùng khu vực Tây Á. Tại tứ kết, tưởng như họ đã sụp đổ khi bị Iraq dẫn liền 2 bàn chỉ trong vòng 4 phút (phút 65 và 69), nhưng cũng chỉ mất đúng chừng đó thời gian (phút 75-79), các học trò của HLV Shehri đã gỡ lại 2-2 để rồi hoàn tất cuộc ngược dòng thắng sít sao 6-5 trong loạt sút luân lưu 11m. Ở bán kết, Saudi Arabia và Iran đã làm nên một cơn mưa bàn thắng và cuộc rượt đuổi tỷ số hết sức ngoạn mục, mà chỉ nhờ sự chói sáng với cú hat-trick của Al Yami, Saudi Arabia mới giành chiến thắng chung cuộc với tỷ số không tưởng đối với một trận bán kết châu lục: 6-5(!).

Trong khi đó, ngoài khát khao danh hiệu vô địch đầu tiên, U.19 Nhật Bản được đánh giá cao hơn bởi lối chơi đa dạng, từ tấn công trung lộ đến đánh biên, dựa trên sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cách chơi bóng dài vượt tuyến có điểm rơi chuẩn xác, cộng với những pha bật tường nhỏ khéo léo. Các cầu thủ trẻ xứ Phù Tang liên tục di chuyển rộng trên toàn sân và có khả năng thay đổi chiến thuật thường xuyên. Tuy nhiên, vấn đề với đội quân của HLV Uchiyama là chưa được sát hạch bởi một đối thủ xứng tầm kể từ đầu giải, ngoài Iran ở vòng bảng (hòa 0-0).

Lần đầu tiên cho U.19 Nhật Bản hay lần thứ 3 cho Saudi Arabia?

Trần Đỗ

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,155,184       661